Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 7/8/2010 8:55'(GMT+7)

Đường lối văn hoá - văn nghệ một nội dung quan trọng trong công tác tuyên giáo của Đảng

Công tác tuyên giáo của Đảng đã kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của trí thức, văn nghệ sĩ, phân tích các khuynh hướng tư tưởng phản Mác xít tác động vào đời sống văn hoá, văn nghệ ở nước ta, từ đó đề ra các biện pháp đấu tranh cụ thể.

Năm 1935, ở nước ta diễn ra một cuộc tranh luận công khai xung quanh vấn đề quan điểm nghệ thuật: “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Các đảng viên cộng sản đã giới thiệu quan điểm Mác xít về văn học nghệ thuật, nêu rõ văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh dân tộc, chống lại quan điểm văn học nghệ thuật tư sản, phê phán tư tưởng thoát ly đời sống thực tiễn của đất nước của một số trí thức tiểu tư sản.Các lãnh tụ của Đảng đã triệt để sử dụng văn nghệ làm công cụ tuyên truyền cách mạng.

Trong năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Lịch sử nước ta bằng diễn ca giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Nhà thơ Sóng Hồng (tức Trường Chinh) đã viết bài thơ Là Thi sĩ thúc giục các văn nghệ sĩ: “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Nhà thơ Tố Hữu qua các bài thơ Từ ấy, Trăng Trối...thể hiện lý tưởng và khí phách của người cộng sản. Các nhà hoạt động cách mạng qua các sáng tác của mình đã đặt nền móng cho nền văn học yêu nước, cách mạng định hướng phong trào sáng tác văn nghệ trong quần chúng, nhân dân.Năm 1943, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đã vận dụng các quan điểm của Chủ nghĩa Mác, trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình văn hoá nước ta để biên soạn Đề cương về văn hoá Việt Nam. Bản Đề cương đã đề ra 3 nguyên tắc vận động của văn hoá Việt Nam, đó là: Dân tộc hoá, Đại chúng hoá, Khoa học hoá.

Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng đề cập một cách sâu sắc, hệ thống, khái quát những vấn đề cơ bản của văn hoá Việt Nam. Bản đề cương này có thể coi là “tuyên ngôn văn hoá”, “cương lĩnh văn hoá” Việt Nam của Đảng.Trong quá trình vận động cách mạng, Đảng ta nhận thức rất rõ việc đoàn kết toàn dân vào những tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Cuối tháng 2-1943, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương về việc mở rộng Mặt trận thống nhất, Đảng đã tập trung tuyên truyền giác ngộ một số trí thức yêu nước, tiến bộ thành lập Hội Văn hoá cứu quốc vào mùa hè 1943 ở Hà Nội và ra đời tạp chí Tiên phong – cơ quan ngôn luận của Hội, số 1 xuất bản tháng 7-1944. Đến đầu năm 1945 có khoảng 30 văn nghệ sĩ tham gia Hội.Thời kỳ 1945-1954, trong bối cảnh muôn vàn khó khăn của những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ và tiếp đó là giai đoạn toàn dân trường kỳ kháng chiến đánh thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta rất coi trọng công tác văn hoá, đề ra chủ trương “kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến”, vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới, đời sống mới theo chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong cuốn Đời sống mới (20-3-1947): “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết. Không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm...Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm... Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới. Đời sống mới là sự thực hành đạo đức cách mạng: Cần - Kiệm – Liêm – Chính. Việc trước tiên là “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”...

Phong trào xây dựng đời sống mới và phong trào văn nghệ cách mạng đã lan rộng khắp vùng kháng chiến.Năm 1948, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đã trình bày một Báo cáo quan trọng Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam của tại Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai. Đây là một tác phẩm lý luận về đường lối, phương châm văn hoá của Đảng ta, đặt nền tảng xây dựng mặt trận thống nhất văn hoá Việt Nam, đồng thời xác định nhiệm vụ chân chính của những người làm công tác văn hoá trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Báo cáo chỉ rõ lập trường văn hoá: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc”.Năm 1951, trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người khẳng định: “Văn hoá, văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Từ những luận điểm rất cơ bản về văn hoá qua các bài viết, bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo của Đảng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (1951), Đảng ta đã thông qua Luận cương cách mạng Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá dân chủ nhân dân Việt Nam có ba tính chất: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Đồng thời, từ các tổ chức văn hoá, văn nghệ nền tảng: Hội Văn nghệ Việt Nam (1948), Hội Văn hoá Việt Nam (1949), Ban Văn hoá Trung ương (1949), Ban Văn nghệ Bộ Quốc phòng (1949), các tổ chức văn hoá, văn nghệ được phát triển trong toàn đảng, toàn quân, toàn dân nhằm tập hợp đông đảo những người hoạt động văn hoá, văn nghệ từ Trung ương tới cơ sở làng, bản, đơn vị sản xuất, lực lượng vũ trang thành một hệ thống tổ chức thống nhất có nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá Việt Nam theo đường lối văn hoá của Đảng. Nhiều văn nghệ sĩ đã viết bài phân tích sâu sắc quan điểm, đường lối văn hoá, văn nghệ cách mạng, tích cực đấu tranh chống văn nghệ phản động của Pháp; chống lại những nọc độc văn nghệ của địch reo rắc “tâm lý cầu an, sợ chết, thích khoái lạc”, “ dùng văn nghệ mà mở mang ánh sáng tự do và lửa chiến đấu vào vùng địch tạm chiếm”.

Sau ngày hoà bình lập lại, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá mới tiếp tục được phát huy và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng phong trào người mới, việc mới, sau đổi tên là phong trào Người tốt, việc tốt.Trước tình hình văn hoá, văn nghệ có diễn biến phức tạp vào những năm đầu miền Bắc giải phóng, cơ quan tuyên giáo của Đảng đã tham mưu Ban Bí thư mở Hội nghị các đảng viên làm công tác văn nghệ (1956). Hội nghị đã phân tích tình hình văn nghệ, phê phán các quan điểm sai trái đòi văn nghệ phải tách rời sự lãnh đạo của Đảng, đòi tự do sáng tác không có định hướng; phê phán những luận điệu chống chủ nghĩa xã hội qua các bài viết trong sách Giai phẩm mùa xuân, Giai phẩm mùa thu, Giai phẩm mùa đông và báo nhân văn. Tháng 2-1957, Ban Bí thư chỉ đạo Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị đã đến dự và đọc thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) gửi Đại hội, trong đó nhấn mạnh: “Về phần các bạn văn nghệ sĩ thì hiện nay còn những khuyết điểm về mặt tư tưởng và nghệ thuật cần phải khắc phục, ví dụ như: lập trường cách mạng chưa được dứt khoát, rõ ràng, sự hiểu biết về đời sống nhân dân chưa được sâu sắc, còn phạm chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa sơ lược trong sáng tác ...”.

Nêu cao bản lĩnh chính trị, cơ quan tuyên giáo kịp thời tham mưu với Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 6-1-1958 về chấn chỉnh công tác văn nghệ và tham mưu với Ban Bí thư ra Chỉ thị số 109-CT/TW ngày 21-10-1958 về tăng cường lãnh đạo công tác văn hoá.Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960), hệ thống quan điểm chỉ đạo văn hoá, văn nghệ của Đảng được xác định là: “Phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc. Nắm vững phương pháp hiện thực XHCN, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm phản ánh chân thật cuộc sống mới, con người mới, góp phần giáo dục và động viên nhân dân đấu tranh cho cách mạng XHCN và cho sự nghiệp thống nhất nước nhà”. Đây là kim chỉ nam cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, tạo sự đoàn kết thống nhất tư tưởng, động viên văn nghệ sĩ nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, dùng không quân đánh phá miền Bắc. Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chủ tịch ra đời năm 17-7-1966. Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 104-CT/TW ngày 28-7-1965 về công tác văn hoá, văn nghệ trong tình hình mới, xác định nhiệm vụ và vai trò trọng yếu của công tác văn hoá, văn nghệ trong việc giáo dục lòng căm thù đối với bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, cổ vũ tinh thần yêu nước, yêu CNXH, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc.Ở miền Nam, trong vùng địch tạm chiếm, chính quyền Ngụy Sài Gòn đã tiếp tay cho văn hoá nô dịch và đồi trụy phát triển làm nhức nhối mọi người dân yêu nước. Đảng ta đã tiến hành cuộc vận động phong trào quần chúng bảo vệ văn hoá dân tộc, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, bảo vệ tinh thần thanh niên Việt Nam. Tháng 6/1966, 118 văn nhân, nghệ sĩ, ký giả Sài Gòn ra tuyên bố tố cáo văn hoá đồi truỵ, phản dân tộc. Lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc ra đời ngày 7/8/1966. Cuộc thảo luận về bảo vệ văn hoá dân tộc, chống văn hoá đồi trụy được đăng công khai trên báo Tin văn.Từ năm 1960 đến 1975, công tác tuyên giáo đã bám sát cơ sở phát hiện các điển hình cá nhân, tập thể tiên tiến để nhân rộng, gây dựng thành các phong trào văn hoá trong phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ nhân dân tham gia. Đó là các phong trào Người tốt việc tốt, xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nếp sống văn hoá mới, tiếng hát át tiếng bom, phụ nữ ba đảm đang, thanh niên ba sẵn sàng, đưa văn hoá thông tin về cơ sở, tiến quân vào khoa học kĩ thuật... Ở trong Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam phát động phong trào Tiếng loa hoà tiếng súng. Các đội văn công, chiếu bóng, văn nghệ xung kích cùng các văn nghệ sĩ bám sát các mặt trận phục vụ quân dân kiên cường chiến đấu, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.Lực lượng văn hoá và văn nghệ sĩ được tập hợp vào các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Thông qua các tổ chức này, công tác tuyên giáo của Đảng mở các lớp bồi dưỡng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời định hướng hoạt động nghề nghiệp; kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của trí thức, văn nghệ sĩ đề ra các chính sách khuyến khích năng lực sáng tạo, phối hợp đấu tranh chống các quan điểm sai trái nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đặt ra trong mỗi thời kỳ lịch sử. Đội ngũ văn hoá và văn nghệ sĩ đã hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngay từ những ngày đầu theo đoàn quân Nam tiến. Nhiều người anh dũng hy sinh nêu một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ văn hoá, văn nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng.Trong năm 1975, khi đất nước toàn thắng, non sông thống nhất, Đảng đã chủ trương vận động toàn đảng, toàn quân, toàn dân đấu tranh chống ảnh hưởng của văn hoá tư sản, thực dân mới, quét sạch các tệ nạn xã hội cũ.

Từ năm 1975 đến nay, cả nước trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành tựu đổi mới của đất nước đã tác động sâu sắc đến hoạt động văn hoá, văn nghệ. Thời kỳ này, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 13-4-1977 về công tác văn hoá, văn nghệ trong giai đoạn cả nước tiến lên CNXH. Sau Đại hội VI, Ban Tuyên huấn TW căn cứ vào đường lối đổi mới của Đảng, tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 28-11-1987 về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo đưa văn học, nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới. Nghị quyết khẳng định: “Nền văn hoá mới Việt Nam xây dựng trên cơ sở của Chủ nghĩa Mác – Lênin là một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc”.Những luận điểm nêu ra trong Nghị quyết này là tiền đề để đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, xác định rõ những đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng trong đó có xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.Sau năm 1991, trước việc chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô bị sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới rơi vào khủng hoảng và phong trào xã hội chủ nghĩa thoái trào, nhiều luồng tư tưởng phản động chống chế độ xã hội chủ nghĩa được truyền bá và ảnh hưởng vào nước ta trong đó có những quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ. Trong nước xuất hiện một số văn nghệ sĩ viết các tác phẩm văn học nghệ thuật với những quan niệm không đúng về lãnh tụ cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa ra những quan điểm hạ thấp giá trị của nền văn nghệ dân tộc yêu nước và cách mạng, tuyệt đối hóa “tự do sáng tác”, đòi văn nghệ sĩ thoát ly sự lãnh đạo và định hướng chính trị của Đảng. Một số khuynh hướng sáng tác tư sản như kích động bạo lực, truyền bá đồi truỵ, bôi đen chế độ, khơi dậy hận thù dân tộc... xuất hiện trong đời sống văn hoá. Đáng lưu ý là một số trí thức văn hoá, văn nghệ sĩ tự xưng “cấp tiến”, tiên phong “đổi mới” văn hoá, văn nghệ đã viết bài, phát tán tài liệu đưa ra quan điểm sai trái chống lại đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng, phủ nhận lịch sử và thành tựu cách mạng, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, góp phần tạo ra sự “tự diễn biến” trong nội bộ.

Trước diễn biến phức tạp trong đời sống tư tưởng, cơ quan tuyên giáo đã tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) ra Nghị quyết Trung ương 4, ngày 14-1-1993 về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt. Nghị quyết khẳng định: “Nền văn hoá mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và đưa ra 5 tư tưởng chỉ đạo xây dựng nền văn hoá đó.Năm 1998, đất nước đổi mới trên 10 năm, bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế thị trường tác động đến hoạt động văn hoá, văn nghệ thì nhiều mặt tiêu cực cũng xuất hiện ảnh hưởng đến việc xây dựng đạo đức, lối sống trong cán bộ, nhân dân. Thực tiễn phát triển của đất nước đòi hỏi Đảng ta phải nhìn nhận toàn diện, sâu sắc đời sống kinh tế, văn hoá – xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, từ đó đưa ra hệ thống quan điểm, trên bình diện rộng, phù hợp với tư duy của thời đại để thúc đẩy văn hoá phát triển. Cơ quan tuyên giáo đã tham mưu với Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đồng thời tham mưu với Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; Văn hoá là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.

”Từ năm 1975 đến nay, cơ quan tuyên giáo chủ động tổng kết hoạt động thực tiễn văn hoá trên địa bàn cả nước, tham mưu với Đảng đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy các phong trào văn hoá phát triển. Nhiều phong trào văn hoá hình thành và phát triển được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo không khí vui tươi, tin cậy, động viên và giúp đỡ nhau vượt khó khăn, ác liệt chung tay xây cuộc sống mới. Đó là phong trào xoá đói, giảm nghèo, hướng về văn hoá cội nguồn; xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hoá; xây dựng đời sống mới ở khu dân cư; xây dựng môi trường văn hoá trong quân đội; phong trào khuyến học, khuyến nông, khuyến công; phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phong trào xây dựng nhà văn hoá thôn, bản... đã làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Từ thực tiễn sinh động của các phong trào văn hoá ở cơ sở, cơ quan tuyên giáo đã tham mưu với Đảng đưa ra giải pháp rất quan trọng nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá là: “Phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể ngoài xã hội tích cực tham gia phong trào.”Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá có tầm bao quát với những định hướng cơ bản, có ý nghĩa chiến lược về văn hoá nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá chứng tỏ tư duy đúng đắn của Đảng trong chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Đến nay, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã hình thành ở 4 cấp chính quyền trở thành một cuộc vận động văn hoá lớn có sức lan toả sâu rộng trong cả nước, quy tụ nhiều phong trào văn hoá cụ thể, huy động được các nguồn lực xã hội xây dựng đời sống văn hoá tại cơ sở, có tác dụng thiết thực góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, từng bước đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy bản sắc. Trong nhiệm kỳ Đại hội IX của Đảng, năm 2004, Đảng ta đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá. Toàn ngành tuyên giáo đã tham gia vào đợt sơ kết này giúp Ban chấp hành Trung ương ra Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá. Kết luận này đã xác định vị trí của văn hoá trong tương quan với kinh tế và xây dựng Đảng: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội.”Công tác tuyên giáo trực tiếp chỉ đạo, định hướng tư tưởng chính trị các cơ quan ngôn luận của các Hội văn học nghệ thuật, các tổ chức nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, có những hoạt động thiết thực, cụ thể tham gia vào cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thống nhất về tư tưởng và sự đồng thuận của xã hội về đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch chống chế độ XHCN trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ.Năm 2008, cơ quan tuyên giáo giúp Bộ Chính trị đánh gía toàn diện, sâu sắc tình hình văn học, nghệ thuật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá tham mưu với Bộ Chính trị (khoá X) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nghị quyết nhấn mạnh và bổ sung thêm một số quan điểm chỉ đạo sau đây:- “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mĩ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. - Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. - Tài năng văn học, nghệ thuật là vồn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp...”

Như vậy, các quan điểm nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) đã phản ánh đầy đủ, hệ thống tư duy lý luận của Đảng ta về đường lối văn hoá, văn nghệ nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Hệ thống quan điểm đó đã kế thừa được các quan điểm cơ bản của Đảng về văn hoá ở các thời kỳ trước đó, đồng thời đã tiếp thu những tinh hoa lý luận về văn hoá, văn nghệ của thế giới theo tinh thần đổi mới của Đảng. Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp lớn lao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp làm công tác tuyên giáo và đội ngũ các nhà tuyên giáo gắn bó máu thịt với phong trào cách mạng của quần chúng trong từng thời kỳ lịch sử./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất