Thứ Tư, 4/12/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Năm, 4/7/2013 10:21'(GMT+7)

Dự luật không phản ánh đúng tình hình Việt Nam

Tại cuộc điều trần trước Hạ viện Hoa Kỳ mới đây, ông Chris Smith, dân biểu thuộc đảng Cộng hòa - một trong hai nhân vật khởi xướng ra cái gọi là Dự luật nhân quyền Việt Nam đã cáo buộc Việt Nam là “nước vi phạm quyền tự do tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới”. Ngay lập tức, dư luận đã có những phản ứng gay gắt với phát biểu này của dân biểu Chris Smith. Nhiều người cho rằng, Dự luật đã không phản ánh đúng bức tranh Việt Nam.

Như mọi người đều biết, đường lối, chính sách, pháp luật về quyền con người nói chung, về tự do tôn giáo nói riêng đều được Nhà nước Việt Nam bảo đảm. Cách đây không lâu, vào ngày 20/6/2013, ngay tại Hoa Kỳ đã diễn ra một cuộc tọa đàm về tự do tôn giáo do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Đại diện nhiều tổ chức phi chính phủ, nhiều trí thức và chính trị gia ở Mỹ hoạt động trong lĩnh vực này, đã tới tham dự. Tại cuộc tọa đàm, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo của Việt Nam đã cho biết, nhận thức và hoạt động tôn giáo tại Việt Nam đã thay đổi rất lớn trong vòng 20 năm qua. Đời sống tôn giáo trong nước chưa bao giờ sôi động như hiện nay và đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Đây là một trong những yếu tố tạo ra sự ổn định trong xã hội. Ở Việt Nam, số người theo tôn giáo đã tăng từ 22 triệu lên 25 triệu chỉ trong vòng 2 năm. Trong vòng 8 năm qua, số tôn giáo được công nhận đã tăng từ 6 lên 13. Rất nhiều tôn giáo có đại diện trong Mặt trận Tổ quốc và Quốc hội. Như vậy, chính các tôn giáo đã góp phần củng cố chính sách đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam.

Cũng tại tọa đàm này, Tiến sĩ Chris Seiple, Chủ tịch Viện Can dự Toàn cầu (IGE) - một tổ chức phi chính phủ Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, đánh giá cao những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Để khẳng định, Tiến sĩ Chris Seiple nêu dẫn chứng: “Tại khu vực Tây Bắc đã có hơn 300 nhà thờ được đăng ký và con số này tại Tây Nguyên là hơn 2.000. Ngay trong tuần này, một chủng viện Tin lành đã lần đầu tiên được đăng ký tại Việt Nam. Lần đầu tiên kể từ năm 1975, Chính phủ Việt Nam sẽ tài trợ 150.000 USD cho công tác nghiên cứu về vấn đề tôn giáo và pháp quyền. Chúng tôi đồng hành với những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang thực hiện. Nếu không có những quyết định tích cực của Việt Nam thì chúng tôi sẽ không thể hoạt động tại đó”.

Tiến sĩ Chris Seiple kể rằng: “Cách đây 18 năm, tôi đến Việt Nam để thảo luận về một dự án dinh dưỡng cho trẻ em và có cơ hội đi thăm rất nhiều làng xã quanh khu vực Hà Nội. Khi đó, lương thực cũng như các điều kiện y tế, giáo dục còn rất thiếu thốn và hầu như không có sự hiện diện của các tổ chức tôn giáo hay tổ chức phi chính phủ nước ngoài nào. Một số hội thánh chính thức được thành lập ở các đô thị lớn nhưng không có nhiều hoạt động. Nhìn lại thời điểm đó, chúng ta mới thấy Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Người ngoài cuộc khó có thể hình dung được Việt Nam thiếu thốn các nguồn lực như thế nào để có thể giải quyết biết bao vấn đề như vậy. Chính vì thế mà tôi muốn được chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo”.

Nói như thế không có nghĩa là tất cả mọi hoạt động tôn giáo ở Việt Nam đều tốt đẹp. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; đây đó vẫn còn một số cán bộ công chức chưa nắm vững pháp luật về tôn giáo. Về khách quan, vẫn còn một số người lợi dụng quyền tự do tôn giáo để tuyên truyền chống phá Nhà nước, kích động, gây chia rẽ dân tộc. Tuy nhiên, những tiến bộ về tự do tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận./.

Kim Ngọc (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất