Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 5/10/2012 15:6'(GMT+7)

Ðưa khoa học xã hội trở lại vị trí xứng đáng

 

 Hiện tượng học sinh, sinh viên không mặn mà với các môn khoa học xã hội đã được đề cập từ lâu, nhưng đặc biệt trở nên thu hút công luận trong các năm gần đây khi số lượng hồ sơ đăng ký dự thi và chất lượng bài thi đại học các ngành khối C được bàn luận sôi nổi trên mặt báo. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, năm 2012 cả nước có hơn 1,8 triệu lượt hồ sơ dự thi đại học thì trong đó chỉ có hơn 80 nghìn hồ sơ đăng ký vào ngành Khoa học xã hội (chiếm 4,43%). Nếu xét theo số lượng hồ sơ thì nhóm ngành này đã giảm đến gần 8% (từ khoảng 87 nghìn hồ sơ năm 2011 xuống còn 80.298 hồ sơ trong năm 2012). Thực tế trên đã khiến nhiều trường đại học phải "khép cửa" một số chuyên ngành khoa học xã hội, do số lượng thí sinh dự thi trong nhiều năm quá ít hoặc phải mở thêm các khối thi đầu vào (chủ yếu là khối A, D) để có thể tuyển được sinh viên. Chất lượng đầu vào của sinh viên các chuyên ngành khoa học xã hội cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ: Năm 2012, dù  điểm của các môn thi đại học khối C được đánh giá là cao hơn năm ngoái nhưng số lượng bài thi có điểm trung bình vẫn chiếm đa số; đặc biệt đối với môn Lịch sử, có đến 65 - 98% bài thi dưới điểm trung bình và đây cũng là môn có số lượng bài thi bị điểm 0 nhiều nhất.

 Những con số  đáng lưu tâm trên đây không chỉ cho thấy sự mất cân đối về cơ cấu ngành tuyển sinh của các trường, mà dường như còn cho thấy cả xu hướng ngày càng thực dụng trong việc chọn ngành, chọn trường của giới trẻ? Và chắc chắn điều này sẽ để lại những hệ quả nghiêm trọng cho xã hội cả ở tầm vi mô và vĩ mô. Ở tầm vi mô, có một thực tế là lâu nay nhiều cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển cán bộ đúng ngành, đúng nghề, thật sự có năng lực. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực thực hiện tại TP Hồ Chí Minh mới đây, thì mỗi năm thành phố có 265 nghìn chỗ làm trong lĩnh vực khoa học xã hội, chiếm 8% nhu cầu nhân lực, nhưng hiện tại nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng đủ. Việc thiếu cán bộ ngành khoa học xã hội (cả về số lượng và chất lượng) đã khiến các cơ quan, doanh nghiệp buộc phải tuyển sinh viên đã tốt nghiệp các ngành khác, sau đó đưa cán bộ, nhân viên đi đào tạo các ngành khoa học xã hội theo hình thức học tại chức hay văn bằng hai để chuẩn hóa cán bộ. Ðiều này vừa khiến cho chất lượng nguồn nhân lực không được bảo đảm, gây lãng phí thời gian, tiền của, công sức của Nhà nước, doanh nghiệp và của cả cán bộ, nhân viên. Ở tầm vi mô, các ngành khoa học xã hội, với chức năng nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học cho việc giải quyết những vấn đề cấp bách do thực tiễn đặt ra trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nếu không có một đội ngũ cán bộ, chuyên gia có chất lượng cao và giàu tâm huyết thì rất khó có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Hơn thế nữa, theo như ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Trường đại học Khoa học  Xã hội và Nhân văn ngày 14-9 thì: Là những ngành khoa học nghiên cứu sự vận động của lịch sử, các mối quan hệ và cấu trúc xã hội, các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới, khoa học xã hội và nhân văn gánh vác trách nhiệm quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng các quan hệ xã hội, các giá trị chuẩn mực đạo đức, lối sống nhân cách của con người Việt Nam. Như vậy, nếu khoa học xã hội không được chính xã hội coi trọng thì đất nước, dân tộc sẽ sớm bị đặt trước khả năng bị mất gốc, mất đi bản sắc văn hóa cũng như phai nhạt nhân cách và bản lĩnh - những yếu tố quan trọng  từng góp phần làm nên những chiến công hiển hách, những thành tựu lẫy lừng của dân tộc trong quá khứ cũng như hiện tại. Tới hiện tại, hoàn toàn có thể đặt ra một câu hỏi rằng, phải chăng sự suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong xã hội thời gian qua, từ cán bộ Nhà nước đến một số thanh niên, học sinh cũng là hệ quả của việc xem nhẹ giáo dục khoa học xã hội trong nhà trường và cuộc sống?

 Có người cho rằng, việc thế hệ trẻ quay lưng với các môn khoa học xã hội là một trong những hệ quả khách quan của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước, của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần tập trung nhân lực hơn cho các ngành kinh tế, tài chính, kỹ thuật. Xét đến cùng, các lý do đó chỉ là một góc nhìn phiến diện. Thử nhìn ra các nước khác trên thế giới - những quốc gia có quá trình công nghiệp hóa trước chúng ta hàng chục, thậm chí cả trăm năm, xem họ đào tạo các ngành khoa học xã hội ra sao: Theo bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới năm 2012, thì 15 trường đại học đứng đầu thế giới về đào tạo khoa học xã hội đều thuộc về nước Mỹ, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như: Ðại học Havard, Học viện Công nghệ Massachusetts, Ðại học Stanford, Ðại học Yale... Tại Bỉ, theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Huỳnh Mai trên diễn đàn Dân trí Việt Nam, chỉ tính  riêng ở Ðại học Liège - một trong các trường đại học danh tiếng nhất của Bỉ, thì tỷ lệ sinh viên theo học các ngành khoa học xã hội lên đến 54%. Theo Hội Những cựu sinh viên Sử của Ðại học Liège, một năm sau khi ra trường, không một sử gia nào tốt nghiệp ở đây bị thất nghiệp, mặc dù nhiều năm nay tỷ lệ thất nghiệp ở Bỉ khá cao (10-15% dân số trong độ tuổi đi làm). Hay ở Nhật Bản,  tỷ lệ sinh viên theo học các ngành khoa học xã hội là 38%, cao nhất trong các ngành nghề được đào tạo ở bậc đại học.

 Rõ ràng, nguyên nhân khiến thế hệ trẻ không hào hứng với các ngành khoa học xã hội bắt nguồn từ chính quá trình hoạch định chính sách, quản lý xã hội cho đến ý thức của mỗi người dân. Do các ngành nghề thuộc khoa học xã hội ít tạo ra lợi ích vật chất trực tiếp và cụ thể, chế độ đãi ngộ cán bộ, nhân viên chưa cao,  thiếu sự đa dạng trong cơ cấu ngành nghề, cơ chế tuyển dụng, đề bạt... còn mang nặng tính quan liêu, hành chính; do việc đào tạo các môn khoa học xã hội trong nhà trường còn thiếu hấp dẫn, chậm đổi mới cả về nội dung và hình thức giảng dạy; do thị hiếu chuộng các ngành nghề thời thượng, hấp dẫn của giới trẻ và ngay của cả các bậc phụ huynh...

 Khoa học xã hội có một đặc điểm là, mặc dù luôn gắn chặt với thực tiễn đời sống, nhưng hiệu quả tác động của phần lớn các ngành khoa học xã hội lại rất khó đo lường. Các thành tựu của khoa học xã hội đều đi vào cuộc sống thông qua hoạt động của con người một cách gián tiếp,  cho nên tác động của các khoa học xã hội tuy rất to lớn nhưng lại khó có thể đo đếm một cách cụ thể. Nếu chúng ta không hiểu được bản chất cốt lõi này thì sẽ rất dễ nảy sinh tâm lý coi thường vị trí, vai trò của khoa học xã hội. Vực dậy các ngành khoa học xã hội, tiến tới thu hút nhiều nhân tài vào lĩnh vực này không phải là việc đơn giản và cũng khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Công việc đó đòi hỏi cần có quá trình cải cách đồng bộ từ phương thức giáo dục, đào tạo khoa học xã hội trong nhà trường cho đến chế độ, chính sách, cơ chế đối với các ngành nghề khoa học xã hội; bên cạnh đó, cần chú trọng tuyên truyền, định hướng để xã hội có quan niệm, có cái nhìn tích cực về khoa học xã hội. Phải làm sao để các ngành của khoa học xã hội luôn luôn có một diện mạo mới:  năng động, mới mẻ,  hiện đại và có khả năng tạo thêm thu nhập phù hợp, có như vậy mới dễ thu hút được các tầng lớp thanh niên năng động, sáng tạo. Việc đưa khoa học xã hội trở lại vị trí xứng đáng trong nấc thang đánh giá của xã hội là trách nhiệm của các cấp, các cơ quan quản lý, trong đó có vai trò quan trọng của ngành giáo dục đào tạo và  nhiệm vụ của mỗi công dân.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất