Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 4/8/2010 6:45'(GMT+7)

Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người

Các đại biểu dự phiên khai mạc Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài- 2010. (Ảnh minh hoạ)

Các đại biểu dự phiên khai mạc Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài- 2010. (Ảnh minh hoạ)

Trước thực tế mọi mặt trong đời sống đang diễn ra nhanh chóng và đầy biến động như hôm nay, đòi hỏi các nhà văn phải chinh phục nó để kiên định mục tiêu "văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa". Trên hành trình lớn đó, Đại hội XI của Đảng tổng kết kinh nghiệm Đổi mới và vạch ra chiến lược xây dựng đất nước thành nước công nghiệp phát triển vào nửa thế kỷ XXI. Chiến lược xây dựng kinh tế-xã hội gắn liền với chiến lược xây dựng con người càng làm nổi bật vai trò và trách nhiệm của nhà văn. Cần làm cho tiếng nói của nhà văn tham gia đầy trí tuệ vào những vấn đề hệ trọng của đất nước, tác động sâu xa đến từng ngõ ngách của tâm hồn, bồi đắp không mệt mỏi cho việc hoàn thiện con người và xây dựng môi trường xã hội giàu nhân tính. Đây là một nhiệm vụ vô cùng gian khổ, công phu, có khi tiến hai bước lùi một bước, rồi lại tiếp tục tiến lên.

Nhiệm vụ mục tiêu không có gì thay đổi. Nhưng điều kiện, hoàn cảnh xây dựng con người trong xã hội công nghiệp và tác động của thị trường hoàn toàn khác trước. Đó là những con người có lịch sử, có nguồn gốc, hiện diện như những sinh thể văn hóa, là một khối bí mật, rất gần mà cũng rất xa, vừa hiểu được vừa chưa bao giờ hiểu hết. Đó là những con người tất bật với bao nhiêu công việc mưu sinh hàng ngày, dồn sức chăm lo gia đình và bản thân nhưng lại vô cùng thao thức về những vấn đề sống còn của đất nước. Vẫn là họ hôm qua, nhưng đang từng ngày đổi khác. Quá trình hiện đại hóa cuộc sống cũng chính là quá trình hiện đại hóa nhân cách, giúp con người vươn lên những tầm cao mới.

Các nhà văn có thể đón trước được xu thế mới mẻ đó hay không? Sức mạnh của văn học có thể làm gì để tạo ra chiều kích mới cho con người? Là nhà văn, chúng ta tham gia chuẩn bị về văn hoá cho con người như thế nào để giúp họ vững bước trên hành trình mới của dân tộc và thời đại? Biết bao vấn đề phát triển của thời bình đặt nhà văn vào một cuộc đối thoại mới nóng bỏng, bức thiết không kém gì những năm tháng chiến tranh.

Với sứ mệnh cao cả đó, tiếp tục những thành tựu đã đạt được, nhiệm vụ trọng tâm của văn học là tập trung sức sáng tạo của toàn đội ngũ, phấn đấu để có nhiều tác phẩm hay. Đó là những tác phẩm kết tinh tài năng và tâm huyết nhà văn, có giá trị sâu sắc về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng xây dựng tình cảm, tâm hồn, nhân cách và lẽ sống. Tác phẩm hay là danh dự của mỗi nhà văn và là mục tiêu phấn đấu không mệt mỏi của mỗi chúng ta.

Để có được tác phẩm hay, chúng ta chủ trương đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa đời sống văn học của đất nước, tạo một không gian rộng rãi, cởi mở cho lao động sáng tạo, khuyến khích mọi tìm tòi, thể nghiệm. Chúng ta hiểu rằng, tạo ra một bước bứt phá, tạo ra cái mới đích thực là vô cùng nhọc nhằn và khổ đau. Thái độ của chúng ta là phải biết chờ đợi, kiên nhẫn chờ đợi, trân trọng từng câu chữ, từng trang viết, hết sức tránh phê phán, chối bỏ một cách vội vã làm thui chột tài năng. Ứng xử với văn học là ứng xử với con người.

Bản chất của văn học là lấy sự sống tác động lại sự sống. Do đó cái mới trong văn học trước hết là cái mới từ cuộc sống, cái mới trong đời sống. Quay lưng với đời sống là đứng bên bờ vực thẳm. Không đứng vững trên mảnh đất của cuộc sống dân tộc thì sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài dễ rơi vào sao chép, dẫm phải cái bóng của người khác. Trong khi hoan nghênh các nhà văn trở lại với các đề tài về lịch sử và kháng chiến, chúng ta ưu tiên hàng đầu cho các đề tài hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa về mặt kinh tế, dân chủ hóa về xã hội, văn hóa về tổ chức đời sống.

Yêu cầu hàng đầu hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng sáng tác và lý luận phê bình. Mọi hoạt động văn học phải phục vụ tốt nhất cho trọng tâm xuyên suốt này. Muốn vậy, cần tổ chức đồng bộ nhiều cách đi thực tế và cung cấp thông tin để nhà văn tích luỹ vốn sống, bắt kịp yêu cầu của bạn đọc, đòi hỏi của xã hội. Giúp nhà văn tiếp cận với thực tiễn. Mở rộng các hình thức xã hội hóa văn học cả đầu vào và đầu ra. Tạo mọi điều kiện giúp từng nhà văn bám sâu ở cơ sở. Đối với những tác giả tình nguyện đi sâu và ở lâu tại cơ sở có thể được nhận khoản hỗ trợ thường xuyên theo khả năng của Hội. Tổ chức câu lạc bộ văn học. Thường xuyên cung cấp thông tin vĩ mô và vi mô, thông tin đa ngành và chuyên ngành cho các nhà văn. Bắt kịp với thời cuộc, cập nhật thông tin, mở rộng tầm nhìn, đối với nhà văn là một nhu cầu cấp bách thường xuyên. Nhà văn phải đi đầu trong xã hội học tập. Muốn chuyển tải các giá trị văn hoá nhà văn phải là nhà văn hoá. Muốn dẫn dắt và soi sáng, nhà văn phải là những nhà tư tưởng. Cải tiến công tác giải thưởng. Tác phẩm xuất bản năm nào xét giải thưởng năm đó. Trước mắt tăng gấp đôi giá trị giải thưởng hàng năm. Cần kiện toàn mạnh mẽ Hội đồng chuyên môn, với chức năng quan trọng nhất là Hội đồng nghệ thuật, thẩm định, xem xét các giá trị với thái độ rộng mở, công tâm, trân trọng mọi tài năng.

Một trong những nhiệm vụ đem lại sức sống mới cho các hoạt động lý luận, phê bình; tạo điều kiện cho lý luận phê bình làm tốt chức năng dẫn dắt, soi sáng, mở rộng nhận thức lý tính, thẩm định giá trị, tác động mạnh mẽ vào sáng tác. Đa dạng hoá và sinh động hoá các cuộc toạ đàm, hội thảo, đối thoại với bạn đọc về tác phẩm của nhà văn. Tiến hành thảo luận sâu rộng về sự chuyển đổi hệ giá trị với những tham chiếu về xã hội, lịch sử và văn hoá. Trên cơ sở quy hoạch đội ngũ để khai thác thế mạnh của các thế hệ thông qua hình thức đặt hàng và đầu tư chiều sâu. Tăng cường đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình tại các cơ quan báo chí của Hội, khắc phục tình trạng mờ nhạt, dễ dãi, nặng về điểm sách hiện nay.

Mở rộng giao lưu văn hóa và quan hệ hợp tác với nước ngoài. Ưu tiên hàng đầu cho công tác này là tuyển chọn giới thiệu tinh hoa văn học Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời với tiếp nhận tinh hoa văn học của thế giới. Tổ chức tốt Hội nghị nhà văn ba nước Đông Dương lần thứ tư và Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba, tham gia một số Hội chợ Sách quốc tế. Xây dựng Dự án Quảng bá văn học trong tầm nhìn 2010-2020, thành lập trung tâm dịch thuật với sự giúp đỡ của Nhà nước. Tạo mọi điều kiện để hội viên tham gia giao lưu văn học với nước ngoài. Hoan nghênh và tạo mọi điều kiện để các nhà văn người Việt Nam đang sống ở nước ngoài hướng về Tổ quốc tham gia các hoạt động văn học và trao đổi nghề nghiệp với các nhà văn trong nước.

Mục tiêu phát triển văn học 5 năm tới và các năm sau, Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, giải quyết xây dựng, ban hành luật văn học, làm cơ sở pháp lý để phát triển văn học thống nhất và bền vững. Sớm thể chế hóa Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị thành cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu phát triển văn học ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, quan trọng nhất là đầu tư kinh phí cho hệ thống thư viện từ cơ sở đến trung ương. Giao chỉ tiêu mua sách văn học cho thư viện các cấp. Đó là giải pháp đột phá đưa tác phẩm của nhà văn đến công chúng và mở rộng thị phần văn học. Trong chiến lược phát triển văn hóa, việc tăng cường đưa sách văn học vào nhà trường là một nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu và lâu dài. Mặt khác, giúp đỡ nhà văn thực hiện Dự án quảng bá văn học tầm nhìn 2010-2020, Dự án cung cấp thông tin cho nhà văn, Dự án xây dựng Nhà in của Hội. Tạo điều kiện đưa Bảo tàng Văn học Việt Nam hoạt động trong hệ thống bảo tàng quốc gia…

Chúng ta đang tiến sâu vào thế kỷ 21, thế kỷ của thông tin, của kinh tế tri thức, thế kỷ xây dựng đất nước thành một quốc gia cường thịnh và phát triển. Đó là thế kỷ giải phóng các tiềm năng của con người, đó cũng là thế kỷ cần nạp năng lượng tối đa cho con người. Trước hết, đó là văn hóa, năng lượng kỳ diệu giúp con người thực sự trở thành Con Người, với tư cách vừa là những chủ thể riêng rẽ vừa là thành viên của cộng đồng trách nhiệm. Trong cuộc chuyển đổi vĩ đại của dân tộc, các nhà văn chúng ta nhận lấy sứ mệnh nạp năng lượng tinh thần cho xã hội, dồn hết tâm huyết và tài năng vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người./.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất