Cầm cuốn sách trên tay, với tiêu đề rất “chuyên ngành” tuyên giáo, thoạt nghĩ chắc lại là những điều “biết rồi, nói mãi”, nhưng quả thực, lần theo những bài viết, đọc và suy ngẫm tường tận, mới thấy hết tấm lòng và công sức, trí tuệ mà Tiến sỹ Bùi Thế Đức bỏ ra để có những ý tưởng đầy tâm huyết, trăn trở dành cho cái “nghiệp” đã mang, cũng là trọng trách được Đảng phân công gánh vác - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng.
Trong suốt 38 năm công tác, từ một Cử nhân Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm I Hà nội, với lòng say mê, hiếu học, anh đã sớm hoàn thành các chương trình đào tạo Sau đại học, như: Cao học chuyên ngành văn học Xô-Viết (1980); Nghiên cứu sinh tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên ngành văn học Nga thế kỷ XX (1994). Ngoài thời gian học tập và một số ít năm công tác ở ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Bùi Thế Đức đã có phần lớn thời gian công tác tại Ngành Tuyên giáo của Đảng. Đây cũng là quá trình vừa cống hiến, vừa tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, trau dồi được nhiều kỹ năng, phương pháp công tác và được chuyển tải sinh động vào các bài viết, khiến tập sách “Công tác tuyên giáo trước yêu cầu mới” chiếm được tình cảm sâu lắng của người đọc, nhất là cán bộ của Ngành Tuyên giáo.
Tiến sỹ Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo cho đội ngũ cán bộ Đoàn. Ảnh TL |
Cuốn sách gồm có ba phần với dung lượng lớn là các bài viết ở phần 1 “Về công tác tuyên giáo” (21 bài); phần thứ hai gồm những bài viết chọn lọc “Về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch” (6 bài); phần thứ ba là các bài viết “Kỷ niệm về những người thầy” (2 bài). Tuy dung lượng bài viết ở từng phần nhiều ít khác nhau, nhưng đều thể hiện rõ tư tưởng, tấm lòng nhiệt thành, tâm huyết, đầy trăn trở của tác giả với sự nghiệp Tuyên giáo của Đảng. Các bài viết bám sát thực tiễn sinh động của đời sống chính trị, bám sát những vấn đề xã hội quan tâm, góp phần định hướng dư luận, làm nổi bật nội dung của công tác tuyên giáo trước yêu cầu mới.
Điều đặc biệt khiến cho cuốn sách thu hút người đọc là trong các bài viết luôn thể hiện tính sáng tạo và sự đổi mới trong nội dung cũng như cách viết, làm cho người đọc không cảm thấy khô cứng. Đây chính là thành công lớn của tác giả. Dẫu viết về Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” (trang 5), hay viết về các ngày kỷ niệm lớn: “Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (trang 13), hoặc viết về mảng Khoa giáo (gồm các bài viết từ trang 63-93); về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; công tác tuyên truyền biển, đảo; công tác thông tin tuyên truyền lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng … tác giả đều bắt đúng “mạch” và đặt ra những vấn đề có tính căn cơ mà người đọc, nhất là đối với cán bộ tuyên giáo đang quan tâm. Có những bài viết đã xa với hiện nay như “Phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện công tác tuyên giáo năm 2012” (trang 18), nhưng những giá trị khoa học và thực tiễn cho đến nay vẫn mang tính thời sự sâu sắc và hơn thế nữa, còn có ý nghĩa định hướng lâu dài trong công tác tuyên giáo. Khi bàn về giải pháp “Thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên giáo”, tác giả chú trọng đề cập đến những vấn đề cấp thiết nhưng nội dung vẫn mang tính chiến lược sâu sắc, như: “Tập trung cho những việc chính thuộc chức năng của Ngành, phân cấp và chuyển giao bớt công việc cho các ngành và các địa phương để dồn sức nâng cao chất lượng công tác tham mưu. Xác định những lĩnh vực “nhạy cảm” để vào trận chứ không phải “tránh ra”. Đổi mới công tác tư tưởng theo hướng tăng cường đối thoại, thuyết phục, đồng hành để cùng đi đến nhận thức đúng. Không áp đặt, mất dân chủ nhưng thẳng thắn, thể hiện rõ chính kiến, có tính chiến đấu và tính giáo dục cao. Hướng mạnh vào đội ngũ trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên, đội ngũ đảng viên trẻ” (trang 25). Quả thực, đây là một trong những giải pháp rất căn bản mà ngành tuyên giáo đã và đang nỗ lực phấn đấu nhưng có lẽ nhiều năm nữa vẫn còn những điểm “trống” chưa bù đắp đủ.
Trong một bài viết khác: “Tăng cường đổi mới công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng đáp ứng yêu cầu tình hình mới” (từ trang 27), tác giả đã nêu phương châm đổi mới như một nguyên tắc nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ báo cáo viên: “Nắm chắc ý Đảng, hiểu rõ ý dân, thông tin thiết thực, tuyên truyền hiệu quả” (trang 30). Với phương châm này, không chỉ đúng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng mà còn đúng cho những người làm công tác tuyên giáo - Những người có vai trò tiên phong trên mặt trận công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo; không chỉ đúng cho hiện tại mà cho cả những năm tiếp theo nữa.
Trong bài: “Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo đáp ứng yêu cầu mới” (từ trang 53), tác giả đề ra một số tiêu chí về phẩm chất, năng lực cơ bản: Thứ nhất, cán bộ tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh, phải có “tâm” và “tầm”. Chữ “tâm” và chữ “tầm” được tác giả nhấn mạnh trong ngoặc kép là có ý nghĩa sâu xa đối với cán bộ tuyên giáo. Thứ hai, cán bộ tuyên giáo phải có lòng say mê và tâm huyết với nghề nghiệp. Thứ ba, phải bám sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân. Thứ tư, có phương pháp, tác phong làm việc khoa học. Những điều này tưởng như là rất lý thuyết, nhưng qua phân tích của tác giả, người đọc thấy rõ hơn giá trị khoa học và thực tiễn của các tiêu chí xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo. Đó là những tiêu chí giữ vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đề ra. Một số giải pháp được tác giả đề ra trong bài viết này cũng mang tính chiến lược rõ rệt, góp phần định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay mà cả trong tương lai (xem từ trang 59 - 62).
Ở phần thứ hai, với các bài viết “về đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch” cũng vậy. Tuy số lượng bài viết ít hơn ở phần thứ nhất và có những bài viết từ rất sớm (những năm 2009, 2010) nhưng nội dung chứa đựng nhiều giá trị khoa học, lý luận và thực tiễn. Đến nay, các bài viết ấy vẫn mang tính thời sự và những giá trị khoa học sâu sắc, thể hiện rõ tác giả là người viết rất chuyên nghiệp, nhuần nhuyễn cả về lý luận chính trị và thực tiễn. Các bài viết không chỉ bám vào cái hiện tại, mà còn sáng tạo, phát hiện và đưa ra nhiều dự báo có tính chiến lược, nhằm tham mưu cho Trung ương, đồng thời là những cảnh báo cho các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền và nhân dân về những âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch; rút ra những giải pháp và đúc kết những kinh nghiệm để công tác tuyên truyền, đấu tranh ngày càng có hiệu quả hơn.
Với sự am hiểu minh tường được thể hiện thông qua nội dung các bài viết, giúp người đọc dễ dàng nhận diện những hoạt động chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; về cái gọi là “cách mạng sắc màu”… trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhất là việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền để phá hoại tư tưởng, tác động “tự diễn biến” vào nội bộ ta của các thế lực thù địch. Từ đó, người đọc dễ dàng nhận thấy rõ bản chất thâm độc và các phương thức tiến hành xảo trá của kẻ thù mà đề cao cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết làm thất bại âm mưu đen tối của chúng. Thiết nghĩ, đây là những tài liệu bổ ích, vừa mang tính khoa học, lý luận vừa mang tính báo chí rất cao, thể hiện rõ tính chiến đấu, tính thuyết phục và tính hấp dẫn trong từng bài viết. Chắc chắn, sẽ là những đóng góp quan trọng không chỉ cho ngành Tuyên giáo mà còn là cẩm nang định hướng cho các lực lượng chống “diễn biến hòa bình”; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Sau hai phần trên, Tiến sỹ Bùi Thế Đức không quên dành một phần trong cuốn sách - Phần thứ ba: Kỷ niệm về những người thầy như một sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người thầy đã dìu dắt, giúp đỡ Anh trong quá trình học tập, công tác mà Anh cho là, “đã cổ vũ và động viên” Anh rất nhiều. Với Tiến sỹ Bùi Thế Đức, “những kỷ niệm xa xưa chẳng bao giờ mất đi, nhiều khi thức dậy xốn xang… và sẽ mang theo nó đi suốt cả đường đời. Những kỷ niệm ấy đâu chỉ là những buổi đi nghe giảng, những kỳ thi vất vả, những buổi bảo vệ thành công với những bó hoa tươi thắm của bạn bè chúc mùng trong nỗi cảm động nghẹn ngào, rơi nước mắt… mà vượt lên trên những điều đó là đạo lý của tình thầy trò. Chính cái đạo lý ấy đã chắp cánh tạo nên những giá trị bền vững ở trong mỗi một con người mà ông cha ta đã để lại và nó góp phần vượt qua sự tàn phá khốc liệt của thời gian, để mãi mãi được giữ gìn, nâng niu và trân trọng”- Kỷ niệm về người thầy- Giáo sư, nhà văn Nguyễn Đức Nam (trang 237). Anh còn bộc bạch, “Thầy không chỉ giúp đỡ truyền đạt về kiến thức mà còn hướng dẫn phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu và phương pháp làm việc với những yêu cầu cao, nghiêm khắc của một người thầy hết lòng tận tụy với học trò”.
Quả thực, ai đã từng được sống, học tập và làm việc cùng với Tiến sỹ Bùi Thế Đức thì rất dễ hiểu rằng đó là những cảm xúc được viết ra từ tấm lòng chân thành và trái tim đôn hậu của Anh. Chắc hẳn, do được ảnh hưởng từ những người thầy của mình, nên Anh rất nghiêm túc trong công việc và cẩn thận trong “lời ăn tiếng nói” cũng như cách ứng xử với đồng nghiệp trong đời thường. Khi nói, anh thường nói những điều chân thành từ trong “gan ruột” chứ không phải là lời nói xáo rỗng. Đó cũng là cốt cách được thể hiện rõ trên các bài viết của anh. Vốn là cử nhân, tiến sỹ văn chương nên anh có lợi thế khi viết các bài lý luận mà không bị khô cứng như nhiều tác giả thường vẫn mắc phải. Những bài viết dù về lĩnh vực nào cũng chứa đựng ít nhiều chất văn học rất giản dị, khiêm nhường và gần gũi với cuộc sống. Tôi rất thấm thía và tâm đắc với câu nói giàu hình ảnh và hết sức khiêm tốn của Anh: “Nhưng so với các bác, các anh, các chị đã có nhiều cống hiến thì những đóng góp của mình cũng như đứng trước Biển mọi dòng sông đều nhỏ”(!) được nhắc đến trong lời giới thiệu cuốn sách.
Hiện nay, mặc dù công việc rất bận, ngoài những công việc được phân công phụ trách là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Anh còn tham gia một số vị trí công tác Đảng, như: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương, nhưng Tiến sỹ Bùi Thế Đức vẫn dự định sẽ viết nhiều hơn các bài viết phục vụ công tác tuyên giáo. Anh còn cho biết, sẽ xuất bản một cuốn sách tập hợp các bài viết của mình về văn học Nga, Pháp, Anh, Mỹ trong thời gian tới.
Khi đọc hết cuốn sách, tôi thật sự cảm kích với đoạn kết bài viết “Kỷ niệm về người thầy”, đây cũng là bài được in cuối cùng trong cuốn sách, và tôi hiểu vì sao Anh không mệt mỏi khi hướng về phía trước: “Tưởng nhớ thầy, tôi luôn tự nhủ bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Và như một “giá trị đích thực” mà cả đương thời và hậu thế đã và đang khẳng định, thiết nghĩ những con người như thầy khi ra đi đã để lại dấu vết ở trên thế gian này chứ không phải như những thứ thảo mộc tầm thường, đã sống và tồn tại kéo dài hơn cả những nỗi khổ đau của con người” (trang 241). Có lẽ, không chỉ có tấm lòng say mê, nhiệt huyết với công việc mà còn cả tình thương yêu cháy bỏng với cuộc sống, với những người sinh thành, dạy dỗ đã chắp cánh cho Anh…
Xuân Bính Thân - 2016
TS. Nguyễn Thành Vinh