Thứ Sáu, 11/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 25/2/2009 21:28'(GMT+7)

Dự báo xu thế và quan điểm phát triển văn hóa Việt Nam

PGS.TS Phạm Huy Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS Phạm Huy Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển phát biểu tại Hội thảo.

Vài nhận định về nền văn hóa hiện tại

PGS.TS Phạm Huy Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển chỉ ra rằng, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa thì chúng ta còn không ít những yếu kém. Những thành tựu và tiến bộ đạt được về văn hóa còn chưa tương xứng và chưa vững chắc, chưa đủ để tác động có hiệu quả đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống. Văn hóa xét trên phương diện động lực thúc đẩy sự phát triển tỏ ra chưa đủ mạnh. Hàm lượng chất xám trong sản phẩm hàng hóa của ta còn thấp, văn hóa chưa đủ sức tác động, chi phối, điều chỉnh quá trình sản xuất, kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại và hiệu quả. Đáng quan tâm hơn, văn hóa chưa điều chỉnh mạnh mẽ nhận thức, tư tưởng, tình cảm, những quan hệ đạo đức, nếp sống của con người.

TS. Cù Huy Chử, nguyên Trưởng khoa Văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM thì có nhận định, chúng ta không xây dựng được một nền văn hóa đồng bộ, có sự hài hòa giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, giữa văn hóa lối sống và văn hóa chính trị. Trong văn hóa nghệ thuật cũng không phát triển đồng đều, các loại nghệ thuật biểu diễn tạp kỹ, thời trang có xu hướng phát triển hơn nghệ thuật văn chương. Các loại hình văn hóa nhìn đang lấn dần văn hóa đọc, nhất là đối với lớp trẻ. Phim ảnh nước ngoài chiếm thị phần cao hơn phim ảnh trong nước. Lý luận phê bình hầu như phát triển rất chậm, tình trạng sao chép những tác phẩm nước ngoài trở nên tràn ngập...

Tàn dư của những khuyết điểm, nhược điểm trong văn hóa truyền thống vẫn tồn tại khá dai dẳng trong đời sống hôm nay, gây cản trở không nhỏ cho sự phát triển đất nước mà chúng ta cần ra sức khắc phục triệt để, đó là tập quán tiểu nông như chủ nghĩa bình dân, kỷ luật kém, tác phong qua loa đại khái, lề mề chậm chạp, dĩ hòa vi quí... PGS.TS Tạ Văn Thành nêu ý kiến.

Dự báo xu thế và quan điểm trong thập niên tới

PGS.TS Tạ Văn Thành cho rằng, bên cạnh những hạn chế đó, chúng ta cần phát huy những giá trị văn hóa tích cực mà ông cha ta xây dựng như chủ nghĩa anh hùng, lòng nhân ái, bao dung, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài để làm giàu văn hóa mình, có óc thẩm mỹ, sáng tạo... Đây cũng chính là những vấn đề cần lưu ý trong xây dựng và phát triển văn hóa trong thời gian tới.

PGS.TS Phạm Huy Đức nói, hiện nay thị trường văn hóa của Việt Nam vừa mới xuất hiện nên còn manh mún và tự phát, việc vận dụng các quan hệ thị trường vào quá trình sản xuất, quản lý văn hóa còn yếu kém. Tâm lý, thói quen đối lập văn hóa với thị trường còn nặng nề.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Các sản phẩm văn hóa của ngành công nghiệp văn hóa ngày càng gia tăng và chiếm vị trí quan trọng trong việc xây dựng đời sống tâm hồn, tình cảm của xã hội. Vì vậy, phát triển công nghiệp văn hóa là đòi hỏi khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc để tự bảo vệ mình trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, đồng thời đây là động lực để phát triển kinh tế xã hội, chống xu hướng đồng hóa về văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hóa...

TS. Cù Huy Chử đưa ra dự báo, trong bối cảnh của khoa học tin học phát triển, xâm nhập vào toàn bộ đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu sẽ là cơ sở cho tư tưởng tự do dân chủ phát triển, điều đó không thể cưỡng được. Văn hóa Việt Nam cũng sẽ phát triển theo xu hướng tất yếu đó. Nhưng chính trong những xu thế phát triển đó nếu không có một tầm nhìn triết học mang tính tổng quát để nhận thức và lý giải cái hiện tại sống động mà con người và dân tộc đang trải nghiệm thì không thể xây dựng được một nền văn hóa mang tính đồng bộ./.

(Theo: Báo Văn hoá)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất