Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 7/4/2011 21:55'(GMT+7)

Dự báo lạm phát năm 2011 là 13,3%

Các dự báo này được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2011 (ADO 2011) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện và được công bố sáng 6/4 tại Hà Nội.

Ông Dominic Mellor – Chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB cho biết: ADB đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đưa ra những biện pháp chính sách tổng thể nhằm kiểm soát lạm phát và khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô thông qua Nghị quyết 11. Nếu thực hiện thành công Nghị quyết này thì kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ được khôi phục, nhưng vẫn cần thời gian để mức lạm phát tụt giảm. Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 cũng sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn.

ADO 2011 đã giảm mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2011 xuống còn 6,1% so với mức dự báo 7,0% được đưa ra vào tháng 9/2010. ADB cũng dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ tăng trở lại lên mức 6,7% trong năm 2012, khi mà môi trường kinh tế ổn định hơn có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư. “Lạm phát được dự báo vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 13,3% trong suốt năm 2011, trước khi giảm xuống mức trung bình 6,8% trong năm 2012” – ông Dominic Mellor  nói.

Theo ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam: “Do mức lạm phát tính theo tháng trong giai đoạn từ tháng 4 – 9/2010 rất thấp nên sẽ rất khó để lạm phát tính theo tháng của năm nay xuống thấp hơn mức của năm ngoái – điều này có nghĩa cho dù có thực hiện thành công Nghị quyết 11, tỷ lệ lạm phát cả năm của Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng và không giảm, ít nhất trong vòng vài tháng tới. Việc giảm tỷ lệ lạm phát cả năm xuống một con số vào cuối năm nay đòi hỏi tỷ lệ lạm phát trung bình tháng từ giờ đến hết năm phải dưới 0,4%. Điều này rất khó khăn song vẫn có thể đạt được”.

ADO cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam ở mức 6,8% trong năm 2010, trong bối cảnh hồi phục kinh tế toàn cầu và điều tiết chính sách tiền tệ. Tăng trưởng tiêu dùng tăng mạnh ở mức 9,7% đã kích thích đầu tư cho khu vực tư nhân, cùng với lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng ở mức 7,7% và dịch vụ tăng 7,5%. Việc tăng cường xuất khẩu cũng đã góp phần giảm thâm hụt cán cân thanh toán trong giao dịch thương mại từ mức 8,3 tỷ USD năm 2009 xuống 7,1 tỷ USD năm 2010. Số liệu hải quan cho thấy nhập khẩu từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đã tăng 23% trong khi xuất khẩu tăng 49%. Tuy nhiên lạm phát đã tăng lên mức hai con số vào cuối năm trong khi đồng tiền bị trượt giá. Thách thức trước mắt là tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, trong khi thách thức về lâu dài hơn là tiếp tục đẩy mạnh những cải cách cơ cấu.

Cũng theo ông Konishi: “Việc tập trung vào nâng cao quản lý doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp này đóng góp hiệu quả hơn cho tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam. Việt Nam cần tập trung nâng cao hiệu quả của các hệ thống kinh tế ngay từ bây giờ, để làm sâu rộng hơn sự hội nhập khu vực và những chuỗi giá trị toàn cầu. Sự ổn định và hiệu quả sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào những tiềm năng to lớn của Việt Nam trong giai đoạn trung hạn”./.

Vũ Hạnh - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất