Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 9/10/2009 9:19'(GMT+7)

Đồng thuận về Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh sự cần thiết của Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh sự cần thiết của Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

 
Dự án đã nhận được sự tán thành cao của đại diện các tầng lớp nhân dân tại Hội nghị lấy ý kiến HĐND các cấp tỉnh Ninh Thuận – địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, diễn ra ngày 8/10.

Các đại biểu HĐND tỉnh Ninh Thuận, huyện Ninh Phước, Ninh Hải, xã Phước Dinh, xã Vĩnh Hải đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Dự án quan trọng trong chiến lược năng lượng quốc gia

Tới dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược năng lượng phục vụ phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Với mục tiêu cao nhất phục vụ phát triển đất nước, dự án có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị hết sức kỹ càng, chặt chẽ và khoa học.

"Cơ cấu điện năng cần có những giải pháp hỗn hợp mà điện hạt nhân là một trong giải pháp hợp lý nhất”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Thuận, đồng thời mong muốn các đại biểu cử tri phổ biến thông tin, giúp các tầng lớp nhân dân địa phương hiểu rõ, tạo sự đồng thuận cao đối với dự án. Đây sẽ là một trong những bước triển khai quan trọng để các cấp có thẩm quyền  có cơ sở để quyết định chủ trương đầu tư dự án đặc biệt quan trọng này.

Các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương xây dựng Nhà máy .


Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trình bày các báo cáo, đề cập toàn diện các vấn đề trong quá trình chủ trương, triển khai dự án cũng như trả lời thỏa đáng nhiều câu hỏi của đại diện cử tri địa phương.

Một số thông tin về dự án:

Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Địa điểm: + Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 nằm ven biển tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Diện tích 540 ha.

               + Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 nằm ven biển tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Diện tích 550 ha.

Tại mỗi địa điểm, giai đoạn 1 gồm 2 tổ máy công suất 1.000 MW, có thể phát triển lên 4 tổ máy trong tương lai. Thời gian xây dựng 6-7 năm/tổ máy. Dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ vận hành thương mại khoảng sau năm 2020.

Theo kế hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030, sẽ có 7 nhà máy được xây dựng tại Ninh Thuận và miền Trung (chưa xác định địa điểm) và bắt đầu vận hành từ năm 2020. Tổng công suất của 7 dự án này từ 15.000 đến 16.000 MW.


Ninh Thuận là sự lựa chọn phù hợp nhất

Ước tính đến năm 2020, dù có áp dụng các biện pháp tiết kiệm, nhu cầu điện của Việt Nam vẫn lên đến 200-230 tỷ KW/h, trong khi lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu...) chỉ đáp ứng được khoảng 165 tỷ KW/h. Vì vậy, việc ra đời nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020 sẽ kịp thời đáp ứng được nhu cầu cấp bách lúc đó.

Quá trình lựa chọn địa điểm xây dựng NMĐHN đã được tiến hành từ năm 1996-2000. Theo các tiêu chí lựa chọn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trên cơ sở khảo sát nhiều địa điểm, các cơ quan chuyên môn đã xem xét, lựa chọn 6, trong đó 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải đã được lựa chọn do thỏa mãn các điều kiện tiên quyết để xây dựng NMĐHN và có số điểm đánh giá cao nhất. Lý do là Ninh Thuận có địa hình thuận lợi, diện tích đủ để xây dựng NMĐHN với 4 tổ máy công suất mỗi tổ từ 1.000 MW trở lên, có điều kiện địa chất công trình tốt, nằm trong vùng có cường độ động đất không lớn, đảm bảo an toàn nhà máy và chi phí xây dựng thấp. Các địa điểm nằm sát biển, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống nước làm mát và vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Tại Hội nghị, vấn đề được đại diện cử tri Ninh Thuận đặc biệt quan tâm là việc đảm bảo an toàn khi xây dựng, vận hành nhà máy. Các cơ quan hữu trách cho biết đây luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Toàn cảnh hội nghị.



Với chủ trương lựa chọn công nghệ, thiết kế tiên tiến trên thế giới đảm bảo rằng xác suất rủi ro là 10-6 (tức là 1 triệu lò phản ứng, mới có 1 lò có nguy cơ bị sự cố).

Sau khi thảo luận, đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Thuận bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương, quy mô và công nghệ áp dụng, các vấn đề xử lý môi trường của Dự án NMĐHN Ninh Thuận. Đồng thời đề nghị Nhà nước công khai các chính sách phát triển, tổ chức các triển lãm, các đợt tìm hiểu, tham quan các cơ sở hạt nhân, xây dựng Trung tâm thông tin về an toàn hạt nhân để nhân dân tìm hiểu, tăng thêm hiểu biết để có sự đồng thuận cao nhất. Mặt khác, đây là dự án đặc biệt quan trọng tầm quốc gia nên cần có chính sách hỗ trợ phù hợp về di dân, tái định cư, hỗ trợ nhân dân địa phương ổn định đời sống. Các vấn đề cần được quan tâm đặc biệt như đánh giá tác động môi trường, kịch bản sự cố...để giúp cho ngành, cho tỉnh có quy hoạch phát triển KTXH vùng liên quan.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6 tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án để năm 2014 có thể khởi công nên công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, tái định cư cần được các cơ quan liên quan nghiên cứu, chuẩn bị triển khai sớm.

Theo Bộ Công Thương, các tiêu chuẩn an toàn của NMĐHN được quan tâm đặc biệt. Hiện IAEA đã đưa ra khoảng 200 tiêu chí và VN sẽ thể chế hóa đầy đủ các tiêu chí này. Đến nay đã có những công nghệ bảo vệ chiều sâu, cụ thể là (i) ngăn ngừa sự xuất hiện của các sự kiện bất thường; (ii) ngăn chặn sự phát triển các sự kiện bất thường thành sự cố; (iii) hạn chế hậu quả của sự cố hạt nhân; (iv) loại trừ hậu quả của sự cố hạt nhân đối với môi trường. Các công nghệ mới, đặc biệt là lò thế hệ II, III+ mà Việt Nam dự kiến áp dụng có hệ số an toàn thụ động rất cao.



(Cổng TTĐTCP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất