Với hơn 600 trang khổ rộng, cuốn sách tuyển tập đầu tiên mang tên Những chặng đường đất nước của Nguyễn Hồng Vinh bao gồm những tác phẩm báo chí tiêu biểu trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước của anh và sau đó là cuốn Giữ lửa tuyển tập những bài chuyên luận trên báo Nhân dân thời đổi mới là đầy ắp những kỷ niệm cháy bỏng không thể phai mờ của một thời làm báo cách mạng. Vì lẽ đó nên nhiều bạn đọc mệnh danh nhà báo Nguyễn Hồng Vinh là “Người giữ lửa”. Đọc những bài viết trong hai tuyển tập ấy, ai cũng thấy rõ điều đó. Nguyễn Hồng Vinh là một trong những cây bút sắc sảo, bề thế, xứng tầm với những nhà báo có uy tín rộng của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhưng, cũng lại gần lắm, trong dăm, sáu năm trở lại đây, Nguyễn Hồng Vinh lại xuất hiện với sự nổi trội khác, mà đồng nghiệp, bạn bè yêu mến gọi là: Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Chỉ trong hơn 5 năm (từ 2010 đến nay), anh đã cho ra mắt bạn đọc 5 tập thơ, bình quân mỗi năm 1 tập thơ đầy đặn. Dẫu vậy, anh chưa bao giờ tự nhận mình là nhà thơ. Nhiều người hay thắc mắc hỏi anh, sao anh không vào Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam…? Anh thản nhiên trả lời: “mình làm thơ đâu phải chỉ để vào Hội Nhà văn. Điều mình tâm đắc và say mê với thơ chính là qua thơ nói được những nghĩ suy về nhân tình, thế thái về tình cảm với gia đình, bè bạn. Đó là nguồn cảm hứng của thơ…” Thế nhưng, thơ anh tự nó đã nói lên tất cả. Với 5 tập thơ của anh đã có nhiều bài viết, lời bình trên các báo. Song xâu chuỗi lại: thơ Nguyễn Hồng Vinh giản dị, nhưng chân thành, cảm xúc mạnh, nhất là về tình yêu, nỗi niềm, cái riêng và cái chung hòa nhịp. Sự xuất hiện nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh cũng là một bất chợt, bất ngờ.
Nhưng cũng lạị là sự bất chợt, bất ngờ nữa, trong bao nhiêu công việc dồn dập hàng ngày, anh vẫn không ngừng, không nghỉ đọc, viết và làm thơ. Những người không gần anh, sẽ không thể hình dung nổi sức đọc, sức viết dồi dào và bền bỉ của anh. Dù đang phải chịu trách nhiệm nhiều đầu mối công việc nhưng với đức tính cầu toàn, chu tất mọi nơi, mọi chỗ, ngoài hoàn thành công việc chung, thơ vẫn cuốn hút anh không lúc nào ngơi nghỉ trong suy ngẫm của anh. Không chỉ là sự mặn mà, đắm say khi sáng tác cũng như đọc các bài của đồng nghiệp. Mỗi khi thấy một bài viết, một bài thơ trên sách báo của những người bạn, những người anh hiểu, anh thích, là lập tức anh có ngay những vần thơ đề tặng. Có những cuộc trò chuyện, đối đáp nhau bằng thơ qua tin nhắn di động liên tục, liên hồi. Nhiều người giật mình thán phục cái tài ứng khẩu thành thơ của anh. Chắp lại những đối đáp kiểu “siêu nhanh” như thế, không ngờ lại thành những bài thơ ngắn cô đọng, đầy cảm xúc…
Một lần, đọc số báo Văn nghệ xuân có bài Câu hỏi trước dòng sông của Nguyễn Quang Thiều, bất chợt anh đáp tặng Nguyễn Quang Thiều mấy câu như sau:
Nghe câu hỏi trước dòng sông
Mà sao tê buốt cõi lòng em ơi
Mây bay tan tác trên trời
Hỏi sông, sông chẳng một lời sẻ chia
Đúng là tâm trạng trong bài thơ của Nguyễn Quang Thiều rồi. Anh đáp lại vừa đồng cảm, vừa trải ra nỗi day dứt từ trong cảm nghĩ của chính mình. Một thoáng chạnh lòng “Hỏi sông, sông chẳng một lời sẻ chia”. Câu thơ cuối cùng ấy gói lại để thành một bài thơ. Xin tạm đặt tên bài thơ đó là “Hỏi sông”.
Khi đọc bài thơ Em là mây trắng của Trần Gia Thái, lập tức anh đáp tặng Trần Gia Thái 4 câu:
Em vừa là “đom đóm”
Vừa là “con sóng xanh”
Biển quê chiều tắt nắng
Còn mình em ngóng anh…
Gợi lên một chút xao động, bâng khuâng trước biển… ngóng anh chiều tắt nắng. “Đom đóm”, “con sóng xanh” đều như có lửa. Nhưng hồn cốt của Trần Gia Thái đã được anh gói lại trong hai câu “biển quê chiều tắt nắng” để “còn mình em ngóng anh”. Không gian trống trải là thế mà như vẫn vỗ về, khôn nguôi hy vọng. Tạm có tiêu đề bài thơ là “Ngóng ”.
Một lần khác, đọc một bài thơ của Phạm Khải đăng trên báo có câu: “Lá sắc cứa vào trống trải”. Vốn hiểu tâm trạng của nhau, anh lập tức có thơ tặng K. Giữa cái rạo rực đầu xuân “Thơ anh rì rầm tiếng lá / Hoa đào lay nhẹ gió đông”, sự chuyển hóa từ “Chiều đông mây xám hắt hiu / Đêm đen nối dài vô tận” đến “Nghe hạt rì rầm trồi đất”, cũng là sự chuyển hóa trong tâm tưởng, nỗi phiền muộn lụi tàn nhường cho hoa đào rắc nhẹ lên tóc người thiếu nữ. Bài thơ Lá là một điển hình.
Tặng K.
“Lá sắc cứa vào trống trải”
Chiều đông mây xám hắt hiu
Đêm đen nối dài vô tận
Trong mơ hoa dại ngút ngàn
Sớm nhìn mưa bay lâm thâm
Nghe hạt rì rầm trồi đất
Thơ anh thì thầm tiếng lá
Hoa đào lay nhẹ gió đông”
Gần đây, khi đọc bài viết của Đặng Huy Giang về cuốn sách Thêm một lần biển gọi của Phạm Khải, anh cũng lại có ngay bài thơ Biển gọi đề tặng hai người này:
Anh đã gọi Biển bao lần cả trong mơ và thực
Tháng Tư này anh đứng giữa Sơn Ca
Biển gọi tên anh trong từng con sóng
Thêm một lần, cát biển níu chân anh…
Chất mặn mòi sẽ làm đẹp thơ anh
Mạch đời văn cứ nối nhau như sóng
Bên miệt vườn trong đêm hè gió lộng
Tôi ngỡ mình như đứng giữa Trường Sa…
Ở đây, giữa người được tặng thơ và người viết tặng thơ không còn ranh giới nữa. 8 câu thơ đã trở thành một bài thơ trọn vẹn, cảm xúc, ý, tứ quyện thấm vào nhau. Sự hóa thân của người viết hòa vào cảm hứng chung của những sáng tác hướng về chủ đề biển đảo. “Mạch đời văn cứ nối nhau như sóng… Tôi ngỡ mình như đứng giữa Trường Sa…”. Bài thơ tự nó đã tách ra đứng độc lập. Đây cũng là nét chung nhất của hàng trăm câu thơ, đoạn thơ bất chợt của anh đề tặng đồng nghiệp, bạn bè, những người quen thân, yêu mến thơ ca.
Nguyễn Hồng Vinh là một người từng trải, đi nhiều, đọc nhiều, viết nhiều, lại có sẵn năng lực tư duy, cảm xúc, khám phá của mỗi bài thơ, đã mở ra tứ thơ mới, làm nhiều tác giả giật mình, nể trọng.Trong cuộc sống đa chiều hôm nay, mỗi văn nhân, thi sĩ có được những trang viết, câu thơ đẹp cũng đáng trân trọng lắm rồi. Nhưng lại có được một người đồng hành chia sẻ, tặng những vần thơ mới, càng đáng quý biết bao! Bất chợt thôi, nhưng biết nâng niu, chiu chắt từ những cái giản dị, bình thường nhất, âu cũng là sự góp vốn cho cái gia sản tinh thần bạn bè, đồng nghiệp chúng ta!
Ngày 18-6-2016
Vũ Hiếu (CTV)