(TG) - Với đặc điểm lịch sử và địa lý, ngôn ngữ tiếng Việt có nhiều từ được vay mượn từ nước ngoài như Hán, Pháp, Nga, Anh… Trong đó, ngôn ngữ Hán chiếm tỷ lệ cao nhất.
Theo
TS. Hồ Xuân Tuyên, hiện tượng mượn tiếng nước ngoài để làm phong phú
thêm tiếng nước ta là chuyện không lạ của mọi ngôn ngữ trên thế giới.
Tiếng Việt cũng không nằm ngoài quy luật này. Gần một nghìn năm bị phong
kiến phương Bắc đô hộ, nhưng tiếng Việt của chúng ta đã có một sức sống
mãnh liệt, không bị đồng hóa, mà ngược lại, chúng ta đã mượn ngôn ngữ
Hán để phát triển ngôn ngữ Việt của mình và vẫn giữ được bản sắc dân
tộc.
Bác
Hồ đã từng căn dặn: “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng
nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng có mực. (...)
Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ
thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi
bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu”(1). Cùng với phê phán một số người sính chữ Hán một cách “vô lối” (ví dụ: “ba tháng không nói ba tháng mà nói “tam cá nguyệt”...),
thì Người cũng cho rằng “Nhưng sẽ “tả” quá nếu những chữ Hán đã hóa
thành tiếng ta, ai cũng hiểu, mà cố ý không dùng. Thí dụ: Ðộc lập mà nói “đứng một”, du kích thì nói “đánh chơi”. Thế cũng là tếu”.
Trong
quá trình tiếp biến, có nhiều từ Hán sau khi được Việt hóa trở nên
thông dụng, không còn là nghĩa gốc (thậm chí trái nghĩa với nguyên gốc),
nhưng chúng ta vẫn chấp nhận. Ví dụ, từ “khốn nạn” nguyên nghĩa là khó khăn lúng túng khi nói đến những người lâm vào cảnh nghèo khổ, bần cùng, bí bách (tác phẩm “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, trong thời kỳ đầu dịch sang tiếng Việt có tên là “Những kẻ khốn nạn”), nhưng theo thời gian, chúng ta lại sử dụng từ “khốn nạn” nhằm ám chỉ sự hèn mạt, đáng khinh bỉ, mất nhân cách. Hoặc, cụm từ “Lang bạt kỳ hồ” nguyên nghĩa tiếng Hán nhằm nói về sự lúng túng, khó xử, tiến thoái lưỡng nan (“Lang bạt kỳ hồ” là “Con chó sói giẫm lên cái yếm cổ của nó”), thì chúng ta đã “Việt hóa” để hiểu là lang thang khắp nơi khắp chốn...
Tuy
nhiên, ngoài những từ đã “hoàn toàn Việt hóa”, chuyển nghĩa và trở nên
phổ biến, vẫn còn khá nhiều từ Hán Việt mà chúng ta đã và đang vô tình
sử dụng không chuẩn. Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên
gia ngôn ngữ học về lịch sử, tính tiếp biến, những vấn đề cần lưu ý
trong sử dụng từ Hán Việt... ở đây xin dẫn lại 2 hình thức “sai điển
hình” mà hiện nay không ít phương tiện báo chí - truyền thông thường mắc
phải.
Sai vì sử dụng thừa, lặp từ. Ví dụ: Phía sau hậu trường (“hậu” đã có nghĩa là “phía sau”); Trẻ em vị thành niên (“vị”
nghĩa là chưa tới, “trẻ em” - trẻ con thì đương nhiên chưa tới “thành
niên”, vì thế, đã viết “trẻ em” thì không thêm “vị thành niên”); Sông Đà Giang, Sông Hồng Hà (“giang” là “sông”, “hà” cũng có nghĩa là “sông”, đã viết “sông Đà” thì thôi “Đà Giang”, “sông Hồng” thì thôi “Hồng hà”)...
Có thể liệt kê hàng loạt ví dụ khác như: gia nhập vào; tân gia nhà mới; ngày sinh nhật; người công nhân; nữ tiểu thư, âm thầm và lặng lẽ; xác minh làm rõ; thuốc tân dược; lên đường thượng lộ bình an; toàn thể gia đình nhà ta; cây cổ thụ: làm thực hành...
Sai vì thói quen và không hiểu nghĩa. Ví dụ: “Mãi” là mua (khi nói “khuyến mãi” có thể hiểu là khuyến khích người mua) còn “mại” là bán (“mại dâm”), nhưng vẫn có những bài báo “lẫn lộn” giữa “mua” và “bán” (“khuyến mãi” thì viết thành “khuyến mại”; “mãi dâm” - đối tượng đi bán thành “mại dâm” - đối tượng đi mua...)
Thậm chí, đã có bài báo, văn bản viết là “phải khắc phục cho được những biểu hiện bàng quang trước khó khăn của cơ sở...”, mà không hiểu rằng “bàng quang” là thuật ngữ chỉ một bộ phận của cơ thể của con người, còn “bàng quan” mới là từ Hán Việt mang nghĩa là thờ ơ, đứng ngoài cuộc, không quan tâm.
Tương tự, viết/nói “tham quan” là đúng, nhưng nhiều người lại “sửa” thành “thăm quan”; “chấp bút” lại viết thành “chắp bút”; “trùng lặp” viết thành “trùng lắp”; “nhậm chức” viết thành “nhận chức”; “nền nếp” thành “nề nếp”; lẫn lộn giữa “điểm yếu” và “yếu điểm”; “tri thức” và “trí thức”; “lưu hành” và “lưu thông”...
Mặc
dù với người “dễ tính” thì những điều chưa đúng nêu trên vẫn có thể
chấp nhận được! Tuy nhiên, rất nên chấn chỉnh đối với những “lỗi cơ bản”
- khi nó chưa trở thành “cái phổ biến” trong cách hiểu của mọi tầng lớp
nhân dân. Nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thuỵ Sĩ Charles Bally từng
viết: “Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của
ngôn ngữ ngày hôm nay”. Điều này có nghĩa là những cách nói sai hiện nay
nếu không chấn chỉnh kịp thời thì sẽ trở thành những cách nói đúng
trong tương lai!./.
________________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.5, tr.299.
Minh Triết