Càng quý trọng mỗi ngày hòa bình, chúng ta càng hiểu nếu không đấu tranh mạnh mẽ với những âm mưu, ý đồ chia rẽ Đảng với dân, làm suy yếu quan hệ gắn bó mật thiết Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân thì không thể giữ được hòa bình, ổn định, chủ quyền sông núi vẹn toàn...
Buổi sáng ngày 27/1 - đúng ngày này 40 năm trước (năm 1973), đột nhiên những tiếng súng rộ lên từ bốn phía của Thành phố Hải Phòng. "Hòa bình rồi!", những tiếng reo hòa lẫn tiếng sóng. Anh em thủy thủ chúng tôi cùng thuyền trưởng, chính trị viên ào ra cả mặt boong. Các loại súng như 12,7mm, AK 47 trong tay chúng tôi xả hết cả băng đạn lên trời. Rồi những tiếng súng nổ mừng chiến thắng, mừng hòa bình ngớt dần. Phía trước con tàu của chúng tôi là cửa sông Cấm, là vùng cửa biển vẫn còn không biết bao nhiêu thủy lôi còn phải rà phá. Sau trận bom B-52, phía Thành phố Hải Phòng bên này và phía bên kia sông Cấm, các khu công nghiệp, làng mạc, lửa khói cũng vừa tan, phố xá, nhà cửa đổ nát chưa kịp thu dọn… Mới chỉ có nửa ngày hòa bình. Tiếng súng mới chỉ tạm ngưng trên nửa miền Bắc đất nước. Từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, 20 năm trường cho đến tận ngày 30/4/1975, có người Việt Nam nào không sống trong cảnh "đêm Nam ngày Bắc".
Rồi lại mười mấy năm nữa, tiếng súng ở các vùng biên giới hai đầu đất nước, lại là những san sẻ máu xương vì bạn, vì mình. Ngày hòa bình trọn vẹn đích thực đến từ hôm nào khó ai còn nhớ nhưng ký ức về những nửa ngày, những góc ngày hòa bình để thêm một chặng đường chiến sĩ, thêm một chuyến xe ra mặt trận thì còn sâu đậm trong những thế hệ người Việt Nam.
Bây giờ, đã là hai mươi mấy năm chúng ta đã quá quen với những ngày hòa bình. Quá quen nhưng không thể bình thản trước mỗi ngày hòa bình trọn vẹn. Không thể bình thản bởi trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi tập thể, cộng đồng trước quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước, của chính mình. "Thái bình nên gắng sức" (Trần Quang Khải) là vậy. "Hòa bình là gốc của nhạc. Đừng để những tiếng eo xèo nỉ non nơi thôn cùng xóm vắng" (Nguyễn Trãi) là vậy. "Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì" (Hồ Chí Minh) là vậy.
Ngày hòa bình trọn vẹn phải hướng đến một nền hòa bình trọn vẹn, bền vững, phải đồng nghĩa với yên ấm, phát triển. Những ngày hòa bình trọn vẹn là điều kiện, là động lực để xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước trong sạch vững mạnh, đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ mọi biểu hiện ngủ quên trong vinh quang quá khứ, nguy cơ thoái hóa, biến chất. Chính những vụ việc, căn bệnh quan liêu, phiền hà, tham nhũng, những con số thất thoát, lãng phí, những diễn biến bất an đang diễn ra đã làm những ngày hòa bình trở nên không trọn vẹn.
Càng quý trọng mỗi ngày hòa bình, chúng ta càng hiểu nếu không đấu tranh mạnh mẽ với những âm mưu, ý đồ chia rẽ Đảng với dân, làm suy yếu quan hệ gắn bó mật thiết Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân thì không thể giữ được hòa bình, ổn định, chủ quyền sông núi vẹn toàn, không thể thực hiện được ước mơ lớn rửa hận đói nghèo, lạc hậu, đưa đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại, văn minh.
Những ngày hòa bình sẽ tròn đầy khi nhánh mạ cấy xuống đồng đã bén rễ xanh cây, khi con thuyền nổ máy giòn tan vượt sóng ra khơi, khi tiếng trẻ ríu ran buổi tan trường… Những ngày hòa bình sẽ tròn đầy ngay cả khi giông bão, lũ lụt, nắng lửa, ngay cả khi gian khó bộn bề, những "nghẽn", "tắc" xuất hiện trên đường đi tới bởi những con người luôn cố kết, sẻ chia. Và mỗi khi những con người dù ở cương vị thấp hay cao đều làm trọn trách nhiệm của mình, thực sự đề cao "dĩ công vi thượng", dũng cảm và thông minh đối đầu với mọi thử thách, quyết vượt qua những sai lầm, khuyết điểm của chính mình thì mỗi ngày hòa bình lại thêm trọn vẹn./.
(Mạnh Hùng/QĐND)