Thứ Tư, 27/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 20/2/2009 17:2'(GMT+7)

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân - Một tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng cầm quyền hiện nay

Hội thảo do Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (thuộc Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) và Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (thuộc Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức sáng hôm nay (20/2) tại Hà Nội.

Hội thảo đã nhận được 61 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh...

Với nhiều cách tiếp cận khoa học, các tham luận đã làm rõ hơn nữa lịch sử ra đời, vai trò, ý nghĩa của tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Các nhà khoa học đã thống nhất đánh giá rằng: Tác phẩm vô giá này là một di huấn tư tưởng có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức quí giá và sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, nhất là đối với công tác xây dựng Đảng cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Ngày 3/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Chỉ với 684 từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy căn bệnh trầm kha, gốc của mọi tệ hại, đó là "chủ nghĩa cá nhân" và khẳng định phương thuốc cơ bản, lợi hại nhất để diệt trừ căn bệnh là "nâng cao đạo đức cách mạng".

Theo Giáo sư Đinh Xuân Lâm (Trường Đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn quốc gia), để nhận thức đầy đủ giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm này, cần làm rõ thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố tác phẩm. Năm 1969, là năm mở đầu cho một thời kỳ đấu tranh đầy gay go, ác liệt, đầy hy sinh gian khổ. Trong cuộc đấu tranh này, mọi tư tưởng riêng tư, quyền lợi ích kỷ của cá nhân đều phải lùi bước. Vì yêu cầu của cách mạng, Cần phải quét sạch căn bệnh trầm kha, nguy hại - chủ nghĩa cá nhân.

Cũng theo Giáo sư Đinh Xuân Lâm, việc học tập tác phẩm này là việc hoàn toàn cần thiết, là tài liệu cơ bản trong chương trình "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" hiện nay, vì các nguy cơ đe doạ sự vững mạnh của Đảng suy cho cùng đều là do chủ nghĩa cá nhân mà ra. Muốn tạo điều kiện cho cách mạng phát triển thì phải tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa cá nhân.

Theo nhà báo Hữu Thọ, trong tác phẩm, Bác đề cập việc chống chủ nghĩa cá nhân không với mục đích huỷ diệt cá nhân. Ai cũng có ý thức, sở trường riêng, miễn là nó không đối lập, không làm hại với những lợi ích của tập thể, của Tổ quốc. Chủ nghĩa cá nhân mà Hồ Chủ tịch nhấn mạnh phải quét sạch ở đây là chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, coi cá nhân lên trên các giá trị khác, thậm chí có thể hy sinh các giá trị khác vì lợi ích của mình.

Ông Bùi Kim Hồng- Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nêu rõ: Chủ nghĩa cá nhân, trong điều kiện và hoàn cảnh mới, đã có những biểu hiện cụ thể như: sự phai nhạt lý tưởng, cơ hội chủ nghĩa; tham những, tham ô, hối lộ, lãng phí; Quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng; Lợi dụng địa vị, chức quyền, dung túng bao che cho người thân làm ăn phi pháp, chiếm đoạt tài sản bất chính; Phô trương, hình thức, chạy theo thành tích; Chạy danh, chạy lợi, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, tại tội, chạy bằng, chạy tuổi; Địa phương chủ nghĩa, cụ bộ bản vị; Ngại khó ngại khổ, tranh công đổ tội, lợi mình hại người... Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống thực dụng, bệnh cơ hội giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên còn diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị tê liệt, thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực lãnh đạo lẫn chỉ đạo những vấn đề phức tạp nảy sinh.

Các đại biểu tham gia hội thảo đều nhất trí: Trước hình hình này, Đảng ta và mỗi đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa các quan điểm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm là "Kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật", nói đi đôi với làm, gắn mối quan hệ hữu cơ giữa xây và chống, tiến hành liên tục và mạnh mẽ cuộc chiến đấu nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tham nhũng, lãng phí đang là nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của Đảng, của chế độ.

GS.TS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng lý luận Trung ương) nhấn mạnh: Việc quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng luôn luôn là vấn đề thời sự. "Đạo đức cách mạng như là một cái đập chắn sóng, ngăn tất cả những rác rưởi tràn vào, làm cho cơ thể sống của Đảng mạnh khoẻ, không mang mầm bệnh và có thể có đủ sức đề kháng. Trong nền kinh tế thị trường, chủ nghĩa cá nhân len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, kể cả thẩm thấu vào tổ chức của Đảng, trong những người có chức, có quyền. Nếu không thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân thì khó lòng thực hiện sự nghiệp cách mạng của chúng ta một cách trọn vẹn".

Đối với cán bộ, đảng viên, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để tự giáo dục rèn luyện mình xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân, trung thành tuyệt đối, toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng./.

Trường Thành

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất