Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 20/2/2011 18:18'(GMT+7)

“Du lịch về cội nguồn” thiếu bước đột phá

Chương trình du lịch Về cội nguồn 2011 của 3 tỉnh trên sẽ mở màn với Lễ khai mạc dự kiến tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào ngày 26/2. Năm nay là năm thứ 6 đánh dấu sự hợp tác của 3 tỉnh này trong hoạt động quảng bá và phát triển du lịch.

Thương hiệu riêng

Sau 6 năm, chương trình liên kết du lịch giữa 3 tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái đã trở thành một trong những sự kiện nổi bật của du lịch Việt Nam, thể hiện sự liên kết các tuyến điểm, hợp tác giữa các vùng miền để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc. Ngoài việc thu hút khách, tạo dựng những tuyến điểm mới, sự liên kết này đã thu hút được giá trị đầu tư hàng năm vào du lịch của 3 tỉnh lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Trong 6 năm qua, sự liên kết du lịch này đã góp phần làm tăng tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về khách du lịch (đạt trên 16,7%), mở rộng thị trường khách quốc tế (chủ yếu là vùng Tây Nam-Trung Quốc), đồng thời cũng đã tôn vinh thêm những giá trị văn hóa đặc thù, tăng thêm tính hấp dẫn cho các điểm đến của 3 tỉnh…

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái, trưởng nhóm hợp tác ba tỉnh Yên Bái- Lào Cai- Phú Thọ cho biết, chương trình du lịch về cội nguồn có sức lan tỏa không chỉ ở 3 tỉnh mà còn lan ra các địa phương khác, trong và ngoài nước, góp phần vào quảng bá, thu hút đầu tư cho 3 tỉnh năm sau đều cao hơn năm trước.

Nhờ sự liên kết, đã có 20 triệu lượt khách đến với vùng miền, trong đó có 6 triệu lượt khách lưu trú và hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế. Đây là những con số ấn tượng đối với ngành du lịch của 3 tỉnh trung du miền núi phía Bắc này. Tuy nhiên những con số này vẫn có thể tăng hơn nếu như không còn những bất cập của việc liên kết

Vẫn còn nhiều hạn chế

Một trong những bất cập là tần suất đăng cai luân phiên tổ chức quá dày, hay nói cách khác là với mỗi năm lại thay đổi một tỉnh tổ chức du lịch điểm khiến người dân, các công ty du lịch cũng như du khách không đủ thời gian để khám phá hết cái hay, cái đẹp, chưa khai thác hết được tiềm năng du lịch tại mỗi vùng miền. Mặt khác, quãng thời gian tổ chức hàng năm ngắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các dự án đầu tư du lịch tại các địa phương.

Để khắc phục hạn chế này, theo bà Bùi Thị Kim Dung, Chó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, các tỉnh vẫn liên kết với nhau, nhưng nên giãn thời gian tổ chức luân phiên lên 2 năm 1 lần, như vậy hiệu quả hơn và quy mô hợp lý sẽ có lợi cho việc xúc tiến du lịch.

Giao thông đi lại giữa 3 tỉnh cũng là một bất cập lớn cần được khắc phục. Mặc dù cùng chung dòng sông Hồng, sông Chảy, có sông Lô, sông Đà chảy qua, chung dãy Hoàng Liên Sơn… nhưng ngành du lịch mới dừng lại khai thác ở tuyến đường bộ, còn vận chuyển và khai thác khách bằng đường thủy và đường sắt vẫn chưa được quan tâm đúng mức. So với Phú Thọ và Yên Bái thì Lào Cai có ưu thế hơn về tuyến và điểm du lịch, thế nhưng việc phân bổ, san sẻ nguồn khách cho nhau thì vẫn “mạnh ai nấy làm” bởi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, đường sắt chỉ có chạy thẳng lên Lào Cai nhưng vẫn chưa khai thác được tuyến dừng ở Yên Bái. Còn tuyến đường thuỷ, đường sông thì mới dừng ở khai thác sông Thao.

 “Du lịch về cội nguồn” đã trở thành một thương hiệu của 3 tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai và có sức lan tỏa, tạo ảnh hưởng tốt cho môi trường phát triển du lịch. Thời gian tới đây cùng với việc hoàn thành Cung đường Tây Bắc, hoàn thiện dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Lào Cai, ban điều hành hợp tác du lịch ba tỉnh Phú Thọ-Lào Cai-Yên Bái sẽ hoàn thiện thêm những tuyến điểm du lịch mới như “Tham quan ruộng bậc thang dọc tuyến đường 32”; “Du lịch tâm linh dọc sông Hồng”…, du khách sẽ có được nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn khi đến với “Du lịch về cội nguồn”./.

(Tự Minh/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất