Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 5/7/2009 21:55'(GMT+7)

Ðường lối văn hóa, văn nghệ và lý luận, phê bình - yếu tố cấu thành sự lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)


Ngày nay, muốn phát triển văn hóa, văn nghệ trước hết phải đổi mới công tác quản lý, lãnh đạo. Muốn đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý văn nghệ phải dựa trên đường lối văn nghệ, phải dựa vào lý luận, phê bình. Còn hành động thì tác động bằng chính sách đầu tư, bằng tiếp cận đội ngũ sáng tác, bằng cách nhìn rộng rãi trong sự hiểu biết và tôn trọng đối với công việc sáng tạo. Lâu nay có cách làm là bên cạnh mục tiêu văn hóa, đôi khi nhấn mạnh, thậm chí đề cao tính chất công cụ, yêu cầu phục vụ mà không thấy hết sự phong phú, phức tạp của lao động nghệ thuật, và hình thức thẩm mỹ. Thực chất của việc đổi mới là đưa lý thuyết và hành động quản lý trở về với đặc trưng bản chất của nghệ thuật, giúp nó phát triển nó. Làm sao cho công tác quản lý, lãnh đạo không lẫn giữa tính nguyên tắc, thái độ tôn trọng sáng tạo, sự sáng suốt nhân văn chính trị với những biểu hiện buông lỏng. Ðó là những lý luận và hành động phù hợp quy luật phát triển. Không bỏ qua những gì thuộc giá trị văn hóa, không coi nhẹ những phương hướng và chính sách có lợi cho sáng tạo, cho phát huy tối đa những tài năng. Ðó là công tác quản lý hữu ích cho văn hóa, văn nghệ, cho quốc gia dân tộc.

Quản lý, lãnh đạo văn hóa cần phải có lý luận khoa học và hành động tinh tế, tránh bảo thủ trì trệ nhưng cũng không thể nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, nhất là phủ định cái đã qua, si mê thái quá cái mới. Bài xích hoặc sùng bái đều không phải là cách quản lý, lãnh đạo văn hóa. Cách tân văn hóa không phải là sự phủ nhận hoặc hạ bệ mà phải tiếp thu chọn lọc quá khứ và tinh hoa nhân loại làm hành trang cho mình, đó là tất yếu văn hóa và lịch sử cần thiết. Nhưng đó không phải là hành động đơn giản theo ý muốn chủ quan và những gì mình mong muốn, phải hành động theo quy luật khách quan, làm theo lý luận khoa học của lĩnh vực này mà thế giới đang hướng tới.

Ðã đến lúc phải có cách tiếp cận hiện đại linh hoạt trong lĩnh vực quan trọng này. Lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ bằng chỉ thị, nghị quyết nhưng phải dựa trên những nguyên tắc, dựa vào lý luận, phê bình. Lý luận, phê bình văn nghệ trước hết thể hiện tính nghệ thuật, tính khoa học và đương nhiên có thái độ chính trị. Thái độ ấy thể hiện những quan điểm chính thống. Lãnh đạo phải là người giám khảo công minh khi đánh giá tác giả tác phẩm, trào lưu, cho nên phải dựa vào nguyên tắc nghệ thuật và khoa học. Ðường lối văn hóa, văn nghệ phản ánh bản chất và mục tiêu của văn hóa và văn nghệ. Ðường lối đúng thuyết phục công chúng và nghệ sĩ, hướng tới chân lý. Khuyến khích cái hay cái đúng, ngăn chặn cái xấu cái dở và phải có ích cho chính trị và cả cho văn hóa. Văn hóa tốt đẹp chính là mục tiêu của chính trị đúng đắn. Phải lo cái lâu dài toàn bộ trước khi tính đến cái nhất thời. Văn hóa là cái lâu dài, cái còn lại sau tất cả những cái sẽ đi qua. Thí dụ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, muốn bảo đảm tốt chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam "Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" phải có tầm nhìn quốc gia và tầm nhìn quốc tế. Nhìn thấu đáo ưu, nhược điểm của văn hóa dân tộc. Chỉ sâu sắc về bản sắc mới có thể tiếp thu tinh hoa nhân loại và mới nâng lên trình độ tiên tiến. Muốn quản lý tốt văn hóa phải hiểu biết sâu rộng về những gì đang diễn ra trong văn hóa khu vực và toàn cầu. Phải tìm hiểu và học hỏi cách thức quản lý văn hóa, chính sách văn hóa của các nước có nền văn hóa tiên tiến mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc của họ. Mỗi nền văn hóa giờ đây đều có sự giao lưu, tương tác với văn hóa nhân loại. Quản lý văn hóa phải có những quan niệm, những lý luận của mình trên cơ sở hiểu biết văn hóa dân tộc và nhìn sang các nước khác để tìm ra những tương đồng, dị biệt.

Trở lại quá trình quản lý văn hóa, văn nghệ của chúng ta, bên cạnh những thành tựu, phải thừa nhận có những bất cập, chưa thật nghệ thuật và khoa học. Ðôi khi nhấn mạnh tính phổ quát hơn là tính đặc thù. Nhấn mạnh hệ thống lý luận và cách thức quản lý một chiều, chưa quan tâm đúng mức những đặc thù văn hóa khác nhau. Do vậy, vô hình trung tạo nên sự khép kín, dễ dẫn đến kinh viện, giáo điều... Không thể vay mượn những quan niệm chung áp dụng cho quản lý, lãnh đạo văn hóa mà phải bằng đặc điểm văn hóa dân tộc, tiếp thu ưu điểm văn hóa nhân loại tạo ra lý thuyết cho mình và đóng góp cho lý thuyết văn hóa và hành động quản lý văn hóa nhân loại. Bức tranh chính trị - kinh tế mới của thế giới buộc ta phải hình thành một bức tranh văn hóa mới với những quan niệm mới, cách xử lý mới. Cần thay đổi thái độ ứng xử của con người đối với hiện tại văn hóa và di sản quá khứ. Con người trong xã hội tiêu thụ đã làm mất mát và lãng phí không ít giá trị văn hóa trong đó bao gồm văn hóa tinh thần và cả văn hóa vật chất.

Tóm lại, lý luận phê bình khoa học là một hoạt động không thể thiếu được trong lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ. Hoạt động quản lý văn hóa, văn nghệ không thể không dựa vào lý luận chuyên ngành và phê bình có lý luận.

Lãnh đạo, quản lý văn hóa phải tự thức về vai trò của mình, ảnh hưởng của mình đến đâu và phải biết dựa vào lý luận khoa học làm điểm tựa. Trước hết phải xác định hành động quản lý của mình cần đến đâu, tác động vào khâu nào trong tiến trình văn hóa cho có hiệu quả cả về tư tưởng lẫn thẩm mỹ. Vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận là văn hóa, văn nghệ là một hình thái ý thức xã hội chứ không chỉ là hình thái nghệ thuật đơn thuần. Tình trạng những quan niệm xã hội, những chuẩn mực thẩm mỹ, chuẩn mực đạo đức đang biến động có phần do sự lúng túng trong quản lý, trong đánh giá thẩm định văn hóa, văn nghệ hiện nay. Trước tình hình như vậy, càng đòi hỏi chúng ta phải đi sâu nghiên cứu những định hướng trong các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng dưới giác độ khoa học, và hoạt động theo quy luật của cái đẹp. Văn hóa đích thực là lợi ích lâu dài. Công tác quản lý và công tác nghiên cứu, phê bình, lý luận là quan hệ giữa hai yếu tố cần có trong chỉ đạo, quản lý văn hóa. Trong lịch sử và thực tiễn đã diễn ra sự kết hợp đẹp đẽ này và mang lại nhiều kết quả văn hóa. Tuy nhiên, không phải không có lúc đã xảy ra những phản ứng phụ. Có lẽ vì vậy, công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ phải dựa vào đường lối văn hóa, văn nghệ đã đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết nhưng không thể không dựa vào công tác lý luận, phê bình. Muốn thực thi những định hướng mới, cần phải đổi mới chính sách, và có cán bộ am hiểu sâu sắc về văn hóa, văn nghệ, có bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp, dám chịu trách nhiệm, đặc biệt là phải có thái độ trân trọng tài năng, đề cao sự sáng tạo. Sự sáng tạo làm ra thế giới, làm ra văn hóa. Mục tiêu lớn của Ðảng và của dân tộc là tạo ra một nền văn hóa "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Ðiều này chỉ trở thành hiện thực khi quản lý, lãnh đạo văn hóa biết thực hiện tốt nó trong đời sống thực tiễn bằng các chính sách phù hợp với văn hóa như đầu tư hợp lý cho văn hóa, tăng cường chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy tối đa những tài năng sáng tạo. Tiên tiến là trình độ phát triển cao ngang hàng khu vực và thế giới. Ðậm đà bản sắc dân tộc là phát huy những giá trị tinh thần truyền thống, văn hóa dân tộc trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Thực tiễn văn nghệ chuyển động đòi hỏi lý luận phải chuyển động, không chỉ thế, lý luận phải tác động vào văn nghệ nếu không nói là dẫn dắt văn nghệ và công chúng của văn nghệ. Lãnh đạo, quản lý phải dựa vào lý luận để định hướng, để góp phần thúc đẩy văn nghệ phát triển. Ðường lối văn nghệ đúng đắn, lý luận văn nghệ tiến bộ sẽ giúp cho văn nghệ dân tộc phát triển và có cái nhìn tỉnh táo trước thế giới văn học, nghệ thuật rộng lớn nhiều mầu, nhiều vẻ và nhận ra cái hay, cái đẹp để tiếp thụ và khước từ cái xấu, cái dở.

Trong tình hình hiện nay chúng ta đã nhận thức rõ sự yếu kém của lý luận do nhiều nguyên nhân, giới lý luận đã có những khởi động nhằm khắc phục khuyết điểm, phát triển lý luận lên một tầm cao mới. Bên cạnh mục tiêu trên, lý luận đang thừa hưởng những kết quả nghiên cứu đa ngành, đặc biệt là của khoa học nhân văn trong đó có văn hóa học, xã hội học và nhất là thực tiễn văn nghệ, thực tiễn sáng tác nhưng không thể không có tác động của công tác lãnh đạo, quản lý nhằm làm cho lý luận văn nghệ phát triển, phục vụ cho sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc./.

(Theo: Nhà văn Trịnh Đình Khôi/ND)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất