Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 8/2/2012 10:46'(GMT+7)

Đừng đẩy vấn đề cho cấp trên

1. Kết thúc mùa giải 2010-2011, trước tuyên bố mạnh miệng của ông bầu Nguyễn Đức Kiên (CLB ACB Hà Nội) với cách điều hành các giải đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được ra đời với mục tiêu điều hành thành công các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam.

Câu chuyện bản quyền truyền hình các trận bóng đá đến bao giờ mới kết thúc. (Ảnh: TTVH).

Việc ra đời của VPF với mục đích giúp cho nền bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp hơn chưa thấy đâu, nhưng ngay lập tức VPF đã trở nên nổi tiếng khi xem xét lại hợp đồng truyền hình do VFF đã ký với AVG trong thời hạn 20 năm. Sau rất nhiều tranh cãi, khi liên tục xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng về những đúng–sai, hợp lý-bất hợp lý của bản hợp đồng về thương quyền truyền hình bóng đá; Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc và yêu cầu AGV phải hỗ trợ để các đài truyền hình tường thuật trực tiếp các trận đấu nhằm phục vụ khán giả. Mới đây, Tổng Cục Thể dục thể thao cũng yêu cầu đưa tên giải bóng đã trở về với tên gọi cũ: Giải bóng đá Vô địch quốc gia Eximbank 2012 (viết tắt là V-League Eximbank 2012) thay cho tên gọi Super League như ở các vòng vừa qua.

Trước sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề bàn quyền truyền hình bước đầu đã có sự thay đổi, một số trận đấu đã được phía AGV đồng ý cho các đài truyền hình phát sóng. Tiếp đó, thanh tra Bộ Văn hoá - Thể thao – Du lịch cũng đã vào cuộc để xem xét tính pháp lý của bản hợp đồng này để sớm có thể đi đến kết luận.

Tuy nhiên, nhìn nhận sự việc này, nhiều người hâm mộ cho rằng, câu chuyện giữa các ông bầu làm bóng đá và công ty AGV chẳng qua là một hình thức tự PR, bởi trước đó vấn đề bản quyền truyền hình hầu như không được để ý, chỉ đến khi nhận thấy sự “vô lý” về thời gian trong bản hợp đồng các ông bầu mới lên tiếng, diễn biến câu chuyện trở thành tranh chấp pháp lý. Phía nào cũng có cái lý của mình, việc kết luận đúng sai chưa thấy đâu, nhưng việc “quảng bá hình ảnh, thương hiệu” của VPF và AVG đã đạt hiệu quả cực cao khi người hâm mộ biết đến họ. VPF mới ra đời đã làm lu mờ sự chỉ đạo, điều hành trước đó của VFF; trong khi công ty AVG, một đơn vị kinh doanh các dịch vụ truyền hình, ngay cả khi chưa có cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng đã trở nên “nổi tiếng” sau sự kiện này. Trong câu chuyện này, bản thân VPF và AVG đều có những toán tính của mình, chỉ tiếc rằng các cơ quan truyền thông đưa tin quá chi tiết diễn biến sự việc, vô hình chung “quảng cáo” một cách không công.

Cuộc chiến pháp lý giữa VPF và AVG chưa đến hồi kết, bởi theo nhận định của nhiều người hâm mộ, nếu thua AVG sẽ đưa vấn đề lên FIFA, mà FIFA luôn bảo vệ bản quyền hình ảnh các trận đấu đối với các giải đấu thuộc hệ thống của mình; còn phía VPF họ đã sẵn sàng mọi phương án nếu trong trường hợp xảy ra thua cuộc, thậm chí họ có thể bỏ giải đấu để thành lập giải đấu khác, VPF biết rằng họ đang được sự ủng hộ của dư luận và người hâm mộ.

Thủ tướng Chính phủ mới yêu cầu việc truyền hình các giải bóng đá để phục vụ người dân, Tổng cục TDT yêu cầu đưa tên giải đấu trở về như cũ. Hiện, người hâm mộ chờ đợi kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT- DL về tính pháp lý của bản hợp đồng truyền hình. Cho dù kết luận thế nào đi nữa, sự sứt mẻ trong quan hệ của VPF (đơn vị điều hành giải đấu) và AVG là điều hết sức đáng tiếc. Mong rằng, nếu VPF và AVG cùng ngồi lại với nhau, thương thảo, giải quyết trên tinh thần đôi bên cùng có lợi; mục tiêu phục vụ người hâm mộ nước nhà, đó sẽ là điều tốt nhất dành cho người hâm mộ bóng đá.

2. Vụ cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) ngày 5 tháng 1 đầu tiên cho thấy đây là một vụ có tính chất hình sự, khi người bị cưỡng chế sử dụng chất nổ để tấn công cơ quan công quyền. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự việc, mọi vấn đề được vở lở trong cách điều hành, xử lý công việc của UBND huyện Tiễn Lãng và UBND thành phố Hải Phòng là vô cùng tắc trách, với những phát ngôn “tiền hậu bất nhất”.

Ngôi nhà ông Vươn bị san phẳng, đã có 02 cán bộ bị đình chỉ công tác. (Ảnh: VNN).

Chưa bàn đến những quyết định đúng-sai của việc cưỡng chế thu hồi diện tích đất canh tác mà hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn đang sử dụng; ngay sau khi bị tấn công bởi “bom tự tạo”, ngày hôm sau ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị “san phẳng” mặc dù ngôi nhà này không nằm trong diện giải toả. Khi các cơ quan báo chí vào cuộc, liên tục đưa tin, phản ánh đa chiều về vụ việc, các lãnh đạo có trách nhiệm của huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng liên tục có những phát ngôn trái chiều nhau. Ngoài ra, việc xử lý cũng không hợp lý càng gây bức xúc trong dân. Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sẽ làm việc với UBND thành phố Hải Phòng vào ngày 10 tháng 2, sự việc mới được Hải Phòng thúc đẩy tích cực, nhanh chóng hơn.

Hôm qua 7/2, Bí thư thành uỷ Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã chủ trì buổi họp báo thông báo kết luận đình chỉ công tác đối với 02 cán bộ huyện Tiên Lãng là Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND; bước đầu thừa nhận một số sai lầm, khuyết điểm trong chỉ đạo điều hành của UBND huyện Tiễn Lãng và TP Hải Phòng. Theo ông Thành, đây là bài học đáng nhớ và đáng tiếc cho không chỉ riêng Tiên Lãng, Hải Phòng mà còn là bài học chung cho các địa phương khi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Thiết nghĩ, nếu không có sự chỉ đạo của Thủ tướng, liệu UBND TP Hải Phòng có nhanh chóng kết luận, có các biện pháp xử lý các sai phạm trong sự việc nói trên.

Có quá nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra cho UBND TP Hải Phòng, tại sau một tháng, tại sao phải đợi sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hải Phòng mới có động thái. Bước đầu xử lý cán bộ, bước tiếp theo khởi tố vụ án phá nhà của dân. Liệu những cán bộ đã phát ngôn việc “phá nhà dân” do “nhân dân” tự làm có suy nghĩ, kiểm điểm về những phát ngôn của mình. Quan trí để đâu khi nói rằng, “nhân dân” tự vào phá dỡ nhà ông Vươn, trong khi ông Vươn đã bị bắt, phải chăng việc “kết tội” như vậy để làm xấu đi hình ảnh của một con người.

Câu chuyện Tiên Lãng giờ đã trở thành bài học cho cả nước, câu chuyện không chỉ dừng lại ở phản ứng của một cá nhân trước một quyết định của cơ quan công quyền. Nó còn cho thấy những bất hợp lý trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và vận dụng chính những văn bản đó. Một tháng để cho các cơ quan công quyền của Hải Phòng tìm hiểu kết luận vụ việc, cho dù địa phương nơi xảy ra sự việc chỉ cách TP không bao xa; 30 ngày để các cơ quan công quyền “thu xếp’, tìm cách xử lý hay để các cơ quan công quyền “chấp nhận” cái sai của mình.

3. Từ câu chuyện tranh chấp pháp lý bản quyền truyền hình giữa VPF và AVG đến câu chuyện cưỡng chế thu hồi đất đai ở Hải Phòng, có thể nhận thấy rằng, những đơn vị thực thi trách nhiệm vẫn chưa làm hết chức trách của mình. Mọi việc cứ như trái bóng chuyền đi chuyền lại, không thể đứng ở bên nào. Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ vào cuộc, câu chuyện mới phần nào được giải quyết; điều đó cho thấy một tâm thế của cơ quan công quyền hiện này, việc khó đẩy cho cấp trên, chờ đợi kết luận từ cấp trên. Nếu có sai, cũng là do cấp trên chỉ đạo. Đây quả là sự yếu kém trong điều hành lãnh đạo, cũng là sự non kém về chuyên môn của cán bộ quản lý vì không thực thi được chức trách của mình. Từ đó cho thấy, công tác cán bộ cần được tiếp tục quan tâm, đầu tư, tổ chức một cách bài bản hơn nữa. Cán bộ có tốt, công việc mới xuôi, mong rằng mỗi khi có sự việc, đừng đơn vị nào phải đẩy cho cấp trên, chờ đợi sự chỉ đạo rồi mới tiến hành./.

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất