Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 31/7/2010 16:40'(GMT+7)

Quản lý hoạt động biểu diễn: Chồng chéo, nhiều bất cập

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng luôn hấp dẫn khán giả bằng giọng hát và phong cách biểu diễn. Ảnh: AN DUNG

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng luôn hấp dẫn khán giả bằng giọng hát và phong cách biểu diễn. Ảnh: AN DUNG

Thẻ hành nghề cấp hay đừng?

Tại hội nghị, vấn đề cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ biểu diễn lại được nhắc đến như một giải pháp quản lý đối với các hoạt động biểu diễn lộn xộn hiện nay.

Theo ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT-DL TPHCM, việc tái cấp thẻ hành nghề sẽ giúp cho cơ quan quản lý làm việc thuận lợi và hiệu quả hơn khi có quá nhiều chương trình nghệ thuật mà lực lượng kiểm tra thì mỏng.

Bên cạnh đó, tái cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, ngoài việc ngăn chặn tình trạng xuống cấp của nghệ thuật biểu diễn như hiện nay, còn giúp khẳng định danh hiệu và thương hiệu của người nghệ sĩ chuyên nghiệp, khuyến khích các nghệ sĩ tự thấy rằng mình được Nhà nước công nhận thì phải có trách nhiệm hơn trong nghề nghiệp - ông Võ Trọng Nam nói.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng luôn hấp dẫn khán giả bằng giọng hát và phong cách biểu diễn. Ảnh: AN DUNG

Cùng quan điểm này, NSƯT Hoàng Cúc, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho rằng thẻ hành nghề là cần thiết vì đây không chỉ là cách khẳng định nghề nghiệp mà còn là sự tôn vinh dành cho những người theo đuổi con đường nghệ thuật. Thật là không công bằng khi các nghệ sĩ của các đoàn công lập muốn bước lên sân khấu thì phải qua nhiều cửa ải tuyển chọn trong khi nghệ sĩ tự do lại có thể thoải mái bước lên sân khấu bất cứ lúc nào.

Về thủ tục, bà Cúc nhấn mạnh, làm nghiêm túc nhưng cũng cần đơn giản hóa, các nghệ sĩ công lập thì đã có phòng hành chính của đơn vị lo giúp, các nghệ sĩ tự do, thì cơ quan chức năng cần tạo cơ chế cho họ đăng ký và được đánh giá về nghệ thuật.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) lại cho rằng không nên duy trì loại hình này một phần vì đó cũng là một loại giấy phép con, phần khác thì đây có thể được coi là “rào cản” với hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Ông Chương nói thêm, để trở thành một ca sĩ, diễn viên… giỏi được công chúng thừa nhận thì mỗi người đều phải có một thời gian dài trải nghiệm và lăn lộn trên sân khấu. Những người làm nghệ thuật trẻ tuổi thì kinh nghiệm sân khấu lại là một nhu cầu thiết yếu để trưởng thành nhưng thẻ hành nghề chỉ dành cho những người chuyên nghiệp, điều này cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp cánh cửa nghệ thuật với những người trẻ tuổi.

Theo ông Chương, quản lý hoạt động nghệ thuật không thể áp dụng nguyên tắc, quy chế một cách cứng nhắc mà tùy theo đặc tính mỗi vùng miền, người quản lý nên có cách phương pháp và cách làm việc khác nhau nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ hành nghề. Thực tế từ việc cấp thẻ hành nghề trước đây không phát huy được tác dụng như mong muốn.

Hát nhép, cấm có khả thi?

Trong quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức nghệ thuật quy định nghiêm cấm dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật của mình. Tức là không dùng giọng hát thu sẵn để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn, gọi nôm na là hát nhép trong khi biểu diễn.

Theo “Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng” ban hành kèm Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ, việc “hát nhép” hay nói cách khác là dùng giọng hát thu trong băng, đĩa để thay cho giọng hát thật bị cấm.

Về việc xử phạt, hành vi hát nhép cũng được quy định rõ tại Nghị định 75/2010/NĐ-CP là phạt tiền từ 3 - 6 triệu đồng đối với hành vi dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện kỹ thuật âm thanh khác đã thu sẵn để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn.

Mức phạt này đã tăng nặng hơn so với trước, song thực tế cho thấy việc giám sát, phát hiện cũng như xử phạt các trường hợp vi phạm quy định cấm hát nhép dường như không được lưu tâm đúng mức. Ngay chính bản thân các nghệ sĩ cũng nhiều lần lên tiếng trên báo chí cho rằng cấm hát nhép là chuyện “xưa như trái đất”, tại sao cứ phải ra nhiều văn bản đến vậy trong khi chỉ ra lệnh “cấm” rồi để đấy.

Bao năm nay lệnh cấm hát nhép có mà như không, người hát thật, người hát nhép lẫn lộn, khán giả thì bức xúc, giận dữ, nghệ sĩ hát bằng giọng thật cũng thấy bất bình khi thấy đồng nghiệp hát nhép tràn lan, chạy show nhiều, vừa được lợi về kinh tế lại không mấy tổn hại về thanh sắc.

Nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết triệt để việc này thì cần phải định nghĩa rõ ràng, rành mạch về dùng phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật là gì? Đặc biệt đối với các chương trình truyền hình phát sóng trực tiếp cũng phải có quy định rõ ràng khi nào phải hát thật, nếu được hát nhép thì được hát bao nhiêu phần trăm... Đồng thời, cũng phải có các biện pháp xử phạt với các đơn vị “dung túng” cho hành vi được coi là “lừa dối” khán giả.

Bên cạnh đó, những vấn đề như đơn vị nào cấp phép biểu diễn trong các chương trình truyền hình trực tiếp, hay tần suất tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan; có gộp chung quy chế biểu diễn nghệ thuật với quy chế biểu diễn thời trang hay không… cũng đã được đưa ra thảo luận.

Sau khi tập hợp ý kiến đóng góp việc thực hiện Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức nghệ thuật chuyên nghiệp, lần này Cục sẽ bắt tay xây dựng nghị định về quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo chiều hướng rộng và chắc chắn hơn so với quy chế - ông Vương Duy Biên, Phó Cục trưởng Cục NTBD cho biết. 

VĨNH XUÂN-SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất