Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 1/10/2008 15:41'(GMT+7)

Gần gũi hơn với Bác

Sân trường sáng thứ hai. Ngoài những thông báo thường lệ còn có cả diễn kịch. Đó là những tiểu phẩm không quá 10 phút diễn xuất. “Mỗi lớp sẽ xây dựng ít nhất một tình huống, lên kịch bản và chọn cách thể hiện, miễn phù hợp với chủ đề chung là được”, cô Thùy Trang - tổng phụ trách Đội - cho biết.

Thầy trò ngôi trường nơi đây đã “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề gần gũi: chúng em học và làm theo năm điều Bác Hồ dạy. Mỗi tháng một chủ đề trong năm điều Bác dạy. Mỗi tiểu phẩm hoàn toàn được chính học trò lên ý tưởng, thành kịch bản và thông qua giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách Đội trước khi lên sàn tập. Những câu chuyện học trò rất gần với mái trường, sinh hoạt bình thường tuổi học trò nên không quá mất thời gian tập luyện hay nhớ thoại.

Cuộc thi “VN quê hương tôi”

Nối tiếp giai đoạn 2 cuộc vận động “Tuổi trẻ VN học tập và làm theo lời Bác”, báo Hoa Học Trò tiếp tục tổ chức cuộc thi “VN quê hương tôi”. Bài dự thi là những câu chuyện dựa trên ký ức cuộc sống hoặc từ những chuyến đi đến những địa chỉ cụ thể nói về vẻ đẹp của đất nước và con người VN, cũng như thông qua đó thể hiện tình cảm của mình dành cho bạn đọc trong và ngoài nước. Bài từ 300-1.000 chữ, nhận bài đến hết ngày 30-8-2009.

Bài dự thi gửi về báo Hoa Học Trò (5 Hòa Mã, Hà Nội) hoặc email: toasoan@hoahoctro.vn. Cuộc thi gồm ba giải nhất, nhì, ba và bốn giải khuyến khích.

Chẳng hạn với lời dạy “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào”, nhiều tiểu phẩm về việc quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, hay câu chuyện các bạn nhỏ cùng đến giúp đỡ một cụ già neo đơn. Điều “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” đã có hàng loạt tiểu phẩm học trò lên sàn diễn. Là bức xúc với việc quay cóp bài trong thi cử, lười biếng trong học tập; là dũng cảm trước một việc làm sai trái của bạn; là câu chuyện nhặt được của rơi trả người đánh mất…

Còn rất nhiều những tình huống được góp nhặt cụ thể từ cách nhìn và cảm nhận của tuổi học trò về bao điều quanh mình: thói quen vứt rác trong sân trường, viết vẽ bậy lên bàn học... Cứ thế, năm điều Bác Hồ dạy nhẹ nhàng đi vào lòng mỗi bạn, không gượng ép.

Nhưng nếu mỗi tiểu phẩm chỉ có thế, những lời dạy của Bác sẽ không được hiểu sâu và nhớ lâu. Sau khi xem tiểu phẩm, các bạn có một tuần để suy nghĩ và nói lên cảm tưởng, điều rút ra của mình. Buổi chào cờ tuần tiếp theo, học sinh được thoải mái bày tỏ điều suy nghĩ của mình trước toàn trường.

Minh Tâm (lớp 9A3) bộc bạch: “Ai vô trường cũng thấy năm điều Bác Hồ dạy được kẻ trên tường, nhưng hiểu rõ và nhìn nhận, gắn với cuộc sống mới quan trọng. Mỗi buổi sinh hoạt, xem tiểu phẩm, suy nghĩ và tự rút ra bài học cho mình làm em nhận rất rõ một điều: những điều Bác dạy thật ra rất dễ làm, rất gần với mình trong cuộc sống”. Còn bạn Thành Lân (lớp 8A5) nghĩ rằng mình đã tự rút ra cho mình những điều nên và không nên làm.

Tiểu phẩm dưới cờ, những bỡ ngỡ ban đầu đã dần được học sinh đón nhận trong thích thú. Cô tổng phụ trách Đội chia sẻ: “Thầy cô không đặt nặng việc tuyên truyền mà để các em tự do thể hiện suy nghĩ qua các tiểu phẩm và chỉ chỉnh sửa khi có những phát biểu hay ngôn từ chưa chuẩn với môi trường học đường”.

Từ thành công của năm học trước, các thầy cô Trường THCS Tăng Bạt Hổ (Q.4, TP.HCM) quyết định triển khai tiếp mô hình này trong năm học 2008-2009. Ngoài các tiểu phẩm về năm điều Bác Hồ dạy, còn có một số tiểu phẩm gắn với chủ đề thực hiện nếp sống văn minh đô thị của TP.HCM.

Cô hiệu trưởng Trường THCS Tăng Bạt Hổ (Q.4, TP.HCM) Nguyễn Võ Minh Thư: “Qua các tiểu phẩm dưới cờ sáng thứ hai, các thầy cô rất vui khi nhận thấy ý thức đạo đức của các em được nâng lên khá rõ. Không còn chuyện học sinh xả rác, cũng không còn hiện tượng viết vẽ bậy lên bàn học. Các em đi học ăn mặc gọn gàng, giản dị, không thấy đầu tóc nhuộm xanh đỏ. Những bài học làm người hay làm theo lời Bác, với tuổi học trò, có lẽ được bắt đầu từ những hình ảnh cụ thể như thế”.

(Theo website thanhdoan TPHCM)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất