Tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định, Việt Nam cũng có nhiều bác sĩ giỏi, không thua kém các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao của nước ngoài. Và, nhiều bệnh không nhất thiết phải ra nước ngoài bởi ở trong nước cũng có thể điều trị rất tốt. Điều này, có lẽ ít ai phủ nhận bởi thực tế những năm qua, y học Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu ngang tầm với y học thế giới và khu vực, đặc biệt, có 26 công trình ở 11 lĩnh vực được quốc tế công nhận, như: Ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương, chỉnh hình… Thế nhưng, một thực tế mà nhiều người phải thừa nhận, đó là trình độ tay nghề của bác sĩ Việt Nam không đồng đều. Những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao thường tập trung ở một số thành phố lớn. Bên cạnh đó, không ít bệnh viện công có đội ngũ bác sĩ giỏi nhưng chất lượng dịch vụ thấp và ngược lại, bệnh viện tư nhân có chất lượng dịch vụ tốt nhưng chuyên môn chưa cao.
Hơn 40.000 bệnh nhân xuất ngoại chữa bệnh hằng năm với tổng kinh phí hơn 1 tỷ USD - con số này được đưa ra tại buổi hội thảo, nhưng có lẽ chỉ là ước tính chưa đầy đủ. Bởi, mỗi người đi nước ngoài chữa bệnh không chỉ phải trả tiền viện phí, mà còn chi phí cho người đi cùng chăm sóc, phiên dịch, tái khám, vận chuyển… Chữa bệnh ở nước ngoài chắc hẳn phải tốn tiền hơn ở trong nước, thế nhưng ở đây chẳng phải là chuyện “sính ngoại” như một số người vẫn nghĩ, mà vì bệnh nhân - những người có điều kiện kinh tế - mong muốn một dịch vụ tốt song hành với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đáng tin cậy. Điều này được PGS TS Võ Văn Thành, nguyên Trưởng khoa Cột sống ABV Chấn thương - Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Cột sống Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch danh dự Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam - cụ thể hóa bằng một dẫn chứng: Không ít bệnh nhân có điều kiện kinh tế đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh khám chữa và lập tức “tháo chạy” vì dù cho bác sĩ giỏi đến đâu, thực hiện được những kỹ thuật tiên tiến thế nào, nhưng nhìn cảnh bệnh viện quá tải, chật chội, xô bồ thì không thể chịu đựng nổi.
Làm sao thu hút bệnh nhân ở lại Việt Nam điều trị? Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, điều cơ bản là phải giải quyết được hai vấn đề: Cơ chế và kinh phí.
Quả thực, người bệnh chỉ tin vào những bệnh viện có thương hiệu, các bệnh viện tuyến trên nơi tập trung những bác sĩ giỏi. Do vậy, công tác đầu tư vào nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế, điều kiện sinh hoạt của bệnh nhân cần phải được chú trọng hơn nữa. Và, một điều mà dịch vụ y tế của nước ta cần đặt lên hàng đầu, đó là phải tạo được thái độ phục vụ bệnh nhân tận tình, chu đáo, thân thiện, tạo được niềm tin ở bệnh nhân. Một điều rất đáng làm nữa là Bộ Y tế cần thống kê rõ ràng những thành tựu khoa học tiên tiến đã làm được và ở đâu làm được; hơn 40.000 bệnh nhân ra nước ngoài mỗi năm chữa bệnh gì là nhiều nhất, độ tuổi là bao nhiêu... từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để thu hút bệnh nhân.
Đào Hồng (QĐND)