Cách đây ít lâu, ở cửa hàng sách nọ, lời khen của nhiều nhà văn,
nhà phê bình in dày đặc trên bìa 4, đặc biệt là Lời bạt do một nhà phê
bình văn học nổi tiếng viết: "chỉ chừng khoảng hai mươi năm sau, người
đọc lại đang đứng trước một thách đố mới. Văn mới (nếu có thể gọi như
vậy) xuất hiện ngày một nhiều. Mà khởi xướng cho lần này đa số là các
nhà văn trẻ, thậm chí rất trẻ. Các tác phẩm của họ đa số là tiểu
thuyết, một thể loại vốn quá ngưỡng với tư duy văn học Việt Nam...
Chừng ấy những cái "ngoại biên", "phi/chưa chính thống", "giải trung
tâm"... đó càng làm khó cho sự tiếp nhận văn học hậu - Ðổi mới, tức đổi
mới (không viết hoa) từ dưới lên, này". Và theo nhà phê bình, thì cuốn
sách là "điển hình của văn chương hậu - Ðổi mới. Nó có đầy đủ những đặc
điểm của tiểu thuyết hậu - hiện đại", đã khiến tôi tò mò. Dù không
hiểu các khái niệm "ngoại biên", "phi/chưa chính thống", "giải trung
tâm", "hậu - Ðổi mới", "hậu - hiện đại" là gì, tôi vẫn quyết định mua
cuốn sách để tìm hiểu xem "thách đố mới", "điển hình của văn chương hậu
- Ðổi mới" mà nhà phê bình đã đề cập là như thế nào, liệu đó có phải
là giá trị mới của văn học mà tôi còn chưa biết, hoặc cần phải biết hay
không?
Về nhà tôi đọc ngay, và rất tiếc, dù rất cố gắng nhưng thật sự tôi
không thể hiểu về nội dung cuốn sách. Theo cảm nhận của tôi, đó chỉ là
một văn bản hỗn độn, lắp ghép, chắp vá. Tôi biết mình có thể bị chê
cười vì đã "không đủ tầm để thưởng thức tác phẩm", nhưng tôi vẫn nghĩ
khác: Khi tác phẩm đã xuất bản, nó sẽ phải chấp nhận sự phán xét, thậm
chí sự chê trách của độc giả. Sau lần đó, tôi rút kinh nghiệm bằng cách
luôn cảnh giác với lời giới thiệu in kèm mỗi cuốn sách.
Tôi hiểu tác giả, đơn vị xuất bản phải chọn in các lời khen ngợi trên
bìa thì mới gây hấp dẫn tò mò cho độc giả, như vậy mới bán được sách.
Nhưng chẳng lẽ nhà phê bình nổi tiếng lại viết lời khen một cuốn sách
dễ dãi đến vậy được sao? Tôi có nhu cầu đọc một cuốn sách hay, tôi bỏ
tiền mua sách, tại sao lại đưa tôi đến một lựa chọn nhầm?
Vì tin vào sự khẳng định của cây bút nổi tiếng mà tôi gặp phải trường
hợp đáng tiếc kể trên. Vậy khi đứng trước một rừng tác phẩm mới vừa
xuất bản tôi biết căn cứ vào đâu để tìm cuốn sách hay? Tôi chuyển hướng
mới, đó là tìm đọc thông tin trên báo chí. Tôi nhận thấy có một việc
làm khá phổ biến là một tác phẩm chuẩn bị hoặc mới được xuất bản, lập
tức xuất hiện các bài giới thiệu, quảng bá tác phẩm trên báo chí hay
mạng xã hội; tác giả xuất hiện trên báo chí để trả lời phỏng vấn về tác
phẩm mới của mình, những buổi ra mắt sách rầm rộ với sự xuất hiện của
nhiều nhân vật tên tuổi... Trong thời đại thông tin, kinh tế thị
trường, cạnh tranh như hiện nay, điều này tôi thấy cũng bình thường. Vì
không chỉ nhà xuất bản, tác giả có nhu cầu quảng bá tác phẩm, mà chính
độc giả cũng muốn tìm hiểu thông tin cuốn sách mới, từ đó quyết định
tìm đọc ấn phẩm đó hay không. Tuy nhiên, theo dõi các hoạt động này,
tôi thấy nổi lên một loại hiện tượng khiến tôi phân vân, thậm chí có
phần hoang mang, đó là "hiện tượng sính hình thức" ở một số tác giả.
Thay vì giới thiệu giá trị tác phẩm vừa xuất bản thế nào, tôi bắt gặp
nhiều bài quảng bá rùm beng như: ra mắt tập thơ tân hình thức của nhà
thơ X; tiểu thuyết hậu hiện đại của nhà văn Y mới xuất bản; nhà thơ Z
vừa khởi xướng loại thơ phụ âm... Chưa hết, đọc các bài giới thiệu, phê
bình cuốn sách, cũng như đọc trả lời phỏng vấn của tác giả, tôi thấy
vấn đề thường được nhấn mạnh lại không phải là của nội dung có gì đặc
sắc mà chủ yếu hướng về hình thức thể hiện. Và từ đó một số tranh cãi
xuất hiện, đôi khi khá gay gắt, quanh việc tác giả có viết theo hậu
hiện đại hay không, có phải là tân hình thức hay chỉ là phong cách sáng
tác truyền thống? Ðiều ấy đã làm cho độc giả, dư luận bị mất phương
hướng.
Từ bản thân mình và qua trao đổi với bạn bè, tôi tin là nhiều độc giả
như tôi ít quan tâm tới hình thức tác phẩm. Nếu ai đó quan tâm, có lẽ
cũng là do tò mò, đọc để xem tân hình thức là thế nào; thơ phụ âm làm
ra sao... Nhưng những điều này có lẽ mới chỉ giúp chạm được vào "lớp
vỏ" của tác phẩm văn học. Trong khi thiết nghĩ, điều quan trọng của một
tác phẩm văn học là chất lượng tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm đó
thì, rất tiếc với nhiều trường hợp, các phẩm chất này chỉ được đề cập
một cách chung chung, mờ nhạt, khiến người đọc có cảm giác giờ đây nội
dung tác phẩm chỉ là cái làm nền cho hình thức tác phẩm. Tuy nhiên, mặc
cho nhiều độc giả vừa có phần tò mò, vừa băn khoăn trước nhiều trường
phái sáng tác mới lạ làm tác phẩm hình như ngày càng rắc rối, khó hiểu
hơn thì trên thực tế hiện tượng sính hình thức dường như lại được đón
nhận có phần thái quá ở một số người sáng tác, một số nhà phê bình. Ðọc
trên báo chí tôi thấy, thậm chí một số tác phẩm xuất hiện từ nửa thế
kỷ trước cũng được nhà phê bình sính hình thức phân tích, soi chiếu thế
nào đó để cuối cùng chứng minh tác phẩm và tác giả đã đặt nền móng
hoặc góp phần thúc đẩy chủ nghĩa hậu hiện đại phát triển ở Việt Nam.
Trong khi đó, qua các cuộc trò chuyện về văn học, "cha đẻ" của các tác
phẩm này lại chia sẻ rằng mình viết trong tâm thế hoàn toàn khác, với ý
đồ nghệ thuật khác, chứ không chủ định đặt "viên gạch" để "xây" một
chủ nghĩa nào cả!
Tôi không rõ sự ồn ào thái quá về một số tác giả và tác phẩm có nằm
trong mục đích của đơn vị xuất bản, tác giả hay không, nhưng sự "tiếp
sức" của một số tờ báo, một số nhà phê bình khiến độc giả rối loạn và
hoang mang trong việc đánh giá chất lượng một tác phẩm văn học, nhất là
trước những thông tin coi tác phẩm như là "bước ngoặt quan trọng bậc
nhất"; hay: "như một giá trị khu biệt, thách thức mọi cố gắng định
loại"; hoặc: vừa xuất hiện trên tạp chí nọ, tác phẩm "đã gây kinh ngạc
cho nhiều người, xôn xao văn giới hải ngoại và rồi trong nước"! Theo
tôi, sự tôn vinh thái quá này đã tác động đến nhận thức của người viết
khác, đặc biệt là tác giả trẻ, có xu hướng thích "nổi trội", ảo tưởng về
giá trị của văn chương sính hình thức. Vì thế mới xuất hiện kiểu tuyên
bố: "tôi chấp nhận bán một số lượng giới hạn cũng như có một lượng độc
giả nhất định hơn là đại trà và thừa mứa". Nghe tác giả phát ngôn, tôi
không khỏi thắc mắc bởi "độc giả nhất định" là năm hay 10 người? Nếu
chỉ có thế, việc gì tác giả phải tốn công in một cuốn sách với số lượng
tới 500 cuốn (số lượng rất thấp với mặt bằng chung!) để rồi sách không
bán được, phải xếp xó trong kho? "Ðộc giả nhất định" nào thấy thú vị
khi giữa một bài thơ tác giả lại chen vào giữa với các câu chữ chẳng ăn
nhập gì, đại loại như: "Mà này thế này gọi là "tự sự" hay "độc thoại
nội tâm" hay "dòng ý thức" gì đấy chứ không phải làm thơ đâu nhá"? Ðặc
biệt, tôi thấy tác giả A là trường hợp rất khác lạ. Ông tỏ ra rất hào
hứng với xu thế, trường phái văn học mới của thế giới đến mức cực đoan,
như thể không có tân hình thức, không có hậu hiện đại thì tác phẩm
chẳng có giá trị gì. Thậm chí khi trò chuyện với "fan hâm mộ", tác giả
này lại chê bai, giễu nhại sáng tác của các thế hệ trước như thể đó là
thứ bỏ đi, chẳng đáng giá; và giờ đây một thế hệ mới đã hình thành,
đang tiếp quản nền văn chương nước nhà, có sứ mạng phải thiết lập tiếng
nói mới, phá tan cái gọi là "thành trì cũ". Nói như thế, chẳng lẽ các
tác phẩm văn học trước đây đều vô giá trị, đáng bỏ đi? Vẫn chưa hết,
trong khi tác giả A tự hào, thậm chí khá ngạo nghễ về "đứa con tinh
thần" có hình dáng khác lạ của mình, thì nhà phê bình nọ đã nồng nhiệt
ca ngợi sự xuất hiện tác phẩm của tác giả A tạo ra một "bước ngoặt của
văn học hậu hiện đại bằng cách tạo ra những không gian trò diễn kiểu
khác, những chủ thể với những cấu trúc khác"! Thật kỳ lạ, vì văn chương
đâu phải là sân khấu để tạo ra "những không gian trò diễn kiểu khác"?
Tôi từng hoang mang tự hỏi hay là mình lạc hậu, không bắt kịp xu thế
thời đại, không biết thưởng thức văn học, hay văn chương hiện đại phải
như vậy? May thay, tôi đã được đọc ý kiến của PGS, TS Nguyễn Văn Dân,
khi ông đã chỉ ra: "Có thể nói, thuật ngữ "hậu hiện đại" đang trở thành
một cái mốt trong các diễn đàn văn học", "Không nhất thiết cứ mỗi khi
muốn gây ấn tượng lại phải cầu viện đến thuật ngữ "hậu hiện đại", để
rồi lại phải vất vả cố công tìm kiếm các đặc tính để gán cho nó nhằm
chứng minh cho quyền tồn tại của nó mà thực ra các đặc tính đó lại
chính là của [chủ nghĩa] hiện đại". Ông cũng dẫn một trường hợp nực
cười: "trong cùng một chương sách do cùng một người viết, cùng một hiện
tượng vừa được gọi là "hiện đại chủ nghĩa" lại vừa được gọi là "hậu
hiện đại chủ nghĩa"! Ðiều đó cũng chứng tỏ là khi biên soạn giáo trình
lý luận văn học, nhiều tác giả Việt Nam thấy có người nước ngoài nói
các trường phái kia là hiện đại thì họ cũng nói theo, bây giờ thấy
người khác nói là hậu hiện đại thì họ lại quay sang nói theo là hậu
hiện đại"!
Không ít độc giả hoang mang trước tình trạng nhiễu loạn của văn
chương sính hình thức và đặt câu hỏi: Tình trạng thái quá này liệu có
xuất phát từ tâm lý tự ti và sính ngoại của một số tác giả Việt Nam (vì
phải gắn với trào lưu nghệ thuật nào đó ở phương Tây thì tác phẩm mới
có sự đột phá, có sáng tạo nghệ thuật khác biệt!?). Họ tưởng tượng ra
giá trị và cố gắng chứng minh, song thay vì chứng minh bằng chính chất
lượng của tác phẩm, thì họ lại đưa ra phát ngôn để định hướng độc giả!
Và các tác phẩm sáng tạo theo phong cách "tạp pí lù" đó lại được khoác
chiếc áo "tân hình thức", "hậu hiện đại" mà độc giả không làm sao có
thể hiểu nổi. Tôi nghĩ, đã đến lúc không chỉ đơn vị phát hành hay báo
chí, mà chính tác giả, nhà phê bình cần có trách nhiệm để đặt tác phẩm
vào vị trí đích thực của nó. Chỉ có như vậy mới giúp lành mạnh hóa môi
trường văn chương, giúp người đọc chọn lựa những tác phẩm tốt để thưởng
thức, từ đó thêm niềm say mê, gắn bó với văn chương.