Thứ Hai, 7/10/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Hai, 7/6/2021 14:23'(GMT+7)

"Đuối nước" và "Chết đuối"

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mùa hè nóng nực thực sự đến rồi. Việc ra hồ, ra sông, ra biển để nghỉ ngơi, tắm mát là nhu cầu bình thường với mọi người. Nhưng xuống nước, nếu bất cẩn sẽ dẫn tới những rủi ro đáng tiếc. Có nhiều trường hợp bị thiệt mạng liên quan tới sông nước, nhất là trẻ em đã cảnh báo mọi người phải hết sức cẩn thận.

Trên báo chí, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện nhiều tin, bài như: "Hai cháu bé đuối nước trong ao gần nhà ông" (Kenh14.vn); "Tắm ao, 3 học sinh bị đuối nước..." (Kenh14.vn); "Thương tâm, hai học sinh tắm sông bị đuối nước" (plo.vn); "Cứu hai cháu bé, nam thanh niên ở Phú Quốc bị đuối nước" (nld.com.vn), v.v. Ngay trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, các phát thanh viên nói về những tai nạn "đuối nước" cũng đồng nghĩa với "chết do ngạt nước". Khi dùng từ "đuối nước", nhà báo đã mặc nhiên cho từ này có nghĩa "đã chết vì tai nạn liên quan đến nước".

Trước đây, trong giao tiếp tiếng Việt, cộng đồng chỉ dùng từ "chết đuối" để mô tả những trường hợp tai nạn sông nước như thế. Ví dụ: Đắm đò làm 6 người chết đuối; Cháu bé không may ngã xuống ao và chết đuối. Nhưng không hiểu sao, từ "chết đuối" dần dần bị loại bỏ. Vào Google tra thử thì từ khóa "đuối nước" có tới 10.600.000 kết quả, trong khi đó, kết quả tra tìm "chết đuối" là 6.100.000. Hiện tại "cán cân" đang nghiêng về từ "đuối nước" và xu hướng chênh lệch này sẽ tiếp tục tăng lên.

Các chuyên gia y tế định nghĩa "đuối nước" là tình trạng khó thở sau khi bị nước vào đường thở. Đôi khi điều đó xảy ra trong khi bơi hoặc tắm (ao, sông, hồ, biển, bể bơi...) hoặc đơn giản hơn là bị chất lỏng tràn vào miệng, họng, đường hô hấp. Nếu không được trợ giúp khẩn trương trong tình huống khó thở như vậy (cấp cứu), thì có thể dẫn đến tử vong và khả năng tử vong rất cao. Bởi người ta có thể nhịn ăn, nhịn uống một thời gian khá dài, nhưng nhịn thở thì khó có thể lâu được.

Khi ngừng thở, ngộp thở, siết cổ, hay bị sặc nước, cơ thể sẽ thiếu oxy và cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng là hệ thần kinh trung ương, não bộ. Nói chung, tổn thương thường bắt đầu sau 1 phút bị hết ôxy và càng lúc càng nặng dần: Từ 30-180 giây thiếu oxy sẽ mất ý thức; sau 1 phút, tế bào não bắt đầu chết; sau 3 ba phút, nơron (neurone) thần kinh bị tổn thương nhiều hơn, và sẽ có di chứng; sau 5 phút, cái chết sắp xảy ra; sau 10 phút, hôn mê và chắc chắn có di chứng tổn thương não lâu dài; sau 15 phút, không thể nào cứu sống.

Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2020) định nghĩa “Đuối nước” là ở tình trạng kiệt sức vì bị ngạt thở do nước, dễ dẫn đến tử vong. Rõ ràng, đây là một trạng thái bị sặc nước, kéo theo việc hô hấp bị đe dọa và nguy cơ tử vong rất cao. Như vậy, "đuối nước" là từ chỉ ai đó gặp tai nạn liên quan tới nước (bị rơi xuống nước, hay tắm ao, tắm sông, tắm biển... bị chìm do không biết bơi hoặc đuối sức) thì nguy cơ tử vong cao chứ không phải là "tử vong" (như hầu hết các báo chí đưa tin gần đây). Thỉnh thoảng, cũng có báo đưa tin theo nghĩa này, chẳng hạn: "Hai học sinh đuối nước ở Nam Định: Cháu bé thứ hai đã không qua khỏi"(Kenh14.vn). Theo bài báo, trong hai cháu nhỏ bị đuối nước, một cháu khi đưa lên bờ đã chết, cháu thứ hai được đi đi cấp cứu (với hi vọng sống) nhưng cuối cùng cũng đã tử vong.

Thiết nghĩ, chúng ta cần phải điều chỉnh để trả hai từ "đuối nước" và "chết đuối" về đúng ngữ nghĩa mà nó vốn có.

PGS. TS. Phạm Văn Tình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất