Sân bay Át-ta-pư đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành theo đúng các nội dung hợp đồng ký kết, đạt chuẩn để đưa vào khai thác. Sân bay có một đường băng dài 1.850m, đáp ứng cho các loại máy bay ATR-72, Fokker hoặc tương đương. Sân bay được trang bị thiết bị dẫn đường VOR/DME, hệ thống đèn hiệu đáp ứng bay ban đêm, có hàng rào an ninh bao quanh dài 7.200m cùng hệ thống đường tuần tra. Nhà ga hành khách với thiết kế hiện đại có diện tích 4.300m2 đáp ứng cho 300 khách/ngày, được trang bị theo tiêu chuẩn nhà ga hành khách quốc tế…
Trên thực tế, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước vốn có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ lâu đời và ngày càng phát triển. Mối quan hệ máu thịt, hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản kính mến đặt nền móng xây dựng đã được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng dày công vun đắp. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, mối quan hệ đặc biệt ấy vẫn không ngừng đơm hoa kết trái. Với quan điểm đất nước Lào phát triển thì Việt Nam cũng sẽ phát triển và ngược lại, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào. Hiện Việt Nam có 413 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 5 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn thứ ba vào Lào; Lào là nước có nhiều nhà đầu tư Việt Nam nhất đang hoạt động. Có thể nói, mối quan hệ Việt-Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có quan hệ kinh tế, đầu tư và thương mại với nhiều hình thức hợp tác phong phú, đa dạng. Dự án sân bay quốc tế Át-ta-pư và chuyến thăm Lào của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác kinh doanh, đầu tư tại tỉnh Át-ta-pư và khu vực Nam Lào.
Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, trước những thời cơ và thách thức đối với cả hai nước, hơn bao giờ hết, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, thủy chung trong sáng đã được đúc kết trong câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Việt-Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long" lại càng được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân và các doanh nghiệp hai nước vun đắp mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích chung của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
VŨ HOÀNG