Các diễn giả là 60 sinh viên, trong đó có 3 sinh viên Việt Nam giành
chiến thắng trong cuộc thi viết luận mang tên "Đa ngôn ngữ, một thế
giới."
Trước toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc, các sinh viên đã trình bày
những ý kiến về tầm quan trọng của việc biết nhiều ngôn ngữ trong tiến
trình thực thi các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030.
Đây là năm thứ ba Tập đoàn Giáo dục Anh ngữ Quốc tế ELS phối hợp với Vụ
Thông tin Liên hợp quốc tổ chức cuộc thi viết luận quốc tế.
Trong cuộc thi viết luận năm nay, các sinh viên đại học tuổi từ 18 trở
lên trên toàn thế giới được yêu cầu viết một bài luận khoảng 2.000 từ
thảo luận về quyền công dân toàn cầu và sự hiểu biết văn hóa cũng như
tầm quan trọng của việc biết nhiều ngôn ngữ.
Bài luận phải được viết bằng một ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc
và phải thể hiện được con người cá nhân, sự học tập, bối cảnh văn hóa và
quốc gia của mình. Người chiến thắng được thưởng một chuyến đi tới New
York để tham dự Diễn đàn Thanh niên Toàn cầu của Liên hợp quốc.
Mục đích của cuộc thi cũng như Diễn đàn Thanh niên Toàn cầu năm nay là
nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết nhiều ngôn ngữ cũng như công nhận
ảnh hưởng của sáu ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc gồm tiếng Arab,
tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha.
Năm nay, cuộc thi nhận được 3.600 bài luận từ các sinh viên của 2.500 trường đại học tại 130 nước.
Ban tổ chức đã chọn được 60 người chiến thắng đến từ 36 quốc gia và 54 trường đại học.
Ba sinh viên Việt Nam giành chiến thắng là Ngô Thị Nhâm (đến từ Trường
Đại học Bách khoa Tomsk của Nga) viết bài luận bằng tiếng Trung, và Lê
Thị Kim Ngân (đến từ Trường Đại học bách khoa Tomsk của Nga) viết bài
luận bằng tiếng Nga và Từ Minh Ngọc (đến từ Trường Đại học Cơ đốc giáo
của bang Texas, Mỹ) viết bài luận bằng tiếng Anh.
Chia sẻ với phóng viên bên lề diễn đàn, sinh viên Từ Minh Ngọc cho biết
anh muốn gửi đi một thông điệp tới sinh viên Việt Nam rằng "nên học một
ngôn ngữ nào đó và tìm hiểu về các nền văn hóa khác để trở thành một
công dân toàn cầu. Có như vậy mới có thể hòa nhập tốt với thế giới"./.
Theo TTXVN