(TCTG) - Chiều 18/2, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Hà Nội), Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị lãnh đạo các Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch toàn quốc triển khai kế hoạch hoạt động "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam" năm 2009.
"Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam" sẽ diễn ra trong hai ngày 18 và 19/4/2009, với nhiều hoạt động phong phú như: triển lãm mỹ thuật, sách báo, chiếu phim; toạ đàm của các nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân tiêu biểu; giao lưu nghệ thuật, giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc và liên hoan các trò chơi dân gian truyền thống, thể thao dân tộc. Tâm điểm của chương trình là Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam".
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Sóc Trăng… đã phát biểu nêu quyết tâm cao trong việc vượt khó khăn, tích cực tham gia vào ngày hội và đóng góp nhiều ý kiến để các hoạt động của "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam" lần đầu tiên này thực sự có hiệu quả cao. Mặc dù thời gian từ nay đến khi diễn ra ngày hội chỉ còn hai tháng, nhưng các địa phương đều chủ động kế hoạch để tham gia ngày hội có hiệu quả nhất.
Các hoạt động của "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam" được chọn lọc và mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc, vùng, miền, đảm bảo chất lượng, nội dung nghệ thuật, tính dân tộc, tính hiện đại, tính cộng đồng, tính đa dạng, phong phú và độc đáo; Tạo dấu ấn, có ý nghĩa, thiết thực, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; Phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ vũ các hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đồng bảo các dân tộc là chủ thể của các hoạt động và được trực tiếp thụ hưởng.
Tham gia ngày hội dự kiến có 33 tỉnh, thành phố (trong đó có 15 tỉnh, thành phố ở miền Bắc, 12 tỉnh ở Miền Trung và 6 tỉnh, thành phố ở miền Nam). Mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 30 người tham gia.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nêu rõ quyết tâm phải thực hiện cho tốt các hoạt động của "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam" và làm gọn trong hai ngày 18 và 19/4. Để làm được điều này, Ban tổ chức cần nghiên cứu tính toán để có được kịch bản hợp lý nhất, huy động kinh phí phù hợp, với tinh thần hiệu quả, thiết thực như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam"./.
Trong Quyết định số 1668/QĐ-TTg ban hành ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ việc xác lập "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" hàng năm nhằm mục tiêu sau:
1. Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
2. Tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc vì một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc;
3. Tuyên truyền, vận động làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi, quí trọng và hoà hợp nhau hơn, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội;
4. Góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Việc tổ chức "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" hàng năm phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
1. Thiết thực, tiết kiệm, không phô trương lãng phí, đồng thời phải phong phú, đa dạng, ấn tượng, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, gắn với chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, xoá đói giảm nghèo của vùng miền, địa phương;
2. Đảm bảo nội dung hoạt động trọng tâm có chương trình mục tiêu cụ thể, kết nối với các hoạt động, chương trình của quốc gia, vùng miền địa phương;
3. Các hoạt động, việc làm phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của bà con các dân tộc ở cơ sở, không áp đặt, phải tôn trọng phong tục tập quán của các dân tộc; thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia;
4. Ưu tiên các chương trình, hoạt động, việc làm thiết thực với đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, tập trung cho công tác truyền thông.
Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch chủ trì, chỉ đạo thực hiện "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam". |
Mai Hồng