Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 9/7/2008 22:36'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm báo, tạp chí của Đảng là yếu tố cơ bản để tăng số lượng bạn đọc

Cạnh tranh trước hết về nắm bắt thông tin, về cách thức thể hiện thông tin sao cho hấp dẫn và cuốn hút mọi người; về cách trình bày, in ấn vừa nhanh, vừa đẹp gây ấn tượng ngay từ lúc người đọc lướt qua từng ấn phẩm trên mỗi sạp báo… Có thể coi đó là những tiêu chí quan trọng, có ý nghĩa quyết định tăng sức mua, sức đọc của công chúng. Trước yêu cầu đó, dường như bất cứ người làm báo nào cũng muốn ấn phẩm của báo mình được đông đảo bạn đọc, bạn xem, bạn nghe ngày thêm mến mộ. Một khi báo chí được coi là hàng hoá đặc biệt thì số người mua, người đọc, người xem, ngày càng nhiều lên là thành công đáng trân trọng của mỗi ấn phẩm báo chí. Điều đó không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của những người làm báo mà còn là nguồn cổ vũ, khích lệ lớn lao đối với nhiều người làm công tác phát hành báo chí.

Trong số hơn một trăm tờ báo và hơn 400 tạp chí các loại đang có mặt trên thị trường báo chí hiện nay thì báo và tạp chí của Đảng đã và đang có số lượng tăng lên. Ngoài báo đảng bộ của 64 tỉnh, thành phố, ở Trung ương có Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và gần một chục tạp chí thuộc khối các ban Đảng Trung ương. ấy là chưa kể đến TP. Hồ Chí Minh cũng xuất bản Tạp chí Xây dựng Đảng; các tỉnh, thành phố, đều có nhiều ấn phẩm phụ nhằm tăng thêm lượng thông tin về những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của đông đảo bạn đọc. Thuận lợi lớn nhất của báo, tạp chí của Đảng là đã có sự ổn định “đầu ra” cho những ấn phẩm báo chí; đồng thời luôn nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương; các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội đón nhận, mua, đọc hằng ngày. Ngoài báo in, chương trình truyền hình, những năm gần đây, một số báo, tạp chí của Đảng còn xây dựng báo điện tử, như Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng. Việc phát hành báo, tạp chí của Đảng càng thuận lợi hơn kể từ khi Chỉ thị 11-CT/TW ngày 28-12-1996 được ban hành và đi vào cuộc sống. Đây là cơ sở rất quan trọng để khối báo, tạp chí của Đảng lan toả, truyền bá sâu rộng sự quan tâm chỉ đạo của Đảng đối với mọi tầng lớp xã hội, trước hết là cán bộ, đảng viên. Từ việc các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng mà số lượng phát hành của một số báo, tạp chí đã tăng theo mỗi năm. Thuận lợi nữa là do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và ngành Bưu chính viễn thông nên công tác phát hành có những bước tiến rất đáng khích lệ. Nhờ đó, thông tin của báo chí đến nhanh hơn, cập nhật hơn với bạn đọc, bạn xem, khắc phục được tình trạng tụt hậu về tính cập nhật và chất lượng thông tin vốn có ở những thập niên cuối thế kỷ trước.

Về số lượng bản phát hành mỗi kỳ, đứng đầu các báo Đảng hiện nay là Báo Nhân Dân, khoảng 22 vạn bản; tiếp theo là Sài Gòn Giải phóng 5-6 vạn; Hà Nội Mới trên 3 vạn; Hà Tây khoảng 2,4 vạn. Hầu hết các báo đảng bộ địa phương đều có số lượng bản phát hành tương đương nhau và dao động trong khoảng từ 2 đến 5 nghìn bản là phổ biến. Trong khối tạp chí của Đảng, thì Tạp chí Cộng sản, có số lượng phát hành hàng kỳ lớn nhất là hơn 6 vạn bản. Tạp chí hiện có 3 ấn phẩm xuất bản mỗi tháng. Tiếp theo là Tạp chí Xây dựng Đảng với trên 57 nghìn bản mỗi tháng. Tạp chí Tư tưởng-Văn hóa xuất bản 12-13.000 bản một kỳ. Các tạp chí còn lại có số lượng phát hành dao động trong khoảng từ 5000 đến 7000 bản/kỳ. Với sự phát triển đó, khối báo, tạp chí của Đảng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin những sự kiện quan trọng về đối nội, đối ngoại, qua đó góp sức định hướng thông tin và định hướng đúng đắn dư luận xã hội.

Tuy nhiên, cũng đang tồn tại một thực tế là, việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng đi liền sự chi phối chung của quy luật cung- cầu, còn phụ thuộc vào một số yếu tố khách quan khác. ở lĩnh vực phát hành, điểm chung giữa các báo và tạp chí chủ yếu là thông qua mạng lưới của Công ty phát hành báo chí thuộc Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông. Hình thức đặt mua trực tiếp ở các toà soạn tuy có, nhưng số lượng không lớn. Một hình thức phát hành khác là thông qua hệ thống ngành dọc của các cơ quan đảng, đoàn thể (Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức các tỉnh, thành; hệ thống Dân vận, Kiểm tra, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, các Hội chính trị, xã hội,…). Nhìn chung phạm vi phát hành của các báo đảng bộ địa phương hay các tạp chí của Đảng mới bó hẹp trong từng tỉnh, thành, chứ chưa “lên sạp” được nhiều như các báo khác. Việc mở rộng phát hành đối với không ít các báo địa phương cùng một số tạp chí khác, như Tạp chí Kiểm tra, Công tác Khoa giáo, Dân vận… cũng gặp khó khăn không nhỏ. Theo chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu là nhiều cấp uỷ chưa quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị 11, do đó chưa thật quan tâm đúng mức công tác tổ chức, kiểm tra việc mua, đọc các báo, tạp chí của Đảng. Mặt khác, từng cơ quan báo chí mặc dù đã có những cố gắng trong cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức, nhưng nhìn nhận một cách nghiêm túc thì sự cố gắng đó chưa ngang tầm đòi hỏi của yêu cầu bạn đọc trong thời kỳ mới; tính thời sự, tính chính luận, tính hấp dẫn còn hạn chế. Điều đó đã quy định sự tăng chậm số lượng phát hành, nhất là trong điều kiện cạnh tranh của cơ chế thị trường.

Trước tình hình đó, việc nâng cao chất lượng và hàm lượng thông tin; việc cải tiến mạnh mẽ cách tiếp cận và phương thức thể hiện thông tin; việc tăng thêm các chuyên mục ngắn; việc giảm bớt lượng tin lễ tân; việc tăng thêm các ý kiến chính đáng của bạn đọc v.v... là những yếu tố quyết định tăng lượng phát hành. Các tờ báo, tạp chí của Đảng đang từng bước đi theo hướng đó, ngày càng tích cực đổi mới về nội dung, đáp ứng tốt hơn, bám sát hơn nhu cầu bạn đọc; phản ánh những vấn đề thiết thực mà cuộc sống đang đặt ra; coi trọng việc trao đổi, cung cấp thông tin và phản ánh những vấn đề, sự kiện được bạn đọc quan tâm tìm hiểu. Sự cố gắng của Tạp chí Xây dựng Đảng là một ví dụ cần được nghiên cứu tổng kết. Trong những năm gần đây, Tạp chí đã có một số thay đổi mạnh mẽ về hình thức và nội dung. Thông qua kết quả phiếu trưng cầu ý kiến, Ban Biên tập tạp chí đã kịp thời điều chỉnh nội dung, thay đổi chuyên trang, chuyên mục nhằm cung cấp những thông tin thời sự, bức xúc trong công tác xây dựng Đảng; quan tâm hơn công tác chăm sóc cộng tác viên; tổ chức định kỳ các cuộc họp cộng tác viên, nâng mức nhuận bút và có phần thưởng tương xứng với sự đóng góp trí tuệ của các cộng tác viên xuất sắc hàng năm. Trong 5 năm trở lại đây, số lượng tạp chí đã tăng lên hàng nghìn bản mỗi năm. Các báo, tạp chí khác ít nhiều cũng đã có cải tiến về nội dung, hình thức, chú trọng hơn mảng công tác bạn đọc, tiếp thị. Cách làm cũng có điểm giống như Tạp chí Xây dựng Đảng, nhưng vì những lí do khách quan nên nhiều cố gắng của một số tờ báo, tạp chí cũng chưa đưa tới hiệu quả như mong muốn.

Nhìn lại một thập niên qua, kể từ khi có Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, có thể nhận thấy sự chuyển biến tích cực ở nhiều báo, tạp chí của Đảng trên nhiều khía cạnh. Trước hết là tính năng động, sáng tạo của một số tờ báo, tạp chí khi mạnh dạn thay đổi măng-séc, kết cấu lại các chuyên trang, chuyên mục hợp lý hơn; xây dựng báo điện tử song hành cùng báo in, gắn hoạt động báo chí với hoạt động kinh tế (tổ chức nhà in; quảng cáo thương hiệu các doanh nghiệp; tăng lượng tin, bài mang tính phóng sự điều tra; coi trọng hơn tính cập nhật thông tin, in ấn đẹp và rõ ràng, đặc biệt là trang bìa tạo sức hấp dẫn bạn đọc ngay từ khi bạn đọc đón nhận ấn phẩm…). Tuy nhiên, trước đòi hỏi mới theo tinh thần Nghị quyết TW5 (khoá X) về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”, các báo, tạp chí cần tiếp tục đổi mới hơn nữa tư duy làm báo, tạp chí theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, phản ánh sinh động, đa dạng hơn nữa công cuộc đổi mới, hội nhập về chiều rộng và chiều sâu; góp sức tích cực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về những vấn đề cơ bản đặt ra trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, ngoài kênh phát hành thông qua ngành bưu chính viễn thông, nên chăng từng cơ quan báo, tạp chí tự tổ chức lực lượng phát hành trên cơ sở nắm thật chắc các yêu cầu chính đáng của bạn đọc? Gắn liền nhiệm vụ đó là sự quan tâm thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đặc biệt là đầu tư thêm cơ sở vật chất-kỹ thuật, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ chất xám của toàn xã hội vào từng số báo; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cán bộ, phóng viên, nhân viên. Đương nhiên, cần phải nhấn mạnh một điều, tăng đầu tư cho khối báo, tạp chí của Đảng không có nghĩa là trở lại thời kỳ bao cấp đã làm triệt tiêu tính năng động, chủ động sáng tạo của từng cơ quan và đội ngũ báo chí.

Hơn bao giờ hết, những người làm báo, tạp chí của Đảng càng nhận rõ trách nhiệm nặng nề trước nhiệm vụ chính trị lớn lao và sự tin cậy của công chúng. Làm gì để nội dung của báo, tạp chí mang tính chính trị nhưng lại hấp dẫn bạn đọc? Làm sao để báo, tạp chí của Đảng trở thành nhu cầu thiết thân của mỗi cán bộ, đảng viên? Cần những biện pháp mang tính đột phá như thế nào để làm tốt vai trò chủ lực, định hướng chi phối thông tin trên mặt trận báo chí thời đổi mới, hội nhập giao lưu văn hoá với bạn bè năm châu? Tìm được những câu trả lời thoả đáng đối với các vấn đề nêu trên - đó cũng chính là những giải pháp thiết thực để thực hiện thật tốt Chỉ thị số 11 - một Chỉ thị quan trọng của Đảng đã và đang tạo điều kiện cho các báo, tạp chí của Đảng góp sức tích cực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững; qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên mọi bình diện đời sống xã hội hôm nay./.

TS. Nguyễn Hồng Vinh

Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất