Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 31/7/2010 16:40'(GMT+7)

Giải pháp cấp bách quản lý game online: Siết cấp phép, xóa bạo lực

Trong suốt 3 giờ, các đại biểu là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, nhà xã hội học, doanh nghiệp lẫn game thủ đã thẳng thắn nhìn nhận tác hại của game online (GO) và đưa ra kiến nghị nhằm quản lý GO hiệu quả, không cực đoan.

Tọa đàm “Game online - quản lý nhà nước và những giải pháp cấp bách” do Báo SGGP tổ chức. Ảnh: MAI HẢI

“Nỗi oan” của GO?

Tác hại của GO đến đâu vẫn đang là đề tài “nóng” trên các diễn đàn, kênh thông tin. Thế nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở chuyện bàn luận từ những trường hợp đơn lẻ theo kiểu mới thấy cây đã nói cả khu rừng!

Ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM, nhấn mạnh: Chúng ta chưa có một nghiên cứu chính thức, quy mô về tác hại của GO để làm căn cứ khoa học. Thay vào đó, từ một vài người chơi GO có tác hại xấu rồi kết luận chung cho một tổng thể là thiếu công bằng.
 
Cụ thể hơn bằng khảo sát của ngành giáo dục, ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Đợt khảo sát tình hình học sinh, sinh viên chơi GO từ tiểu học đến cao đẳng, đại học cách đây 2 tháng cho thấy, GO không phải là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực học đường mà những hành vi xấu ở lứa tuổi này chủ yếu bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh như gia đình, hàng xóm… Nhưng tác hại của GO là ở sự kích thích gây “nghiện” làm ảnh hưởng đến sức khỏe, học hành sa sút dẫn đến bỏ học, phạm tội. Để ngăn chặn, cần phải có sự kết hợp từ nhiều phía.

Game online, trò chơi trực tuyến đang thu hút nhiều thanh thiếu niên. Ảnh: MAI HẢI
Theo khảo sát sơ bộ tại TPHCM, gần 90% HS chơi GO tại nhà chứ không phải ở tiệm net, thời gian HS chơi GO nhiều nhất là khoảng thời gian ở nhà từ chiều đến tối. Năm học này, Sở GD-ĐT sẽ đưa chuyên đề về GO vào bàn bạc và phối hợp chặt cùng phụ huynh học sinh  quản lý giờ chơi của trẻ. Sở cũng kiến nghị với TP mở chuyên đề rèn luyện ý thức về GO trong giáo trình.

Dẫn chứng từ câu chuyện của chính mình, luật sư Trần Vũ Hải của Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ: “Cách đây vài năm, con trai tôi cũng nghiện GO, sau đó tôi kiểm soát giờ chơi, tài chính… Giờ cháu vẫn chơi nhưng điều độ hơn. GO là loại hình dịch vụ văn hóa mà người chơi có quyền lựa chọn cái hay, hấp dẫn để chơi theo quy luật thị trường. Nó có tác hại xấu khi dùng “quá liều”. Chúng ta không nên chỉ trích hay cấm tiệt nhu cầu giải trí cơ bản của người dân mà thay vào đó hãy quản lý GO bằng những biện pháp được luật hóa và khả thi”.

Ông Phi Quân, Thư ký Tòa soạn Tạp chí PC World nêu lên khía cạnh khác: “Nếu cấm GO thì lập tức người chơi sẽ tìm đến các dịch vụ nước ngoài. Khi đó, chúng ta không thể quản lý cả về kinh tế lẫn lợi ích cộng đồng. Quan trọng không kém là nền công nghiệp nội dung số non trẻ không thể phát triển”.

Cân nhắc liều lượng và mức độ

Khảo sát của Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TPHCM, hiện có hơn 60 GO, trong đó có tới 43 trò chơi nặng tính bạo lực, 3 trò chơi có tính cờ bạc, cần phải cấm nhập khẩu, hoặc các nhà phát hành buộc phải loại bỏ các yếu tố nặng tính bạo lực.

Ông Trần Vĩnh Sa, Phó phòng Thông tin – Điện tử, Sở TT-TT, cho biết tới tháng 3-2010, người sử dụng internet tại nhà hiện nay ở TPHCM có thể lên tới 80%. Sở TT-TT TPHCM đã kiến nghị Bộ TT-TT quy định các nhà phát hành dịch vụ GO đóng cửa trước 23 giờ để buộc game thủ dừng chơi.
 
Ông Trương Hoài Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam  lưu ý, quản lý chặt chẽ là yêu cầu cấp thiết nhưng việc dừng game lại không hề đơn giản. Nếu dừng game với những doanh nghiệp đã mua hàng triệu USD, ai sẽ chịu trách nhiệm? Muốn sửa (loại bỏ những yếu tố bạo lực) cũng cần có thời gian, vì nhà sản xuất nước ngoài mới có thể trực tiếp sửa game… Thêm nữa, đến nay vẫn chưa xác định được nội hàm “bạo lực” cụ thể là như thế nào. Như vậy, mọi việc nếu muốn làm cũng cần có lộ trình, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
 
Theo ông Phi Quân, cái thiếu của nước ta so với các nước như Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc… là thiếu “hệ thống đánh giá thương mại”, bao gồm cả những đánh giá về tính bạo lực, sex, cờ bạc… trong các sản phẩm giải trí (GO, phim ảnh, nhạc…). Nếu chúng ta có hệ thống đánh giá, phụ huynh sẽ biết được các sản phẩm GO nào tốt, phù hợp với con em mình.

Vậy phải quản lý GO như thế nào để vừa ngăn ngừa tác hại xấu vừa thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp số? Để vẹn cả đôi đường, nói như TS Trịnh Hòa Bình của Viện Khoa học xã hội Việt Nam: quản lý GO cần được cụ thể hóa bằng luật. Nhà quản lý không thể cắt mà nên là “bà đỡ” cho ngành công nghiệp số phát triển. Cần có những tiêu chí cụ thể, nghiêm ngặt để thẩm định và cấp phép hoạt động, hạn chế tác hại xấu của GO. GO cũng có những tiện ích mà chúng ta phải sống chung và quản lý nó.

Đứng ở góc độ xã hội, Th.S giáo dục học Phạm Phúc Thịnh đề xuất: Để hạn chế tác hại của GO, tức là không để người chơi bị “nghiện”, mà chỉ đơn thuần là giải trí điều độ, chúng ta cần có nhiều sân chơi hơn cho giới trẻ. Đồng thời, nên cấp “chứng minh thư điện tử” để quản lý giờ chơi của các game thủ.

GO thuần Việt: Không dễ!

Ông Trương Hoài Trang khẳng định: GO cũng có trò bạo lực và trò không bạo lực, cũng có nhiều trò thuần giải trí. Người chơi chỉ lựa chọn những GO hay, hấp dẫn và đó là lợi ích kinh tế của doanh nghiệp mà người quản lý phải nghĩ đến bài toán này.

Là người phụ trách nội dung của GO thuần Việt duy nhất hiện nay là GO Thuận Thiên kiếm, ông Phạm Trường Giang kể: “Để đi xin phép cho một GO Việt khó gấp nhiều lần GO nhập khẩu. Mặt khác, người chơi chê GO thuần Việt thiếu sáng tạo, ít đối kháng nên không thu hút. Trong khi đó, chúng tôi cứ nơm nớp chuyện “đụng” lịch sử, nhạy cảm trong cách đánh giá của hội đồng thẩm định...”.

TIÊU HÀ – KIÊN GIANG-SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất