Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 26/7/2010 20:31'(GMT+7)

Gìn giữ và phát huy âm nhạc Chăm

Hơn ai hết, họ - những người con của dân tộc Chăm, Khmer, luôn đau đáu việc làm thế nào để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống thông qua các hoạt động giao lưu, biểu diễn, sáng tác. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhất là mảng âm nhạc của các dân tộc thiểu số tại TPHCM, ngày càng bị co hẹp.

Cách đây vài năm, nhóm ca nhạc dân tộc Chăm quận Phú Nhuận hoạt động sôi nổi nhưng nay thì vắng lặng, nhóm Hương Chăm Pa ở quận 5 cũng thỉnh thoảng mới xuất hiện trong vài chương trình. Vì thế, có không ít những người sáng tác nhạc dân tộc Chăm đã chùng tay viết, nén lại nỗi niềm say mê với những giai điệu, lời ca. Ngược lại, chạy theo thời thế, một số sáng tác mới lại chọn dòng nhạc trẻ để tư duy, cho ra đời những ca khúc lời Chăm nghiêng về khuynh hướng hiện đại, thiếu vắng hẳn những giai điệu ngọt ngào, đậm đà cái tình, cái nghĩa và gắn với đời sống tinh thần dân tộc Chăm.

Chị Basiroh, đầu tàu của nhóm ca nhạc dân tộc Chăm quận Phú Nhuận, chia sẻ: “Tôi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của nhóm bằng việc đào tạo cho 10 em thiếu nhi nhằm tạo sân chơi giải trí cho các em, phục vụ văn nghệ cho cộng đồng người Chăm tại TPHCM. Mặt khác, duy trì hoạt động của nhóm tức là tôi tự tìm lối ra cho những sáng tác của mình và những tác giả nhạc Chăm. Ngày nay, cũng có một số người Chăm sáng tác những bài mới nhưng mang âm hưởng nhạc trẻ, hơi lạc điệu với âm nhạc Chăm”.

Không chỉ thế, Basiroh cũng rất trăn trở việc bản quyền âm nhạc. “Hiện nay đã xảy ra tình trạng nhiều người lấy các sáng tác của tôi thay phần lời rồi tự nhận là sáng tác tự biên của họ. Vấn đề bản quyền âm nhạc đối với người Chăm cũng rất cần được quan tâm để khơi nguồn sáng tạo”, chị nói.

Đạo diễn, biên đạo múa Đàng Quang Dũng bày tỏ nỗi niềm: “Tôi từng dàn dựng các chương trình ca múa nhạc dân tộc Chăm cho các đài truyền hình, trong các chương trình chào mừng các ngày lễ lớn, làm CD, DVD, xây dựng duy trì hoạt động của nhóm Hương Chăm Pa, cũng chỉ vì mong muốn góp sức bảo tồn các giá trị văn hóa và quá trình phát triển của âm nhạc dân tộc Chăm. Tôi chỉ buồn là có quá hiếm người Chăm theo ngành nghệ thuật có đi học qua trường lớp. Ngay như với nhóm Hương Chăm Pa, hiện vẫn duy trì hoạt động với 25 em, nhưng trong đó có đến 90% em là người Kinh. Các bạn trẻ Chăm nên chịu khó theo học các trường lớp chính quy để được đào tạo bài bản, góp phần phát triển văn hóa nghệ thuật dân tộc mình”.

Anh Quảng Đại Hội - cựu giảng viên Đại học Sài Gòn, một tay sáng tác không chuyên được cộng đồng dân tộc Chăm yêu mến qua sáng tác Ngày cưới bộc bạch: “Những người sáng tác nhạc Chăm, nếu có viết nhiều cũng không có chỗ để phát huy. Tôi hy vọng Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc TPHCM tạo thêm sân chơi cho anh em giao lưu, hát với nhau bằng tiếng Chăm, Khmer hoặc tiếng Hoa… để góp phần giữ gìn những nét văn hóa, âm nhạc các dân tộc”.

Sự tồn tại và phát triển của văn học nghệ thuật, nhất là lĩnh vực âm nhạc của các dân tộc tại TPHCM, là mảng màu văn hóa đa sắc, độc đáo, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, thắt chặt tình tương thân tương ái giữa các dân tộc anh em. Vì vậy, rất cần các đơn vị, ban ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ nhiều hơn trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống vốn có của các dân tộc.

Thúy Bình-SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất