Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 19/7/2008 11:36'(GMT+7)

Những tác động tâm lý cần chú ý trong hoạt động của báo cáo viên

Một trong những nội dung rất quan trọng của công tác tư tưởng là hoạt động tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên và hiệu quả của nó phụ thuộc không nhỏ vào các yếu tố tâm lý: khả năng gây ấn tượng, khả năng giao tiếp, nhân cách, tâm trạng của báo cáo viên...; nhận thức, nhu cầu thông tin, tâm lý nhóm, tâm lý dân tộc, tâm lý giới...

Dưới đây chúng tôi xin tập trung làm rõ ảnh hưởng của một số tác động tâm lý trong hoạt động của báo cáo viên.

1- Tác động tâm lý của việc sử dụng "kết luận" trong tuyên truyền.

Trong tuyên truyền, khi trình bày các vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng, người nói luôn đứng trước các tình huống phải lựa chọn: Sau mỗi luận điểm, bài nói phải chủ động đưa ra kết luận hoặc để cho đối tượng tự rút ra kết luận?

Thực tế cho thấy, những bài phát biểu ở phần cuối có đưa ra kết luận thường có sức thuyết phục hơn nhiều so với bài phát biểu không có kết luận, bởi kết luận là sự phản ánh nhanh chóng tư tưởng chính của bài nói, giúp đối tượng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ gây ấn tượng. Và ngay cả những bài có nội dung dễ hiểu, được người nghe đồng tình, việc rút ra "kết luận", khẳng định dứt khoát vẫn có ý nghĩa tích cực đến định hướng của người nghe, đến sự thay đổi tâm thế của người nghe theo hướng thích ứng.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu đối tượng tiếp nhận có quan điểm khác hoặc đối lập với quan điểm của bài nói, thì quy luật trên không hoạt động nữa.

Điều đó cũng có nghĩa: một bài nói dù có kết luận rõ ràng thì sức thuyết phục của nó sẽ bị giảm đi nhanh chóng. Loại trừ một vài trường hợp đặc biệt, nếu người nói là một người có uy tín hoặc quan điểm trên được tuyên truyền lặp lại nhiều lần, thì việc sử dụng "kết luận" vẫn phát huy tác dụng.

Đối với việc tuyên truyền bằng các ấn phẩm như sách, báo, tạp chí, những bài viết rút ra kết luận rõ ràng, có sức thuyết phục lớn hơn nhiều so với những bài thiếu kết luận. Khi sử dụng “kết luận" trong các ấn phẩm xuất bản, cần lưu ý tác dụng phụ của việc sử dụng “kết luận", đó là: người đọc có điều kiện tiếp xúc sớm hơn với các "kết luận", họ sẽ có xu hướng tìm đọc những kết luận phù hợp với quan điểm của mình mà ít chú ý đến các lập luận, các chứng minh - điều kiện quan trọng đảm bảo sự bền vững của các quan điểm cần hình thành. Ví dụ: Khi AIDS bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, bài báo có nhan đề: AIDS có lây qua đường muỗi đốt hay không? trình bày rất chi tiết về cơ chế sinh hóa của hoạt động này. Nhưng hầu hết người đọc quan tâm nhiều đến kết luận của bài viết là bệnh AIDS có lây hay không lây qua đường muỗi đốt; bởi lẽ, đa số họ không có nhiều kiến thức về hóa, sinh và thực tế là họ cũng không thể nhớ nổi những công thức hay những lập luận mang tính chuyên ngành sâu sắc. Như vậy, sử dụng "kết luận" trong tuyên truyền sẽ góp phần không nhỏ vào việc khẳng định, củng cố quan điểm tuyên truyền ở đối tượng.

2. Tác động tâm lý của phương pháp trình bày vấn đề "đơn phương" và "song phương” trong tuyên truyền.

Báo cáo viên - tác giả của những bài nói chuyện - luôn đứng trước tình huống: chỉ trình bày, chứng minh quan điểm cần tuyên truyền hay đưa vào phê phán những quan điểm, tư tưởng đối lập? Từ nghiên cứu lý luận và thực tiễn, các nhà khoa học đưa ra một số tình huống sau:

a - Tình huống do điều kiện hiện thực và khách quan tạo ra

- Trong trường hợp ở người nghe không có ý kiến bảo vệ quan điểm đối lập, quan điểm tuyên truyền được xem là duy nhất thì việc trình bày và chứng minh cho quan điểm tuyên truyền là hợp lý hơn cả. Việc thảo luận những quan điểm đối lập sẽ không đem lại kết quả, đôi khi còn làm cho người nghe tò mò, hứng thú tìm hiểu và nó sẽ dễ trở thành cơ sở để hình thành thái độ khẳng định đối với quan điểm đối lập. Các nhà nghiên cứu gọi đây là phương pháp trình bày vấn đề “đơn phương" trong tuyên truyền.

- Trong trường hợp ở người nghe có quan điểm đối lập với nội dung tuyên truyền, báo cáo viên cần phải cho hai bên thảo luận. Trong quá trình thực hiện, báo cáo viên cần nêu trước những ý kiến đối lập sẽ phát biểu, chỉ ra mặt yếu kém của quan điểm này, đồng thời khẳng định mặt ưu điểm, tính hợp lý của nội dung tuyên truyền. Người ta gọi đây là phương pháp trình bày vấn đề "song phương" trong tuyên truyền. Phương pháp này giúp cho người nghe dễ dàng nhận ra sự méo mó, khuyết tật của quan điểm đối lập; đồng thời làm cho quan điểm cần tuyên truyền thẩm thấu một cách tự nhiên vào nhận thức của người nghe.

Kết quả nhiều công trình thực nghiệm đã chứng minh: Những lập luận hay kết luận được nghe một lần có tính phê phán thì lần sau dù có bổ sung, cải chính thế nào đi nữa vẫn kém sức thuyết phục so với lần đầu. Đây cũng là một quy luật tâm lý, nó đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền phải hết sức cân nhắc khi nhận xét, đánh giá về cá nhân hay tổ chức, nhất là những kết luận mang tính chất tiêu cực.

b - Tình huống được tạo bởi thái độ của đối tượng đối với quan điểm tuyên truyền


Khi người nghe có thái độ tích cực đối với lập trường của báo cáo viên, thì việc trình bày đơn phương nội dung tuyên truyền sẽ đạt được hiệu quả tối đa. Trong trường hợp này, nếu đưa ra những quan điểm đối lập - dù chỉ là phê phán - cũng là việc không nên làm, vì nó không tăng cường được khả năng tác động của tuyên truyền mà còn làm suy giảm hiệu quả tuyên truyền.

- Khi đối tượng có thái độ thù nghịch với quan điểm tuyên truyền, nếu dùng phương pháp đơn phương để trình bày nội dung tuyên truyền dễ xuất hiện sự đối lập trong ý thức của người nghe. Do vậy, trong trường hợp này, tốt hơn cả là trình bày nội dung tuyên truyền bằng phương pháp song phương.

c - Loại tình huống được tạo bởi nhiệm vụ của người tuyên truyền.

- Với nhiệm vụ cần hình thành ngay một quan điểm nào đó, chẳng hạn như tuyên truyền kêu gọi ủng hộ đồng bào bị thiên tai, thì việc sử dụng phương pháp trình bày vấn đề đơn phương trong tuyên truyền là hết sức quan trọng. Trong trường hợp này, nếu đưa ra những tình huống hoặc nêu ra những câu hỏi như: Liệu tiền và hàng quyên góp có đến tay người bị nạn? dễ làm xuất hiện ở người nghe tâm lý lo ngại, làm giảm niềm tin và tác động xấu đến mục đích tuyên truyền.

- Trong trường hợp cần hình thành niềm tin về một vấn đề nào đó, tốt hơn hết là dùng phương pháp song phương trình bày vấn đề nhiều lần dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn như tuyên truyền dân số, tuyên truyền chống tệ nạn xã hội... Đó là những nội dung tuyên truyền không có giới hạn về thời gian.

3. Tác động tâm lý của tính trình tự đối với việc trình bày, phân tích nội dung tuyên truyền

Kết quả nghiên cứu về các quy luật trí nhớ của nhà tâm lý học Ebingaudo được ứng dụng trong việc tiếp thu tài liệu cho thấy: thứ tự các tin tức đưa ra trong truyền thông cũng có ý nghĩa rất lớn đối với công chúng. Người ta thường ghi nhớ những thông tin ban đầu và thông tin cuối. Nhưng vấn đề không chỉ dừng ở việc ghi nhớ, điều quan trọng hơn là nội dung được ghi nhớ ảnh hưởng như thế nào đến thái độ của đối tượng? Trong một thực nghiệm khác của nhà tâm lý học Mỹ Asch Slomon, kết quả đã chứng minh: những thông tin đưa ra ban đầu có ý nghĩa rất lớn đối với việc hình thành quan điểm, thái độ của đối tượng. Điều đó cũng tương tự như khi tuyên truyền lần đầu tiên đưa ra quan điểm ca ngợi hay phê phán một vấn đề nào đó sẽ để lại ấn tượng rất mạnh trong tâm trí của công chúng.

Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều tác động tâm lý ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp nhận thông tin của công chúng. Hiểu và nắm vững kiến thức tâm lý cùng với sự trải nghiệm cụ thể trong thực tiễn, báo cáo viên có thể chủ động xây dựng nội dung, lựa chọn những tác động tâm lý cần thiết trong tuyên truyền. Đó chắc chắn là những điều kiện cần thiết góp phần làm nên thành công của báo cáo viên./.

Hà Thị Bình Hòa


                                                                                                                                                                    (Tạp chí Báo cáo viên số 7/2008)(1)ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương
khóa X. Nxb CTQG, H, 2007, tr.42.


Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất