Vào đúng dịp kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Luật Phòng,
chống tham nhũng mới có hiệu lực thi hành, ngày 4/2, Ban chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng đã chính thức ra mắt trong niềm tin và hy vọng của toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban
chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định: Việc Trung ương quyết
định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ
Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan, với mong muốn, quyết tâm cao hơn,
tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham
nhũng.
Phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ
trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì
liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá
nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền. Thực tế tham nhũng
không chỉ có ở Việt Nam mà hiện đang là quốc nạn của rất nhiều nước trên thế
giới. Tại Việt Nam, tham nhũng đã bị coi là thứ "giặc nội xâm" và nhiều năm qua,
Đảng ta đã có nhiều chủ trương, phương hướng chỉ đạo nhằm đấu tranh chống loại
giặc này có hiệu quả. Nhà nước ta cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định
cụ thể về chống tham nhũng, lãng phí, nhưng do nhiều nguyên nhân, hiệu quả của
cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm chưa cao. Việc thành lập Ban chỉ đạo Trung
ương về phòng, chống tham nhũng lần này do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban
với các thành viên là lãnh đạo nhiều cơ quan quan trọng trong công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, trong đó có nhiều đồng chí đã có kinh nghiệm trong công
tác phòng, chống tham nhũng, được nhân dân tín nhiệm cao, hy vọng sẽ tạo ra cách
đánh mới đối với giặc nội xâm.
Tuy nhiên, như lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí
thư trong phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng, sự ra đời của Ban chỉ đạo này không phải là “cây đũa thần có thể xoay
chuyển được toàn bộ tình hình”. Để chống "giặc nội xâm" có hiệu quả, bên cạnh sự
thay đổi phương thức tác chiến ở tầm chiến lược, ở cấp chiến dịch và chiến thuật
cũng phải có sự thay đổi phương pháp tác chiến.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang có quyết
tâm chống giặc nội xâm rất cao. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, có nghĩa là Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo toàn
diện các lĩnh vực, các cấp, các ngành, trong cả hệ thống chính trị. Cơ quan
thường trực-bộ tham mưu là Ban Nội chính Trung ương, trực thuộc Bộ Chính trị có
vị thế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn. Thế nhưng, kẻ tham nhũng cũng
rất tinh vi. Để giành thắng lợi, các cấp ủy và tổ chức Đảng, đặc biệt là cán bộ,
đảng viên phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn
của cuộc đấu tranh này, có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên
trì, liên tục, có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở, trong Đảng, Nhà nước và toàn
xã hội. Các cấp ủy và tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là
cán bộ lãnh đạo cấp cao phải thực sự tiên phong, gương mẫu trong trận chiến với
thứ "giặc nội xâm" này. Mặt khác, cũng cần hoàn thiện hơn cơ chế về phòng, chống
tham nhũng để cán bộ công chức không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và
không thể tham nhũng. Chống "giặc nội xâm" quyết liệt kết hợp với tuyên truyền,
giáo dục đông đảo nhân dân, làm cho mỗi người thấy có đầy đủ ý thức đấu tranh
chống lại chúng. Không có nhân dân tham gia cùng với Đảng và Nhà nước thì dứt
khoát không thể đánh thắng giặc nội xâm./.
(Đỗ Phú Thọ/QĐND)