Đó cũng là nỗi lòng, lời tri ân của hàng nghìn hàng vạn chiến sĩ quân đội ta đối với Quảng Trị, mảnh đất nhọc nhằn, gan góc đã nuôi dưỡng, rèn luyện bao đồng đội của anh Châu thành dũng sĩ, trong đó có Thượng tướng, TS. Nguyễn Huy Hiệu - một nhân chứng lịch sử của cuốn hồi ức: Một thời Quảng Trị. Đã có hàng mấy trăm, thậm chí hàng nghìn bài thơ, bản nhạc, tiểu thuyết, truyện ký, vở diễn, hồi ức viết về vùng đất đau thương và hào hùng này. Nguyễn Huy Hiệu đến sau, ông chọn thể loại ký ức - một thể loại gần với lịch sử - mà nhân vật trung tâm là tôi và chúng tôi (những đồng đội của ông). Lịch sử khách quan hơn văn học; văn học triết luận hơn lịch sử. Không nên nói cái nào hơn cái nào, bởi trống cái này có cái kia. Nhưng cái trước giúp người đọc hình dung được toàn cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước một cách chân thật tối đa: có thắng và có thua, có chiến công và sự hy sinh mất mát, từ cuộc tiến công Mậu Thân năm 1968 cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tác giả hồi ức không quên chọn lọc tư liệu, khái quát nhiều sự kiện ở các chiến dịch. Viết loại sách ký ức mà chỉ thuật lại câu chuyện từ đầu chí cuối, dù là kể hay, vẫn ít mang lại hiệu quả của sự đọc. Vì vậy, người viết những dòng này xin nêu mấy cảm thức khi đọc cuốn Một thời Quảng Trị, cuốn sách hội tụ nhiều chiến công lịch sử, giá trị văn hoá của một miền đất địa linh ở miền Trung.
1. Quảng Trị là vùng địa linh - một địa danh nổi tiếng về du lịch - đầu tư hấp dẫn
Công bằng mà nói, ‘’địa linh nhân kiệt” thì không chỉ Quảng Trị mới xứng danh. Nhưng Quảng Trị có mấy đặc điểm độc đáo ít nơi nào có được. Hình như tiền nhân và con cháu thời đại Hồ Chí Minh sớm nhận ra rằng, nếu lịch sử không chọn Quảng Trị làm điểm tựa, thì dân tộc ta biết giao phó sứ mệnh đó cho ai? Chỉ cần dẫn lại hai trong nhiều kỳ tích lịch sử đó.
Một là, một mảnh đất nhỏ hẹp diện tích trên dưới vài trăm cây số vuông mà đã 3 lần là kinh đô lâm thời của cả nước.
Nguyễn Hoàng cùng đoàn tuỳ tùng, nghĩa dũng từ Bắc vào Cửa Việt, ngược dòng sông Hiếu, qua Đông Hà rồi vào Ái Tử dựng dinh thự định đô trước khi vào Cố đô Huế. Những năm 1883 - 1885 vùng Tân Sở (xứ Cùa) là căn cứ chống Pháp của vua Hàm Nghi. Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết và phái chủ chiến lên miền Tây, ra Quảng Trị, thì miền đất linh ứng này thành kinh đô dã chiến, mở đầu phong trào Cần Vương, cứu nước. Còn vào những năm 70 (TK XX) Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam chọn thị trấn Cam Lộ làm thủ phủ. Vì sao? Vì hình thế núi sông hiểm trở, có lợi cho việc phòng thủ, giao thương thuận lợi có ích cho thương doanh; con người giao hoà là cơ hội của việc bang giao, ứng xử.
Hai là, trong lịch sử dân tộc ta, việc chia cắt đất nước đều trùng hợp với việc chia cắt Quảng Trị diễn ra không phải một lần. Và lần gần nhất (1954) không chỉ đất nước bị chia đôi, mà tỉnh bị chia cắt, huyện bị chia cắt (huyện Vĩnh Linh), và xã cũng bị chia cắt (xã Vĩnh Sơn) và sau cùng là con sông Bến Hải cũng bị phân đôi. Bi kịch đó không chỉ của riêng ai. Nỗi đau là sự thật đến vô lý. Mượn lời con sông bị chia cắt, Tế Hanh không nén nổi cảm xúc trào dâng đã viết về ‘’thân thể’’ Quảng Trị những ngày rướm máu: Tôi chảy ngày đêm không nghỉ/ Đôi bờ Nam - Bắc nhìn nhau / Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị / Tận chân trời mây núi có chia đâu? Dựng lại những sự kiện lịch sử hào hùng được nêu đậm - nhạt trong chương I với nhan đề: Quảng Trị và cuộc hội thảo: ‘’Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, tác giả cuốn ký ức đã nêu 10 di tích có giá trị đối với hoạt động du lịch, điểm đến của đầu tư và phát triển, mở ra thời kỳ mới: mở cửa và hội nhập, bằng chứng về chính sách hoà hiếu - truyền thống yêu nước của dân tộc, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước.
2. Tinh thần ‘’thép’’ của Quân đội vì dân
Chiến tranh luôn luôn bất lợi cho nhân dân ta, nhưng kẻ gây chiến, xâm lược cũng có số phận bi đát không kém. Con số 50.000 lính Mỹ tử trận ở các chiến trường miền Nam là sự thất bại nhục nhã về chính trị, sự sụp đổ chiến lược của mấy đời tổng thống Mỹ, sự sa sút về tinh thần của quân đội Mỹ, lính chư hầu và quân ngụy. Trong chương II: Bắc Quảng Trị trong cuộc tiến công năm 1968 với gần 80 trang sách, tác giả miêu thuật những trận đánh trả, đánh thọc sâu, đánh vận động chặn đầu, đánh tập kích, đánh vây lấn khoá đuôi những đơn vị địch cấp đại đội, tiểu đoàn trở xuống. Lúc này Nguyễn Huy Hiệu là trung đội trưởng đại đội 1, tiểu đoàn 3, trung đoàn 27 (tr. 57). Đánh các đồn, bốt, chốt, cao điểm địch ở phía Bắc Quảng Trị, lần đầu tiên bộ đội từ Bắc vào giáp mặt với quân đội Mỹ với các sư đoàn thiện chiến, sư đoàn 23 ‘’thổ công” quân ngụy với máy bay các loại, pháo các cỡ, xe tăng, thiết giáp... đòi hỏi ý chí quyết chiến, quyết thắng rất cao với tinh thần ‘’thép”. Tinh thần đó không chỉ được thể hiện ở thành tích đánh nhiều trận, lập công diệt nhiều địch, cướp nhiều vũ khí, đánh lùi mọi cuộc tập kích, phản kích của địch, mà còn phải khắc phục mọi khó khăn do khí hậu khắc nghiệt ở miền ‘’gió Lào cát trắng” về mùa khô, ‘’mưa nguồn thác lũ” về mùa mưa, lương thực thiếu thốn, đạn dược không phải lúc nào cũng dư dật, âm mưu ly dân vào các tỉnh phía Nam, “kế hoạch giành dân” đã biến toàn huyện Cam Lộ, Gio Linh thành vành đai trắng. Tinh thần ‘’thép’’ còn thể hiện ở cách đánh sáng tạo, biết tránh những đòn ác hiểm của địch, nhưng cũng biết bày mưu, tính kế cho những trận công kích.
Trận đánh điểm huyệt Cồn Tiên, ở cao điểm 158 là một ví dụ. Để tập kích vị trí cực kỳ quan trọng này ở vùng chiến thuật I, tác giả Hồi ức viết: ‘’Cồn Tiên là cao điểm 158 mét so với mặt nước biển... do vị trí quan trọng của nó nên Mỹ đã xây dựng Cồn Tiên thành căn cứ quân sự mạnh, có lô cốt bê tông , cốt thép xen lẫn hầm lát bằng những tấm ghi và xếp những bao cát. Căn cứ có một tiểu đoàn lính Mỹ và đại đội pháo 105 ly, chung quanh căn cứ là chín lớp hàng rào dây kẽm gai với nhiều loại mìn…’’ (tr.88). Những cách đánh sáng tạo có hiệu quả mà giữ được quân như đào hầm ếch, tổ bắn tỉa, đào công sự dưới những bụi tre cháy trụi, chốt vây ép cơ động, lấy dù Mỹ ngụy trang và chỉ sau 4 ngày quân ta đã gỡ được hàng chục quả mìn và lọt vào được hàng rào thứ năm... ‘’Tính đến ngày 30-6-1968, trung đội tôi đã vây ép Cồn Tiên 52 ngày đêm, giam chân một lực lượng quân địch trong căn cứ làm chúng căng thẳng, tinh thần bạc nhược...’’ (tr.92). Đây là hình thức chi viện kịp thời nhất, hiệu quả nhất cho các đơn vị bạn ở hướng Khe Sanh, Làng Vây. Việc trung đội của Hiệu được rút ra cứ để củng cố theo lệnh của Bộ tư lệnh mặt trận là một chiến thuật giữ quân. Nhưng trên đường rút vẫn gặp phải sự kháng cự của lính Mỹ có sự yểm trợ của xe tăng M. 113, trung đội của Nguyễn Huy Hiệu trong 15 phút phản kích đã tiêu diệt cả trung đội Mỹ, còn bên ta rút lui an toàn.
Một nhận xét đáng ghi nhận của chương II là tác giả có ý thức ghi lại họ tên, quê quán (từ xã, huyện, tỉnh, hy sinh ở đâu v.v...) đồng đội hy sinh sau mỗi trận đánh, hay sau mỗi lần bị bom B52 ném trúng đội hình. Đó là một việc làm nhân văn, tạo thuận lợi để về sau các đoàn đi tìm kiếm thi hài chiến sĩ về mai táng.
3. Chiến tranh nhân dân - một dấu son của chủ nghĩa yêu nước
Từ xa xưa, nhân dân ta đã có câu: ‘’Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh’’. Triết lý dân giã nói lên lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc. Thời Trần, khi giặc Nguyên sai Thoát Hoan và Á Lý Hải Nha cầm quân, giả đi đánh Chiêm Thành, thực ra chia nhiều ngả đường sang lãnh thổ nước ta. Vua Trần triệu các bậc bô lão trong nước đến điện Diên Hồng vấn kế. Vạn người đều cùng hô đánh, chỉ có đánh. Thế mới biết lòng dân cảm kích trăm người như một. Để chiến thắng 20 vạn quân Thanh, Quang Trung đã thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân. Ngoài chủ trương đánh nhanh thần tốc theo kế sách của Nguyễn Thiếp, ngoài mật lệnh cho Ngô Văn Sở chuẩn bị lực lượng hậu bị và hậu cần ở Bắc Hà, thì Xứ Nghệ là nơi hội quân, chỉ trong 10 ngày, hơn 5 vạn thanh niên trai tráng khắp các địa phương hăng hái tòng quân, trung thành tuyệt đối với đại quân Quang Trung.
Tiếp thu tinh hoa đường lối chiến tranh nhân dân của cha ông, các nhà chiến lược quân sự của bộ đội cụ Hồ đã học được nhiều điều trong binh pháp người xưa. Đánh mạnh ở Bắc Quảng Trị, kéo quân Mỹ ra đường Chín - Nam Lào để phản công chúng. Đánh điểm yếu của chúng ở Buôn Ma Thuột để khởi đầu và tạo điều kiện cho các chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong 4 chương cuối của tập ký ức, chúng tôi chú ý ba sự kiện nổi tiếng:
Hệ thống phòng thủ hàng rào điện tử Mắc Namara là công trình quân sự đồ sộ, là bức trường thành dựng lên theo ý tưởng của Bộ trưởng quốc phòng Mắc Namara với ý đồ ngăn chặn mọi nguồn tiếp tế từ Bắc vào Nam do 47 nhà khoa học kỹ thuật quân sự nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của Mắc. Hệ thống này được báo chí phương Tây coi là ‘’tuyến Maginô phương Đông’’ với kinh phí là 2 tỷ USD. Hệ thống vật cản có chiều dài 12 km hàng rào kẽm gai từ Cồn Tiên đến biển Đông với chiều rộng từ 10 đến 12 km trong đó có các bãi mìn chống xe tăng, bộ binh. Từ Cồn Tiên lên biên giới Lào - Việt, địch rải chất độc hoá học, phát quang cây cối. Để phát hiện mục tiêu, nhiều máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn được thả từ máy bay để phát hiện người, tiếng động trong cự ly 300 - 400m. Các máy trinh sát tinh vi có khả năng phát hiện tiếng động dù là nhỏ nhất của người hoặc xe ở cự ly 100 – 300m. Ngoài ra còn có một sư đoàn lính Mỹ, 3 trung đoàn lính ngụy, lực lượng bảo an, pháo binh, thiết giáp, các loại máy bay tiêm kích, cường kích sẵn sàng tiêu diệt mục tiêu vượt qua phòng tuyến. Tất cả những khí tài hiện đại phòng ngự đó có gây khó khăn cho sự chi viện của miền Bắc, nhưng không làm ai sợ. Nhiều tiểu đoàn bộ đội địa phương và dân quân các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ đã quả cảm liên tục đánh phá, quấy rối làm cho tiến độ thi công chậm lại... (tr.126 - 129).
Vai trò của nhân dân trong cuộc tiến công Mậu Thân 1968 đến khi đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn được tác giả thuật lại như một nhân chứng: Vai trò của đội quân văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà quay phim, phóng viên nhiếp ảnh ở chiến trường Bắc Quảng Trị, đường Chín - Nam Lào (tr. 121). Hội diễn văn nghệ toàn mặt trận B5 để động viên sức chiến đấu của bộ đội (tr. 153). Lễ truy điệu Bác Hồ của các chiến sĩ đại đội 2, trung đoàn 27 cùng quyết tâm thư gửi lên thượng cấp khi nghe tin Bác qua đời (tr.153), trận ‘’Bạch Đằng Giang trên sông Hiếu” của dân quân, bộ đội địa phương cùng nhân dân các xã phía Đông Cam Lộ (tr: 146), gia đình lính ngụy đòi binh lính là con em của họ giải ngũ, rã ngủ; kế hoạch bảo vệ dân phá âm mưu dùng dân làm bia đỡ đạn (tr. 279, 338). Khi hậu cần không đáp ứng kịp lương thực, quân trang thì chỗ dựa vẫn là dân. Chủ trương quân sự hoá toàn dân, công sự hoá toàn khu vực Vĩnh Linh với khẩu hiệu ‘’nhà che nắng che sương, hầm che xương, che thịt”. Với đôi bàn tay rắn rỏi và công cụ cuốc xẻng thô sơ, nhân dân Vĩnh Linh đã kiên trì đào được hàng nghìn cây số hào giao thông, đặc biệt có khoảng 30.000 mét địa đạo (tr. 40), nơi có giếng nước, bệnh xá, hầm hộ sinh, kho lương thực, vũ khí, bếp nấu, nhà tắm.
Nói đến vai trò của nhân dân trong chiến tranh, Nguyễn Huy Hiệu không quên kể lại phương án bảo vệ dân trong một trận đánh ở Gia Đẳng (Triệu Phong). Khu tập trung này có khoảng một vạn dân nằm trên vùng cát trắng. Đánh địch ra sao đây để vừa tiêu diệt điểm cao 8, căn cứ khống chế khu tập trung và xung quanh là trận địa pháo cối? Trung đoàn 27 quyết định dùng xe tăng, thiết giáp đột kích vào điểm cao 8 vừa bao vây khu tập trung kết hợp với kêu gọi binh lính ra hàng, nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ. Nhân dân bên ngoài đổ ra đường chào đón bộ đội mỗi lúc một đông. Cả khu tập trung Gia Đẳng như vỡ ra bởi tiếng reo hò của gần một vạn dân, tay cầm cờ mặt trận DTGP miền Nam.
Tác giả ký ức cũng không dấu diếm những tổn thất của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh mấy ngàn ngày ở các chiến trường miền Nam, cuộc đối đầu ác liệt, tử thủ giữa quân ta và quân địch. Từ những hiện tượng bi quan giao động, đầu hàng của một số kẻ phản bội; có trận đánh một đại đội chỉ còn 15 tay súng (tr.117) cho đến mức độ ác liệt ở tuyến phòng thủ Đông Hà, Ái Tử (tr.297), nhất là trong 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị, mà nguyên nhân thì có nhiều, kể cả những khuyết điểm về chiến lược (tr.389).
Sau 81 ngày đêm chiến đấu, bám trụ kiên cường, nhưng những điều bất lợi cũng gây sức ép lớn, theo lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch, quân ta đã rút lui khỏi Thành Cổ một cách an toàn vào sáng ngày 16-9-1972. Trong binh pháp, rút lui đúng lúc không có nghĩa là thua trận. Đó là cuộc rút lui chiến lược. Kinh nghiệm lịch sử cho ta hay rằng, trong kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi bảo với tướng rằng: ‘’Ta bốn mặt đều có quân địch, binh pháp gọi là tử địa. Đánh mau thì còn, không đánh mau thì chết”(1), “Bỏ chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tránh nơi thật lực, đánh nơi hư, ít dùng sức mà công gấp bội”(2). Đó là bài học cho hôm nay và muôn đời sau.
Chiến trường Bắc Quảng Trị, chiến dịch đường Chín - Việt Lào, chiến dịch giải phóng Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh là những trường Đại học của nhiều thế hệ sĩ quan quân đội ta, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu. Từ một chiến sĩ, một sĩ quan cấp trung đội qua hàng chục năm chiến đấu, rèn luyện, tu nghiệp ông đã trở thành vị chỉ huy sư đoàn, quân đoàn trung kiên gan góc, dạn dày, xứng đáng là vị tướng tài ba, thao lược.
Cuốn hồi ức không tránh khỏi một số khuyết điểm như chất văn học không theo kịp tính chính luận và sử liệu. Một số câu diễn đạt chưa thật sáng sủa, một vài tên riêng chưa chính xác... Cuốn sách còn nhiều thông tin thú vị khác như những ảnh phẩm sinh động về cuộc đời, về quê hương, quá trình hoạt động xã hội, học tập và nhiều quan hệ của vị tướng với quân đội và các nhà hoạt động chính trị ở nhiều nước.
Bằng ký ức Một thời Quảng Trị, Nguyễn Huy Hiệu đã làm một công việc tri ngộ, tri ân đối với nhân dân Quảng Trị và quân đội của cả nước đã một thời chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị Anh hùng. Mà trước hết là tri ân đối với đồng đội của ông đã ngã xuống để bồi đắp linh khí cho mảnh đất này, để mãi mãi tự hào về những người đã khuất. Câu thơ của nghệ sĩ Lê Bá Dương, một chiến sĩ bộ đội địa phương Quảng Trị, đã nói thay cho tướng Hiệu, cho tất cả chúng ta về nỗi đau thương vô hạn trước sự hy sinh của đồng đội lúc tuổi còn trẻ măng:
Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ!
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm./.
Hồ Sĩ Vịnh
——————————
(*) Thượng tướng, TS. Nguyễn Huy Hiệu: Một thời Quảng Trị, Nxb QĐND, 2008, do Đại tá Lê Hải Triều thực hiện.
(1),(2) Ngô Thì Sĩ : Việt sử Tiêu Án, Nxb Thanh niên, tr.338,339.