Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 18/2/2011 11:23'(GMT+7)

Ngày Thơ Việt Nam: Rộn ràng cùng "Mùa xuân đất nước"

 

Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội với hai "linh vật"

Trời cũng như chiều lòng người. Suốt cả đêm mưa dầm dề, đến sáng Rằm tháng Giêng, trời Hà Nội bỗng tạnh và hửng nắng, làm không gian tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám như ấm áp hơn trong ngày hội của thơ ca.

Đây là dịp để những người yêu thơ tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam và cũng là nơi để các nhà thơ gắn bó hơn với công chúng, từ đó nâng cao chất lượng sáng tác và phê bình thơ, đưa thơ ca gắn bó với thế hệ trẻ nhiều hơn.

Ngày thơ sôi động với các sân thơ thiếu nhi ở Hồ Văn, sân thơ chính, sân thơ hiện đại 2011 và gần 30 câu lạc bộ thơ quần chúng, ở đâu cũng chật kín những người chung một niềm yêu với thơ...

Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội được khai mạc tưng bừng tại sân thơ chính, bên trái có hình ảnh Suối Lê-nin, bên phải là hình ảnh Bến Nhà Rồng- nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Mở đầu với lễ rước hai "linh vật" này ĐấtNước. Hai "linh vật" này được rước từ trong vườn Bác ở Kim Liên (Nghệ An) và từ suối nguồn Pắk Bó (Cao Bằng). Tiếp đó là một chương trình biểu ngâm thơ, biểu diễn những bài hát phổ từ thơ của các nhà thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trình diễn câu đối.v.v...

Bên Thiên Quang tỉnh, đông đảo công chúng ngắm chân dung 30 nhà thơ, nhà văn được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và Triển lãm thư pháp Nhật ký trong tù do các nhà thơ pháp Trung Quốc và Hàn Quốc thể hiện. Đây chính là hai điểm nhấn gây ấn tượng với công chúng, như ý kiến nhận xét của ông Quang Chiến- một người yêu thơ HN.

Nhân dịp này, lần đầu tiên Hội Nhà văn VN cho ra mắt công chúng một tập thơ hơn 300 trang do các nhà thơ VN và Thế giới viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh có tên là Người đi tìm hình của nước.

Sân thơ trẻ hấp dẫn và mới lạ

Sân thơ Trẻ năm nay có tên Blog Xuân 2011 giới thiệu những gương mặt, sáng tác mới, tôn vinh các tác giả trẻ bước đầu có thành tựu. Gần 20 tác giả trẻ đăng đàn, đọc và trình diễn thơ trên sân khấu, trong đó có nhiều tên tuổi được người yêu thơ biết tiếng như: Nguyễn Hữu Chiến Thắng, Mai Văn Phấn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư, Phùng Hải Yến, Phùng Thị Hương Ly, Hữu Việt... Có người tự đọc thơ trên nền nhạc, có người biểu diễn cùng nhóm kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ.v.v... Chương trình chia làm 4 phần: Giới hạn, Đại lộ tư duy, Đoản khúc mùa và Đêm lên men...

Năm nay, cách lựa chọn những gương cho Sân thơ Trẻ có điểm đổi mới. BTC Sân thơ Trẻ gồm 9 thành viên, sẽ tập hợp những tác giả và tác phẩm được giới thiệu từ các cá nhân và tổ chức (NXB, CLB Thơ, các nhóm văn bút các trường đại học… ), sau đó các thành viên của BTC sẽ tiến hành lựa chọn một cách độc lập. Người được chọn phải có số phiếu từ quá bán trở lên. Sân thơ Trẻ cũng sẽ tạo mọi điều kiện để các tác giả ở vùng sâu vùng xa đến với sân thơ. Chính vì thế, sân thơ trẻ năm nay có sự góp mặt của nhiều người làm thơ trẻ ở các tỉnh xa như: Lò Cao Nhum - dân tộc Thái ở Mai Châu, Hòa Bình; Phùng Hải Yến ở Lai Châu, Hoàng Anh Tuấn ở Lào Cai; Lương Đình Khoa ở Hưng Yên, Nguyễn Thúy Quỳnh ở Thái Nguyên; Trịnh Sơn ở Vũng Tàu; Nhã Thuyên ở Hải Dương.... Nhà thơ trẻ Nhã Thuyên cho biết cảm tưởng: Đây là lần thứ hai tôi tham gia sân chơi trẻ. Lần nào cũng có cảm xúc riêng và bao giờ cũng có niềm vui vì được gặp bạn bè và được gặp những người đọc thơ trong không gian ngày Xuân vui và ấm áp.

Sự năng động, hiện đại của những gương mặt ở Sân thơ trẻ đã thu hút không chỉ giới trẻ mà cả những người cao tuổi. Tham gia phần thi quán năm nay, nhà thơ- dịch giả trẻ Nguyễn Phan Quế Mai rất vui vì cảm thấy tình cảm của công chúng với thơ không hề mai một và của bạn yêu thơ đến với sân thơ đông hơn. Tình cảm của người yêu thơ cũng khiến cho nhà thơ cảm thấy có trách nhiệm lớn hơn với cuộc sống: Lúc sáng nay một trong những độc giả của sân thơ đến vào lúc 8 giờ sáng. Cô ấy bắt tay mình và nói hôm nay tôi muốn đến đây gặp bạn để cảm ơn những vần thơ của bạn làm cho tôi cảm thấy thêm yêu cuộc sống, cho tôi thấy cuộc sống đẹp hơn nhiều. Tập thơ thứ ba tôi sẽ nói về những số phận của những người phụ nữ đang làm việc ở bãi rác, những em bé bị thất học, những ông bố, bà mẹ sau gần 40 năm trời vẫn phải đi tìm mộ con mình. Tôi muốn cất lên tiếng nói của nhiều số phận, nhiều nhân vật, qua đó làm giàu thêm ý nghĩa của thơ ca đối với cuộc sống- Nguyễn Phan Quê Mai bộc bạch.

Sân Thơ thiếu nhi sánh ngang cùng các bậc đàn anh

Sau 3 năm tổ chức, đây là lần đầu tiên Sân thơ thiếu nhi được tổ chức song song cùng các sân thơ khác. Được tổ chức bên bờ hồ Văn, sân thơ thiếu nhi năm nay sẽ có 10 cây sách với những tập thơ và sách dành cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng phục vụ độc giả nhỏ tuổi đến với Ngày thơ Việt Nam. Khách mời của Sân thơ là những nhà thơ đã gắn bó và có nhiều thành tựu dành cho thiếu nhi: Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thị Hường Lý, Dương Thuấn, Lê Hồng Thiện, Nguyễn Châu, Nguyễn Thị Mai, đặc biệt là sân thơ giới thiệu hai gương mặt nhỏ tuổi là Ngô Gia Thiên An và Đặng Chân Nhân. 12 tuổi, tham gia sân thơ năm nay, Ngô Gia Thiên An cho biết em rất vui. Với Thiên An, viết thơ không phải là sự yêu thích, mà giống như sự đam mê, nó là cảm xúc có tâm hồn và chính mình, khi đến thì mình phải nắm bắt để cảm xúc không để tự chạy trốn.

Cùng với sự xuất hiện của học sinh ba trường: Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh, Trường thực nghiệm Liễu Giai, trường Trung học cơ sở Tây Sơn. Bên cạnh nghi lễ thả 15 câu thơ hay dành cho thiếu nhi, sân thơ thiếu nhi sẽ chứng kiến những hoạt cảnh thơ vui tươi, hào hứng do học sinh trường Thực nghiệm Liễu Giai dàn dựng và giao lưu với các nhà thơ.

NXB Kim Đồng cũng sẽ góp vào sân thơ những cuốn sách thơ hay dành cho thiếu nhi. Đó là một truyền thống đã được bồi đắp hầu hết các nhà thơ Việt. Những tập thơ thiếu nhi hay nhất đều đã chọn Kim Đồng làm cầu nối đến với các em: Chú bò tìm bạn (Phạm Hổ); Gà mái hoa, Anh đom đóm (Võ Quảng); Tiếng hát chim non (Thy Ngọc); Mười nàng tiên (Vũ Ngọc Bình); Hai bàn tay em (Huy Cận); Ông và cháu (Tú Mỡ); Bầu trời trong quả trứng (Xuân Quỳnh); Bài ca Trái đất (Định Hải); Dòng suối thức (Quang Huy); Trăng của bé (Vũ Quần Phương); May áo cho mèo (Phùng Ngọc Hùng); Dắt mùa thu vào phố (Nguyễn Hoàng Sơn)...



Và sân chơi rộng lớn của các Câu lạc bộ thơ

Tại khuôn viên cũng dành chỗ cho hơn 30 Câu lạc bộ thơ. Đây là nơi các thành viên của các Câu lạc bộ gặp gỡ , giới thiệu thơ và đọc thơ cho nhau nghe. Đặc biệt, năm nay, CLB thơ Việt Nam online cũng góp mặt. Nguyễn Hữu Ánh- CLB thơ trẻ Việt Nam online cho biết: CLB này trực thuộc câu lạc bộ thơ VN, nhằm thu hút những người yêu thơ. Chúng em đã có hơn 1.200 hội viên, Website chính thức là vanhoconline.com. CLB dựa trên những ưu điểm của internet là mọi người ở cách xa nhau nhưng vẫn có thể sinh hoạt, trao đổi tác phẩm với nhau. Trước đây em không biết thơ, sau khi sinh hoạt ở CLB thì yêu thơ hơn và giao lưu với các bạn trẻ.Chúng em kêu gọi những người thích làm thơ, yêu thơ tham gia sinh hoạt CLB và không thể đóng góp bất kỳ cái gì.

Ông Công Tiến Thịnh, thành viên CLB thơ Tràng An, cho rằng: Năm nay thời tiết không thuận lợi lắm, nhưng với không khí Xuân, sự đam mê và yêu văn chương, mọi người vẫn háo hức với ngày thơ và đến rất đông. Theo ông Công Tiến Thịnh, thơ trước hết nó là tâm hồn, tình cảm của chính mình. Người làm thơ nói lên sâu thẳm trong tâm hồn, tình cảm chính mình. Với ông Thịnh, làm thơ là sự chia sẻ, rèn luyện, được trưởng thành, tốt lên, tầm nhìn được mở rộng hơn nhiều.



Và tưng bừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 trong cả nước

Cùng ngày 17/2, Ngày thơ VN năm 2011 với chủ đề “Từ thành phố này Người đã ra đi” cũng được khai mạc tại Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM, Quận 4 - TP.HCM).

Riêng tại quê Bác, các hoạt động của ngày thơ Việt Nam đã diễn ra từ chiều 13/2 (ngày 11 Tháng Giêng âm lịch) với lễ dâng hương tưởng niệm đại thi hào dân tộc Nguyễn Du ở Tiên Điền. Tối 13/2, công chiếu bộ phim "Vượt qua bến Thượng Hải" tại thành phố Vinh. Sáng 14/2, diễn ra lễ dâng hương ở Nhà lưu niệm Kim Liên, xin đất vườn nhà Bác, khai mạc Ngày thơ ở câu lạc bộ Công nhân. Các nghệ sỹ của Đoàn ca múa kịch Nghệ An đã biểu diễn nhiều tiết mục ca múa nhạc phổ thơ của các tác giả sáng tác về Nghệ An. Lễ thả 70 câu thơ do các nữ sinh của các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Vinh thực hiện đã tạo nên màu sắc lãng mạn, bay bổng cho Lễ khai mạc. Đêm 14/2 là chương trình ca múa nhạc ngâm thơ đặc sắc đã diễn ra tại quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, Nghệ An. Khán giả và những người yêu thơ Nghệ An có dịp được giao lưu với các nhà thơ Việt Nam và Nghệ An như: Thạch Quỳ, Anh Ngọc, Phan Văn Từ, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Bằng Việt…

Tại Huế, nhân Ngày thơ Việt Nam, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức chương trình viếng mộ các danh nhân, chí sĩ yêu nước, nhà văn, nhà thơ quá cố. Trong các ngày từ 14 đến 17-2, tại Huế cũng diễn ra hoạt động, đặc biệt là chương trình Đêm thơ Đồng.

Tại Phú Yên, nhằm hưởng ứng Ngày thơ VN, Festival Thơ cũng diễn ra trong hai ngày 17 và 18-2 sự tham gia của nhiều nhà thơ tên tuổi của Việt Nam.

Ngày 16/2, tại Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 với chủ đề "Hoà nhịp Xuân đất nước". Tại lễ hội thơ, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ đặc sắc, phong phú đã diễn ra như: múa cờ, múa lân, trình bày, diễn xướng những bài thơ hay về đất nước, quê hương, thả lên trời 10 câu thơ hay viết về Thái Nguyên... Ban Tổ chức Lễ hội đã tổ chức thể hiện thơ tại 4 vườn thơ, gồm: di sản; đương đại; thơ trẻ; thơ muôn nhà, thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, các nhà thơ trong và ngoài tỉnh tham dự.

Không chỉ giới thiệu những bài thơ hay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Lê Khắc Cẩn, Ngày thơ Việt Nam tại Hải Phòng tổ chức tại Đền thờ Tiến sĩ Lê Khắc Cẩn (huyện An Lão) còn giới thiệu các bài thơ về mùa xuân của các nhà thơ thành phố. Cũng trong Ngày thơ Việt Nam , đoàn chèo Hải Phòng công diễn vở chèo: "Hồ Xuân Hương".

Ngày thơ Việt Nam được Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) tổ chức tại thị trấn Núi Thành, thu hút đông đảo các nhà thơ, nhất là những nhà thơ trẻ cùng các bạn yêu thơ. Ngày hội với sự phong phú về cung bậc cũng như “sắc màu” của những bài thơ mới đã làm cho phong trào thơ trên địa bàn có xu hướng đi lên. Trong đó nhiều câu lạc bộ thơ phát triển làm phong trào yêu thơ trên địa bàn nói chung và Ngày Thơ Việt Nam càng mang nhiều sắc thái và ý nghĩa.

Tại thành phố Bạc Liêu, 3 tỉnh gồm Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng phối hợp tổ chức Ngày thơ Việt Nam. V chủ đề “Mùa xuân, đất nước, con người”, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với các hoạt động như: Liên hoan ảnh đề thơ, biểu diễn thư pháp, thả cờ thơ, trưng bày giới thiệu những ấn phẩm văn thơ và các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Riêng chủ đề Liên hoan ảnh đề thơ thu hút hơn 45 tác phẩm của các tác giả là những nhà chụp ảnh chuyên nghiệp, nghiệp dư đang công tác, sinh sống ở 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Mỗi tác giả được tham dự một tác phẩm, phản ảnh nội dung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội mang nét đặc thù ở mỗi địa phương. Cùng với thời gian này, hàng chục tác phẩm là Cờ thơ được các “nghệ nhân, nhà thơ” nghiệp dư thiết kế, sáng tạo, với những câu thơ mộc mạc, gần gũi chứa đựng nhiều ý nghĩa cuộc sống đời thường.

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất