Phiên thảo luận mở về chủ đề “Phụ nữ và Hòa bình, An ninh” đã mở đầu tháng Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần thứ 2 trong nhiệm kỳ thành viên không thường trực của cơ cấu quyền lực nhất LHQ.
Cuộc thảo luận diễn ra ngày 5/10 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm với nội dung chính là đáp ứng các nhu cầu của phụ nữ trong bối cảnh hậu xung đột nhằm tăng quyền và sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hòa bình, đặc biệt là giai đoạn hậu xung đột, nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh bền vững.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, từ kinh nghiệm của mình về khắc phục hậu quả chiến tranh, vươn lên thu được những thành tựu được quốc tế ghi nhận về phát triển đất nước, đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, Việt Nam cho rằng, thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng hàng đầu của việc loại trừ những nguyên nhân xung đột, ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Thứ hai, quá trình tái thiết đòi hỏi những nỗ lực toàn diện đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân về lương thực, nhà cửa, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải quyết những chấn động tâm lý, phục hồi cơ sở hạ tầng và củng cố các thể chế của xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của gia đình.
Thứ ba, hệ thống LHQ có vai trò đặc biệt trong việc giải quyết xung đột và tái thiết sau xung đột theo sứ mệnh được các nước thành viên giao phó, và cũng do có được kinh nghiệm, tri thức tích lũy ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các tổ chức phi chính phủ đã đánh giá cao việc Việt Nam nêu chủ đề của cuộc thảo luận, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái trong thời kỳ sau xung đột cũng như nhấn mạnh sự tham gia của họ trong tất cả các giai đoạn của tiến trình hòa bình.
Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an do Việt Nam soạn thảo. Nghị quyết yêu cầu các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực cần có các biện pháp để mở rộng việc tham gia của phụ nữ vào tất cả các giai đoạn của tiến trình hòa bình, đặc biệt là tham gia vào giải quyết xung đột cũng như tái thiết sau xung đột. Các bên liên quan đến cuộc xung đột phải tôn trong quyền của phụ nữ, lên án mạnh mẽ mọi hành động vi phạm luật pháp quốc tế chống lại phụ nữ và bé gái.
Nghị quyết cũng yêu cầu Tổng Thư ký LHQ cần có chiến lược để ngày càng có nhiều phụ nữ được bổ nhiệm đảm nhận các vị trí trong bộ máy của LHQ. Các nước, các cơ quan của LHQ cũng như các tổ chức xã hội phải đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng cho phụ nữ, bé gái trong thời kỳ hậu xung đột.
Phiên thảo luận mở thứ hai trong chương trình làm việc của Hội đồng Bảo an sẽ diễn ra vào ngày 28/10 bàn về tình hình Trung Đông. Ngoài ra, trong tháng Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch, HĐBA sẽ tiến hành các cuộc thảo luận, thương lượng về nhiều vấn đề liên quan tới các cuộc xung đột ở các khu vực như tình hình an ninh và nhân đạo tại Somalia, Sudan, CHDC Conggo ở châu Phi; các vấn đề Iraq, Lebanon, Afghanistan, Timor Leste ở châu Á; Kosovo ở châu Âu; Haiti ở châu Mỹ. HĐBA cũng sẽ xem xét việc gia hạn sứ mệnh của một số phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ./.
Theo (TTXVN, VOV)