Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 22/1/2013 20:23'(GMT+7)

Tạo thuận lợi để dân tiếp cận dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Trong các ngày từ 19-21/1, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu, Lâm Đồng, Phú Yên đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

* Tại Lai Châu, ông Tô Như Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu quán triệt tới các đại biểu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mọi người dân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tất cả các ý kiến của người dân đều được trân trọng, tiếp thu và tổng hợp. Những ý kiến tiêu biểu, khách quan sẽ được lựa chọn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương.

Các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi cá nhân, cán bộ, người dân đều được tiếp cận, nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và tham gia vào đợt sinh hoạt chính trị này.

Trước đó, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 05, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Hướng dẫn số 35 và ra Quyết định số 34 về việc thành lập Tổ giúp việc và Tổ thư ký giúp Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sử đổi Hiến pháp 1992.

Từ ngày 14/1, các phương tiện thông tin đại chúng của Lai Châu đã mở chuyên mục, đăng tải toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

* Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều ưu điểm, nội dung sâu rộng và trình bày súc tích hơn là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của tỉnh Lâm Đồng, ngày 21/1.

Ưu điểm được đề cập nhiều nhất là dự thảo Hiến pháp lần này đã chú trọng hơn đến quyền con người, với việc có riêng một chương - Chương II quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân,” trong đó có những điều, khoản rất hay và phù hợp với đời sống hiện nay như một số nội dung của điều 26 “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin... theo quy định của pháp luật.”

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng cần hệ thống lại các chương, điều, khoản có liên quan đến vấn đề quyền con người thành một chương cho gọn ghẽ và súc tích hơn.

Đáng chú ý là đại diện một số ban, ngành khối tư pháp của tỉnh đã mạnh dạn đề nghị nên tách Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân ra thành hai chương chứ không để chung trong Chương VIII như dự thảo.

Các ý kiến này cho rằng chỉ có Tòa án mới là cơ quan tư pháp còn Viện kiểm sát không phải là cơ quan tư pháp mà chỉ thực hiện quyền công tố, do đó nên chuyển Viện kiểm sát sang trực thuộc Chính phủ.

Một số ý kiến khác đề nghị nên lấy tên " Hiến pháp 2013" cho bản Hiến pháp lần này chứ không nên lấy tên Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2013); nên có hẳn một chương về Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không chỉ là một điều 4 như hiện nay; nên đưa Luật Đất đai vào chương I để khẳng định bản chất của nhà nước ta.

Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng dự thảo Hiến pháp cần quy định rõ hơn về cơ chế kiểm soát giữa ba hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp bởi đây là đòi hỏi chính đáng của nhân dân đối với họat động của ba hệ thống này.

Theo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng, hội nghị này là một trong các cuộc lấy ý kiến rộng rãi của đại diện các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tới đây, tỉnh sẽ tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đang công tác tại các trường đại học trên địa bàn, của giới doanh nghiệp trong tỉnh; tổ chức hội nghị chuyên đề lấy ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

* Tại Hội nghị do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã tổ chức đã thống nhất việc lấy ý kiến phải đảm bảo được tiến hành rộng rãi, công khai và phát huy quyền làm chủ của dân để thu hút đông đảo mọi người dân , kể cả người Phú Yên định cư ở nước ngoài tham gia góp ý vào dự thảo; đồng thời quá trình lấy ý kiến phải ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Hội nghị cũng thống nhất thời gian lấy ý kiến dự thảo từ nay cuối tháng 3/2013 dưới nhiều hình thức như góp ý trực tiếp; gửi văn bản hoặc thư điện tử đến các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức đoàn thể, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp, phản ảnh ý kiến của mọi người dân đầy đủ, chính xác; tránh tình trạng làm qua loa.

Từ ngày 23/1 các cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở đăng tải và tuyên truyền liên tục toàn văn nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, các tạp chí và các trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên mở chuyên mục lấy ý kiến toàn dân cũng như những giải đáp thắc mắc về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

TG (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất