Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 3/2/2015 9:57'(GMT+7)

Phát triển văn học, nghệ thuật vun đắp tâm hồn, tình cảm con người Việt Nam

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi Tổ quốc, Đảng và Bác Hồ.  (Ảnh: Duy Văn/QĐND).

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi Tổ quốc, Đảng và Bác Hồ. (Ảnh: Duy Văn/QĐND).

Trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Đảng ta đã nêu rõ quan điểm về vai trò của văn học, nghệ thuật như sau: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

Trên cơ sở xác định đúng đắn về vai trò của văn học, nghệ thuật, Đảng ta đã đề ra đường lối, chủ trương sát hợp trong từng giai đoạn, từng bước xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Từ truyền thống văn nghệ nhân văn yêu nước thương nòi của dân tộc, một nền văn học, nghệ thuật cách mạng của một nước Việt Nam mới đã ra đời ngay trong khói lửa của các cuộc kháng chiến. Nền văn nghệ mới, cách mạng vừa phát huy truyền thống văn hóa, văn nghệ dân tộc, vừa kết hợp với tinh thần thời đại và tinh hoa nhân loại để sáng tạo nên hàng loạt loại hình mới, hàng loạt công trình, tác phẩm mới, thể hiện khát vọng yêu thương và đấu tranh của con người Việt Nam trong công cuộc kháng chiến cứu nước.

Từ đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam “khoa học, dân tộc và đại chúng” trong “Đề cương văn hóa Việt Nam” (tháng 2-1943), từ tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh cổ vũ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong cùng việc xác định vai trò văn nghệ sĩ-chiến sĩ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy mạnh mẽ cảm hứng của cả một thế hệ văn nghệ sĩ dấn thân vào cuộc đấu tranh kiên cường của dân tộc, quyết vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để giành độc lập, tự do xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới.

Kỳ diệu thay, chính trong những năm tháng dài chiến tranh ác liệt nhất, gian khổ, hy sinh vô bờ bến, một nền thi ca, văn học cách mạng đã ra đời, một nền âm nhạc trong đó có nền ca khúc mới, khí nhạc mới cùng nghệ thuật múa mới ra đời, rồi những nền sân khấu, điện ảnh, những trào lưu nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh… Cùng với mọi biện pháp tổ chức, chăm lo cho sự ra đời, phát triển của các loại hình văn học, nghệ thuật mới là sự nhìn nhận, đánh giá chính xác của Đảng ta về vốn quý ngàn đời của văn hóa, văn nghệ dân gian, về nhu cầu và khả năng sáng tạo của văn nghệ quần chúng. Với các chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp, Đảng và Nhà nước ta đã đưa sự nghiệp bảo tồn, khai thác, phát huy di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật hoạt động đúng hướng, ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần đắc lực xây dựng đời sống văn hóa trong mỗi cộng đồng và toàn dân. Một dân tộc yêu thi ca, một dân tộc ca hát, một dân tộc có cuộc sống văn hóa, tinh thần phong phú là thành tựu cách mạng vô cùng lớn lao của Đảng và Nhà nước ta. Chính thành tựu đó đã bồi đắp cho sức mạnh tinh thần của cả dân tộc để “tiếng hát át tiếng bom” chiến thắng mọi kẻ xâm lược trước đây và chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, thiên tai, lũ lụt; từng bước thực hiện thành công ước mơ lớn đổi mới toàn diện, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Thời kỳ mới, sự nghiệp mới của đất nước mở ra những cơ hội mới, điều kiện mới thuận lợi nhưng đồng thời cũng xuất hiện những thách thức, khó khăn mới cho sự phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Yêu cầu mới của đất nước, nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn học, nghệ thuật của nhân dân thay đổi trong đó có những mặt cao hơn; kinh tế, xã hội vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế tạo nên những đổi thay cùng những biến động mới; các phương tiện thông tin chuyển tải, quảng bá tiến bộ, phong phú… Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế tạo nên sự thay đổi nhanh chóng và sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội và tác động trực tiếp đến chính quá trình sáng tạo, tiếp nhận văn học, nghệ thuật.

Nhìn nhận một cách khoa học và thực tế vào những đổi thay của đất nước cùng những tác động nhiều chiều đến văn hóa, văn học, nghệ thuật, Đảng ta đã kịp thời ban hành những Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII-năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và mới nhất là Nghị quyết 33-NQ/TW (tháng 6/2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Những nghị quyết đó nêu ra những cơ sở lý luận và thực tiễn mới, định hướng mới cho phát triển văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật. Riêng với văn học, nghệ thuật, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nghị quyết chuyên đề này đã đánh giá những thành tựu mới, đóng góp mới, đồng thời thẳng thắn nêu rõ những yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động của văn học, nghệ thuật đã bộc lộ trong những năm qua. Nếu như điều kiện mới của đất nước đã tạo nên sự xuất hiện ngày càng nhiều về số lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật thì về chất lượng, ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước…, tình trạng nghiệp dư hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật có chiều hướng tăng lên. Cùng đó là sự lạc hậu trong hoạt động lý luận, phê bình, sự hạn chế, có lúc chệch hướng trong quảng bá tác phẩm, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, yếu kém. Nghị quyết cũng nêu lên sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp của Đảng, cơ quan Nhà nước còn nhiều bất cập, chậm đổi mới, chưa lường hết được tác động phức tạp, tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường…

Từ những đánh giá sát hợp với thực tiễn, nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu ra các mục tiêu, quan điểm cùng chủ trương và những giải pháp để phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, khẳng định tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm. Nghị quyết cũng nêu rõ việc xây dựng cơ chế lãnh đạo, quản lý khoa học, bảo đảm được định hướng chính trị, khắc phục những hiện tượng mất dân chủ hoặc can thiệp thô bạo đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, cũng như xu hướng thả nổi, không phê phán những tác giả, tác phẩm đi ngược lại các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị tốt đẹp của dân tộc và cách mạng…

Một vấn đề trọng tâm rất đáng suy nghĩ và phấn đấu thực hiện là vị trí, vai trò của văn nghệ sĩ đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung. Nếu như trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta, nhân dân ta đã coi văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn học, nghệ thuật thì hiện nay, vị trí, vai trò đó tiếp tục được khẳng định. Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc” và “Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc”.

Hoàn toàn có thể khẳng định rằng, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị với tầm nhìn khoa học và thực tiễn sâu sắc đã mở ra một môi trường sáng tạo, phát triển mới cho văn học, nghệ thuật nước nhà. Để thực hiện những nội dung yêu cầu, nhiệm vụ nghị quyết đã đặt ra đòi hỏi sự phấn đấu học tập, rèn luyện, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện của các cấp ủy Đảng, của mỗi tổ chức, cơ quan, cá nhân văn nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý.

Nhận thức thực tiễn đang biến đổi của đất nước, cuộc sống của nhân dân là một quá trình, sự đổi mới trong tư duy, phương pháp sáng tạo văn học, nghệ thuật cũng không thể diễn ra trong thời gian ngắn. Trong lĩnh vực đặc thù này cũng không dễ để đặt ra những kế hoạch như trong các ngành kinh tế. Trong những năm tháng đất nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại đà tăng trưởng để tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững, chúng ta đã được chứng kiến những đổi thay, cố gắng của các ngành, các cấp, từng bước thúc đẩy nhiều mặt hoạt động của văn học, nghệ thuật. Những cuộc vận động sáng tác, những giải thưởng, những cuộc thi, liên hoan diễn ra ngày càng nhiều hơn, gắn với sự đầu tư của Nhà nước cùng các nguồn lực, cách làm xã hội hóa. Những hội thảo khoa học, những biện pháp quản lý, điều hành đã kịp thời được đưa ra để nhìn nhân, đánh giá và mở hướng phát triển, chấn chỉnh những sai sót, tiêu cực trong các hoạt động xuất bản, biểu diễn, trưng bày, lễ hội, truyền bá văn học, nghệ thuật cùng các giải pháp đặt hàng, khuyến khích mới…

Những việc làm đó được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Đáng mừng hơn, trong các lĩnh vực, các ngành nghề văn học, nghệ thuật đã xuất hiện những nhân tố mới, những con người trẻ tuổi bộc lộ tài năng, lòng đam mê và trách nhiệm trước cuộc sống… Đương nhiên, tất cả mới chỉ là những bước chuyển đổi ban đầu. Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, để văn học, nghệ thuật nước nhà "nở hoa", đạt những thành quả mới, làm giàu có thêm đời sống văn hóa tinh thần, làm đẹp lên tâm hồn, tình cảm con người Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước là cả một sự phấn đấu không ngừng nghỉ của toàn Đảng, toàn dân và văn nghệ sĩ-những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận quan trọng này./.

Nguyễn Mạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất