Thứ Tư, 27/11/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 20/8/2009 17:5'(GMT+7)

ĐƯA THỰC TIỄN CUỘC SỐNG VÀO LUẬT

ảnh minh hoạ.

ảnh minh hoạ.


Trong thời gian qua, Luật Giáo dục bộc lộ một số vấn đề còn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Đó là, bậc học mầm non vẫn chưa được phổ cập. Thực trạng này đã khiến tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mầm non được đến trường còn thấp. Đó là, việc độc quyền trong biên soạn và in ấn sách giáo khoa, dẫn tới tình trạng sai sót và giá thành sách bị đẩy lên cao. Đó là, chậm chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục, khiến việc thu học phí ở một số trường công lập tự chủ về tài chính tuy hợp lý nhưng lại trái luật, vì cao hơn các trường công lập được bao cấp khác v.v…Hay, việc miễn học phí của các trường sư phạm cũng gây ra sự thắc mắc của không ít đối tượng…

Mới đây, ngành giáo dục cũng đã đưa ra chủ trương chống phương thức “đọc-chép” trong giảng dạy, nhằm khuyến khích tính chủ động, sáng tạo trong tư duy của học sinh, giúp các em nâng cao kỹ năng trong nghiên cứu khoa học và cuộc sống.

Có một điều được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm, đó là việc phân bổ thời gian học hợp lý, để sao cho các em bậc tiểu học và trung học cơ sở có thời gian vui chơi, giải trí cân đối với thời gian học. Tăng cường các chương trình “học mà chơi-chơi mà học”, tránh cách dạy “nhồi nhét”, phiến diện, có nguy cơ biến tuổi thơ thành những “cụ non”. Ngành giáo dục cũng nên nghiên cứu trong “cải cách chế độ tiền lương” giáo viên hợp lý, nhằm ngăn chặn có hiệu quả “học thêm tràn lan” không thể kiểm duyệt như hiện nay.

Bổ sung, sửa đổi một bộ luật cho sát với thực tiễn là rất cần thiết. Đối với Luật Giáo dục lại càng đòi hỏi bức bách hơn vì đây là bộ luật căn cứ vào đó để chúng ta “trồng người”. Những phát sinh, bất cập mà Luật Giáo dục chưa lường hết, nay cần được nhìn nhận xác đáng để tìm phương án điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Một bộ luật, khi soạn thảo đều được thực hiện cẩn trọng qua đầy đủ các công đoạn, trình tự, trong khi thực tế cuộc sống biến chuyển không ngừng, các vấn đề mới liên tục phát sinh. Vì thế, ngoài cái “khung” cơ bản, mỗi bộ luật luôn cần được cập nhật để từ đó điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, nhưng phải giữ được tầm nhìn chiến lược, mang giá trị lâu dài. Bởi lẽ, sửa đổi một bộ luật không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai.

Một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục đào tạo ra một lực lượng lao động có tri thức, có tay nghề cao, trở thành động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế có hiệu quả, đưa đất nước phát triển ngang hàng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Vì vậy, Luật Giáo dục phải tạo cơ sở pháp lý để ngành giáo dục nước ta ngày càng tự hoàn thiện và hướng tới mục tiêu cụ thể, thiết thực ấy.

SĨ BÌNH-QDND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất