Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 20/2/2011 11:54'(GMT+7)

Lo cho ca trù

Sự tiếp nối thế hệ của CLB ca trù Thăng Long - một trong những CLB ca trù đến nay vẫn thu hút được sự yêu mến của công chúng.

Sự tiếp nối thế hệ của CLB ca trù Thăng Long - một trong những CLB ca trù đến nay vẫn thu hút được sự yêu mến của công chúng.

Yêu nhau như thế hóa bằng… phụ nhau!

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - người trực tiếp tiến hành khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ ca trù trình UNESCO cách đây 2 năm cho biết, cả nước chỉ còn 21 nghệ nhân ca trù, trong đó có 12 nghệ nhân còn đủ sức khỏe để tiếp tục truyền dạy. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đưa ra cảnh báo, ca trù đang đứng trước 3 nguy cơ lớn: Thứ nhất là số lượng nghệ nhân không còn nhiều, vốn di sản về ca trù cũng theo đó mà rơi rụng; Thứ hai là cộng đồng ngày càng ít cơ hội được tiếp cận với môn nghệ thuật này, và thứ ba là không gian biểu diễn của ca trù ngày càng mất dần đi. Ca trù hát thờ, hát cung đình và cả không gian của ca trù hát chơi cũng không còn nữa. Hiện chỉ còn không gian hát ca quán (vừa nghe hát vừa uống nước), vì thế nghệ thuật ca trù rất dễ biến mất.

Sau thời gian ca trù “hồi sinh”, tháng 4-2009, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thống kê, có 22 CLB ca trù đang hoạt động. Thời gian đó, công chúng biết đến những CLB ca trù Thái Hà với địa điểm diễn ở Thụy Khuê, Văn Miếu; CLB ca trù Hà Nội diễn ở Bích Câu; CLB Thăng Long ở đình Giảng Võ; CLB ca trù UNESCO ở Bảo tàng Dân tộc học… Có cả một lớp ca trù do ca nương Phạm Thị Huệ khởi xướng trong sự truyền dạy của kép đàn Nguyễn Phú Đẹ và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc được Quỹ Ford tài trợ. Rồi một Trung tâm văn hóa ca trù ra đời của người trẻ tuổi là Nguyễn Lan Hương với tâm nguyện đưa ca trù trở thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, tạo công ăn việc làm cho các ca nương trẻ của nôi ca trù Lỗ Khê (Hà Nội), Hải Dương, Hải Phòng… khi Hương tự bỏ tiền ra thành lập Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long tại một góc khuôn viên của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Những ngày đầu, sân khấu ca trù của Trung tâm có tới 3-5 suất diễn với lịch diễn tất cả các ngày trong tuần…

Nhưng 2 năm sau khi ca trù được ghi danh, thì cũng là thời gian ca trù rơi vào im ắng. Chưa có bất kỳ một chính sách nào từ ngành văn hóa cho ca trù vào cuộc sống. Hầu hết các CLB ca trù lịch diễn cầm chừng. Lớp học ca trù của Quỹ Ford kết thúc dự án. Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long gần như giải thể với lý do vắng khách… Đến mức, Giám đốc của Trung tâm Nguyễn Lan Hương phải thốt lên rằng: “Lúc mới đầu có ý định mở Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long, bố mẹ, chồng rồi cả bạn bè bảo tôi dở hơi. Nhưng chẳng hiểu thế nào, ngày đó niềm đam mê với ca trù của tôi lại lớn đến thế. Thậm chí, ngày khai trương trung tâm vẫn có người bảo dừng đi vẫn còn kịp. Vậy mà tôi vẫn cứ làm vì bên cạnh nhận được nhiều lời động viên, khích lệ của các nhà nghiên cứu, những ca nương kép đàn…”. Đang hào hứng là thế, giọng Lan Hương chùng xuống: “Giờ thì... tôi đã thấm thía. Tiền bạc, công sức của tôi bỏ ra để đầu tư gây dựng trung tâm đổ ra sông, ra bể hết. Chưa thể đặt được lịch diễn vào tua của khách tham quan của Bảo tàng, Trung tâm không còn khả năng hoạt động. Người hát ca trù thì không thông cảm cho những khó khăn của tôi, vì trung bình mỗi tháng để vận hành được Trung tâm phải tốn hàng trăm triệu đồng với hàng chục đầu việc: Điện, nước, thuê nghệ nhân truyền dạy, trả công tập luyện… Trước khi ca trù được công nhận, Trung tâm vẫn có các buổi diễn đều đều. Nhưng khi được thế giới công nhận rồi, Trung tâm khó hoạt động hơn, bởi sự đòi hỏi của các nghệ sĩ đòi trả tiền lương cao hơn, nếu không họ đi diễn nơi khác… vì ca trù đã thành nghệ thuật của thế giới, và họ cũng đã trở thành… “sao”!".

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi của CLB ca trù Thái Hà cũng không khỏi băn khoăn. Ông cho biết, khi ca trù được công nhận là Di sản của thế giới thì cũng là lúc tần xuất diễn của CLB ca trù gia đình ông giảm đi và hầu hết các CLB ca trù khác cũng rơi vào tình trạng như vậy.

Có một thực tế dễ nhận biết, đó là khi các đào nương “chia tay” với các CLB, họ chạy “sô” theo các tua du lịch, lễ hội để diễn. Một lực lượng hát ca trù nữa đang chạy theo các tua du lịch là sinh viên của các nhạc viện, nghệ sĩ, diễn viên chèo… Thế nên, mang câu hỏi băn khoăn về sự im ắng của ca trù 2 năm qua tới TS Nguyễn Xuân Diện, anh bảo: “Nhắc đến ca trù càng thêm buồn. Cứ đà này rồi ca trù sẽ mất thôi. Một số người những tưởng học hát theo được vài ba bài ca trù là đã trở thành ca nương, gẩy vài ba ngón đàn đã trở thành đào kép. Yêu nhau như thế hóa bằng… phụ nhau!”.

Chính sách hỗ trợ… đường còn dài!

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bức xúc: “Tôi không hiểu sao đến giờ này, 2 năm rồi mà không có động thái nào cho việc bảo tồn và phát huy ca trù - khi nó đã được liệt vào danh sách “Cần được bảo vệ khẩn cấp”. Hồ sơ ca trù trình UNESCO cũng đã đưa ra phương hướng bảo tồn và phát huy. Trong khi đó, nghệ nhân ca trù giờ đếm trên đầu ngón tay. Ngành văn hóa bảo ai muốn hỗ trợ thì viết dự án. Thế hóa ra thách đố các cụ nghệ nhân. Thực tế là các nghệ nhân đã 80, 90 tuổi, mấy người biết chữ, mấy người am tường “đường đi lối lại” của việc lập đề án là gì, phải qua bao cửa, phải mang nghề trong tim mình ra mà thề thốt rằng: "Tôi hứa, cứ cho tôi tiền, tôi sẽ làm tốt" chăng? Có cụ còn bảo: "Ca trù là cuộc đời tôi, thà tôi đem theo nó xuống đất, chứ không chèo kéo, không cò kè như ngoài chợ".

Được biết, kế hoạch hành động để bảo vệ trong hồ sơ ca trù trình UNESCO được trình bày khá tổng thể và có tính khả thi. Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO đã yêu cầu Việt Nam có các nguồn lực để hoạt động và phát huy ca trù trong giới trẻ, khuyến khích các ca nương, kép đàn và các tổ chức hiện hành tìm kiếm các học trò tài năng nhằm đảm bảo sự tiếp tục tồn tại của nghệ thuật ca trù; khuyến nghị đưa thêm các nghệ sĩ và học trò trẻ vào mục các biện pháp bảo vệ cùng với những nghệ sĩ và người truyền dạy lớn tuổi để khuyến khích về tài chính cho các ca nương, kép đàn ca trù…

Ngay khi ca trù được công nhận, lãnh đạo ngành di sản từng phát biểu với báo giới về các giải pháp và bước đi nhằm bảo vệ di sản ca trù như: Kiểm kê và hệ thống hóa các tư liệu ca trù ở 14 tỉnh, thành phố có ca trù; nghiên cứu và xuất bản sách về nghệ thuật hát ca trù; phục hồi và truyền dạy; tổ chức các liên hoan, đưa nghệ thuật ca trù vào các trường phổ thông và đại học… Rồi từng có đề xuất thành lập Hiệp hội Ca trù, Học viện Ca trù…

Đành rằng, ca trù không phải là nghệ thuật có thể thương mại hóa hay sinh hoạt phổ dụng như nhiều môn nghệ thuật khác, nhưng không phải là không thể làm, không có người làm. Điều quan trọng là ngành chủ quản có thấy đó là điều khẩn cấp và có quyết tâm hay không?

Ca trù nói riêng, các di sản văn hóa phi vật thể nói chung có buồn không, khi ngành văn hóa đang rất coi trọng tới việc đầu tư cấp tập vào những khu di sản vật thể để tập trung khai thác du lịch, thu hút khách du lịch, thu "tiền tươi thóc thật"… mà coi nhẹ cái hồn người sâu lắng trong các di sản phi vật thể. Nên nhớ rằng, khi các di sản được UNESCO vinh danh kèm theo khuyến cáo "cần được bảo vệ khẩn cấp" thì niềm vui và nỗi buồn ngang nhau. Vui thì đã rõ, và buồn vì nó là của ta, mà lại để người ta nhắc nhở cần bảo vệ khẩn cấp, nếu không khẩn cấp, nó sẽ tuột khỏi tay ta./.

(Theo: Vương Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất