Thứ Hai, 25/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 19/10/2023 8:28'(GMT+7)

Dữ liệu lớn trong hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam

Dữ liệu lớn (Big Data) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả khối lượng lớn và phức tạp của dữ liệu được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau. Dữ liệu lớn được đánh giá bằng các thuật toán máy tính để tìm ra các mô hình và thông tin hữu ích từ đó. Ngoài ra, dữ liệu lớn cũng bao gồm các công nghệ, khoa học dữ liệu và các công cụ phân tích giúp các tổ chức trích xuất kiến thức từ ý nghĩa của dữ liệu và tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của họ. Các nguồn dữ liệu lớn gồm có website, thiết bị di động, cảm biến IoT, máy móc và các hệ thống của tổ chức.

Dữ liệu lớn là nhân tố quan trọng thúc đẩy kết nối thế giới số với thế giới thực, tạo nền tảng cho Internet kết nối vạn vật (IoT). Chính vì thế, phân tích dữ liệu lớn hữu ích cho hoạt động phân tích, tính toán và dự báo cho các hoạt động kinh tế – xã hội, trong đó có cả lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang nhận được nhiều sự quan tâm của cả thế giới, việc xem xét ứng dụng dữ liệu lớn trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

ỨNG DỤNG DỮ LIỆU LỚN TRONG BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA

Sử dụng dữ liệu lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết vì đây là cơ sở đưa ra quyết định thông minh và cập nhật về cách tiếp cận và tôn vinh di sản văn hóa một cách bền vững và hiệu quả. Dữ liệu lớn có thể giúp chúng ta định hướng cho các quyết định quản lý di sản văn hóa như xác định các phong trào mới nhất trong nghiên cứu và phát triển văn hóa để có thể kết nối và giới thiệu với khách du lịch; tìm kiếm, tổng hợp và phân tích các thông tin về lịch sử, văn hóa, truyền thuyết và tài liệu khác để xác định giá trị di sản văn hóa; phân tích các thông tin từ khách du lịch và các nhân viên trong ngành du lịch để đưa ra quyết định về các giải pháp phát triển và trải nghiệm du lịch; sử dụng dữ liệu lớn để xây dựng các hệ thống thông tin và giám sát để theo dõi, bảo vệ và phục hồi những di sản văn hóa đang có nguy cơ bị mất đi hoặc bị đe dọa; phân tích các đánh giá, đánh giá khả năng và tiềm năng của các di sản văn hóa để đưa ra quyết định về việc tài trợ, thực hiện bảo tồn, tôn tạo.

Ứng dụng dữ liệu lớn trong lĩnh vực di sản văn hóa có 4 đặc điểm: (1) Dữ liệu lớn có khả tập hợp thông tin về di sản văn hóa từ các nguồn dữ liệu khác nhau (ví dụ từ các mạng xã hội, các thư viện số, các bộ sưu tập đa phương tiện, dịch vụ WebData, v.v ...). (2) Dữ liệu lớn cho phép người sử dụng hiểu rõ hơn về bối cảnh của di sản và do đó khả năng cung cấp dữ liệu phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân. (3) Dữ liệu lớn cho phép sử dụng các kỹ thuật và công nghệ quản lý dữ liệu tiên tiến cần thiết để xử lý thông tin với tốc độ nhanh và dung lượng lớn. (4) Dữ liệu lớn cho phép khai thác giá trị di sản qua các dịch vụ thông minh như thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và các vấn đề khác.

Dữ liệu lớn sẽ giúp cho việc kết nối giữa thế giới ảo và thế giới thực tốt hơn, tạo điều kiện cho những người quan tâm đến lĩnh vực này có cơ hội để hiểu biết sâu sắc hơn từ đó yêu mến hơn các di sản của đất nước và nhân loại; từ đó kích thích các lĩnh vực khác có liên quan như du lịch, giáo dục,… cũng như trở thành cơ sở để tạo ra một cuộc cách mạng khác trong các chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Quay trở lại với việc ứng dựng dữ liệu lớn ở Việt Nam, Viện Pháp ngữ đã thực hiện một chương trình về số hóa di sản văn hóa. Số hóa Nhà hát Lớn Hà Nội là một sản phẩm của dự án này thể hiện sự kết hợp giữa công nghệ và văn hóa. Tính độc đáo của dự án chính là ở nội dung giới thiệu của chuyến tham quan ảo. Đây là một sản phẩm thông minh mở ra hướng đi mới cho việc nghiên cứu và ứng dựng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới.

Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới.

Tuy vậy, hiện tại, sử dụng dữ liệu lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn còn khá mới mẻ và chưa được phổ biến rộng rãi. Một số tổ chức bảo tồn và quản lý di sản văn hóa đã bắt đầu áp dụng công nghệ dữ liệu lớn để tăng cường quản lý và bảo vệ di sản của mình, nhưng vẫn còn nhiều công việc cần được thực hiện để tận dụng tối đa lợi ích của dữ liệu lớn. Bởi việc ứng dụng dữ liệu lớn cũng luôn đi kèm với những thách thức mới. Quá trình số hóa dữ liệu cần phải qua hai bước, đó là nhận diện di sản và sau đó mới tư liệu hóa. Nhà khoa học cần phải “hiện diện” ở cả hai bước này nhằm đánh giá di sản và đảm bảo từng thao tác kỹ thuật trong các khâu tư liệu hóa đúng với yêu cầu bảo tồn. Nhìn chung, bức tranh trên cho thấy, để đưa ứng dụng công nghệ 3D vào số hóa dữ liệu di sản không phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng về công nghệ mà chủ yếu nằm ở khâu phối kết hợp giữa các đơn vị quản lý di sản, di tích và bảo tàng với các đơn vị làm về giải pháp công nghệ.

Một số thách thức khác đang đối diện là sự thiếu hụt nguồn vốn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn và đào tạo nhân lực chuyên môn, cũng như việc tìm kiếm và sử dụng các nguồn dữ liệu thích hợp. Điều này đặc biệt khó khăn đối với các tổ chức bảo tồn di sản văn hóa ở các địa phương có nguồn lực hạn chế. Ngoài ra, việc bảo vệ và phát triển di sản văn hóa đôi khi còn gặp phải những tranh cãi về việc giữ gìn bản sắc văn hóa và đưa vào khai thác kinh tế. Do đó, sử dụng dữ liệu lớn phải được thực hiện một cách khôn khéo và cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất và bền vững cho di sản văn hóa.

Để sử dụng dữ liệu lớn hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cần chú ý một số nội dung sau: (1) Xây dựng hệ thống quản lý và lưu trữ dữ liệu lớn: đảm bảo tất cả dữ liệu liên quan đến di sản văn hóa được thu thập, lưu trữ và sắp xếp một cách có tổ chức và dễ dàng truy cập. (2) Sử dụng công nghệ quản lý dữ liệu lớn: áp dụng các công nghệ như Big Data Analytics, Machine Learning, AI để phân tích và trích xuất thông tin từ dữ liệu lớn, giúp đưa ra những quyết định chính xác và hiệu quả trong quản lý và bảo vệ di sản văn hóa. (3) Đào tạo nhân lực chuyên môn: đào tạo những chuyên gia có kiến thức sâu về sử dụng dữ liệu lớn, giúp tạo ra những công cụ và giải pháp phù hợp cho việc quản lý di sản văn hóa. (4) Kết nối và chia sẻ dữ liệu: xây dựng cộng đồng kết nối các tổ chức và cá nhân liên quan đến di sản văn hóa để chia sẻ dữ liệu và kiến thức, giúp tăng cường hiểu biết và quản lý di sản văn hóa một cách toàn diện. (5) Tạo ra các ứng dụng thực tiễn: phát triển các ứng dụng và sản phẩm sử dụng dữ liệu lớn để tăng cường giá trị và khai thác kinh tế từ di sản văn hóa, đồng thời giúp tăng cường nhận thức của cộng đồng đối với giá trị của di sản văn hóa.

ỨNG DỤNG DỮ LIỆU LỚN TRONG ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ CÁC TỔ CHỨC VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Việc sử dụng dữ liệu lớn trong việc điều hành và quản lý các tổ chức văn hóa nghệ thuật có tầm quan trọng rất lớn. Dữ liệu lớn đề cập đến khối lượng lớn và đa dạng của thông tin được tạo ra và thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Khi được thu thập, xử lý và phân tích một cách hợp lý, dữ liệu lớn có thể mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật, như dữ liệu lớn cho phép tổ chức văn hóa nghệ thuật thu thập thông tin về khách hàng của mình, bao gồm sở thích, xu hướng, hành vi tiêu dùng và phản hồi. Điều này giúp tổ chức nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và tạo ra các chương trình, sự kiện và sản phẩm phù hợp; dữ liệu lớn cho phép tổ chức văn hóa nghệ thuật phân tích xu hướng và tiên đoán các xu hướng tương lai. Thông qua việc phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau, tổ chức có thể nhận biết những thay đổi trong sở thích và nhu cầu của khách hàng, từ đó điều chỉnh chiến lược và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường; Dữ liệu lớn giúp tổ chức văn hóa nghệ thuật cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Bằng cách theo dõi và phân tích dữ liệu về hành vi và tương tác của khách hàng, tổ chức có thể tùy chỉnh trải nghiệm cá nhân, cung cấp thông tin, dịch vụ và sản phẩm phù hợp với từng khách hàng cụ thể. Bên cạnh đó, dữ liệu lớn giúp tổ chức văn hóa nghệ thuật quản lý nguồn lực của mình một cách hiệu quả. Thông qua việc phân tích dữ liệu về hiệu suất hoạt động, sử dụng nguồn lực và quản lý chi phí, tổ chức có thể tối ưu hóa quy trình và nguồn lực để đạt được hiệu suất và lợi nhuận tối đa; Ngoài ra, dữ liệu lớn cung cấp thông tin phong phú và hữu ích cho việc phát triển nội dung và sáng tác trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Tổ chức có thể sử dụng dữ liệu lớn để tìm hiểu xu hướng, sở thích của khán giả và từ đó tạo ra những tác phẩm, sáng tác mới phù hợp và hấp dẫn.

Bằng cách triển khai một nền tảng dữ liệu lớn, các tổ chức văn hóa nghệ thuật có thể tiếp cận được một lượng lớn thông tin có liên quan quan trọng đối với các hoạt động hàng ngày của mình. Điều này rất quan trọng vì nó không chỉ cho phép các tổ chức văn hóa nghệ thuật xác định các khu vực cần chú ý mà còn cung cấp cho họ thông tin đó trong thời gian thực. Trong một bối cảnh thị trường nghệ thuật thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh quyết liệt, việc phân tích thông tin quản lý theo thời gian thực là vô cùng quan trọng vì nó cho phép các tổ chức văn hóa nghệ thuật đưa ra các quyết định nhanh hơn và cho phép họ theo dõi những quyết định đó cùng như nhanh chóng thay đổi những thay đổi quyết định quản lý nếu cần.

Về cơ bản, dữ liệu lớn không chỉ là về độ lớn của dữ liệu mà bằng việc đặt các dữ liệu cạnh nhau, kết thành một khối, các dữ liệu này sẽ tạo ra giá trị lớn hơn đối với các nhà quản lý văn hóa. Việc áp dụng dữ liệu lớn có thể giúp cho nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật có thêm nhiều thông tin mới, hỗ trợ các tổ chức đưa ra quyết định nhanh và phù hợp hơn, cắt giảm chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh trong quá trình hoạt động.

Khi dữ liệu lớn giúp ích cho việc kết nối nhu cầu, nguyện vọng của khán giả với các tổ chức văn hóa nghệ thuật, việc quản lý văn hóa nghệ thuật sẽ trở nên rõ ràng, đơn giản và vì khán giả nhiều hơn. Một nhà hát sẽ biết khán giả của mình là ai, nhu cầu của khán giả đối với một vở diễn mới của mình ra sao, trong khi đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng có thể hiểu một chính sách về nghệ thuật ra đời nhận được sự phản hồi thế nào từ phía xã hội. Số hóa tất cả các hoạt động này để tạo ra một cơ sở dữ liệu lớn sẽ khiến cho hoạt động quản lý nghệ thuật trở nên hiệu quả hơn trong bối cảnh mới.

Như vậy, để sử dụng dữ liệu lớn trong việc điều hành và quản lý các tổ chức văn hóa nghệ thuật có thể mang lại nhiều lợi ích, cần chú ý đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phân tích dữ liệu khách hàng

Sử dụng dữ liệu lớn để hiểu rõ hơn về khách hàng, sở thích, xu hướng và thông qua đó, tăng cường trải nghiệm của khách hàng. Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu từ các nguồn như mạng xã hội, website, bán vé, khảo sát, tổ chức văn hóa nghệ thuật có thể nắm bắt được thông tin quan trọng về khách hàng và tạo ra các chiến lược tiếp thị, quảng bá phù hợp

Thứ hai, dự đoán và phân tích xu hướng

Sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu lớn để dự đoán xu hướng trong ngành văn hóa nghệ thuật, ví dụ như dự đoán sự thành công của một bộ phim, một cuộc triển lãm nghệ thuật hoặc một sự kiện âm nhạc. Thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu lớn, các tổ chức có thể đưa ra quyết định chiến lược, định hình chương trình nghệ thuật dựa trên những dự báo khoa học

Thứ ba, quản lý nguồn lực và lịch trình

Dữ liệu lớn có thể được sử dụng để quản lý nguồn lực và lịch trình của các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Việc thu thập và phân tích dữ liệu từ các nguồn như vé bán được, đội ngũ nhân viên, nguồn tài trợ và đối tác có thể giúp tổ chức xác định cách sử dụng nguồn lực hiệu quả và tối ưu hóa lịch trình hoạt động

Thứ tư, phân tích ngữ cảnh và phản hồi

Sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và phân tích dữ liệu lớn để hiểu ngữ cảnh và phản hồi từ khách hàng. Các tổ chức có thể sử dụng công nghệ chatbot hoặc hệ thống tự động để tương tác với khách hàng, cung cấp thông tin và giải đáp câu hỏi, từ đó nâng cao trải nghiệm người dùng

Thứ năm, tối ưu hóa quy trình hoạt động

Dữ liệu lớn có thể giúp tổ chức văn hóa nghệ thuật tối ưu hóa quy trình hoạt động. Bằng cách phân tích dữ liệu về hiệu suất và hoạt động của các phòng vé, rạp chiếu phim, sân khấu hoặc các khu vực khác, tổ chức có thể tìm kiếm các cách cải thiện quy trình, tăng cường hiệu suất và giảm thiểu lãng phí.

Tóm lại, việc sử dụng dữ liệu lớn trong việc điều hành và quản lý các tổ chức văn hóa nghệ thuật mang lại nhiều cơ hội và giải pháp để tối ưu hóa hoạt động, cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và dự đoán xu hướng trong ngành. Tuy nhiên, việc xử lý và bảo mật dữ liệu cần được chú trọng để đảm bảo tính riêng tư và an toàn thông tin.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất