Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 3/7/2009 21:42'(GMT+7)

Nên bớt cảnh ăn chơi, hút xách...

Đạo diễn Thái Hoà chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Bình Minh và Lê Khánh

Đạo diễn Thái Hoà chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Bình Minh và Lê Khánh

Phần nhiều phim truyền hình Việt chiếu trong năm 2009 này, dù đủ đề tài (chống tiêu cực, lập nghiệp của giới trẻ, một số ngành nghề, phim nói riêng về tuổi teen...), thể loại (tâm lý xã hội, sit-com...), thời gian (Pháp thuộc - như một số phim dựa theo tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, thời nay...), thì ở mỗi phim, khán giả đều thấy câu chuyện gia đình Việt dưới các góc độ...

Việt hoá kịch bản mua ở nước ngoài

Nông thôn, gia đình - hai đề tài từng bị dư luận kêu là chuyện "gà què ăn quẩn cối xay" của phim truyền hình Việt. Nhưng, thử nghĩ rộng hơn, suy cho cùng, một đất nước có hơn 70% nông dân như nước ta và triết lý sống: "Đi đâu rồi cũng về nhà (mình)", phim không kể chuyện người trong gia đình, thì kể chuyện gì? Vấn đề là, kể thế nào, nhất là, trong những phim dài tập về những vấn đề của ngày hôm nay...

Điều đáng buồn là hầu hết kịch bản gốc phim truyền hình dài tập hiện nay đều mua của nước ngoài - chủ yếu của Hàn Quốc, từ một số nước Mỹ Latinh, Trung Quốc... Do đó, việc Việt hoá chuyện phim là cả một vấn đề! Thời gian qua, dư luận bàn tán nhiều về "Cô gái xấu xí", "Những người độc thân vui vẻ", "Mùi ngò gai"...

Kỷ lục 176 tập phim "Cô gái xấu xí" đã bị phá bởi 200 tập phim "Gia đình phép thuật" (Hãng Vifa sản xuất, phát sóng từ 22.2 trên HTV7, phim dành cho thiếu nhi, kịch bản gốc của Hàn Quốc) và 200 tập phim "Dù gió có thổi", đạo diễn: 20 tập đầu là Charlie Nguyễn, tiếp đó là Thái Hoà, Phương Điền, Hãng Chánh Phương sản xuất với sự giám chế của Cty CP truyền thông Trí Việt, phát sóng từ 6.7 trên kênh HTV3).

Trong buổi họp báo chiều 24.6, bà Lê Thị Phương Thuỷ - Chủ tịch HĐQT Cty Trí Việt - không giấu giếm khát vọng, "Dù gió có thổi" - phim đầu tay của Trí Việt - ngoài chuyện đánh dấu một năm thành lập kênh HTV3, sẽ ghi dấu ấn trong khán giả truyền hình TPHCM bằng nét riêng. Điều những người làm phim này hài lòng trước hết là phim kể về một gia đình sống theo cách "tứ đại đồng đường" - điều hơi hiếm trong xã hội chúng ta hiện nay; những chuyện kể trong phim gần gũi, nhẹ nhàng, đời thường...

Tuy nhiên, chính điểm này lại dễ nảy sinh vấn đề: Chuyện gia đình, kể không khéo dễ bị sa đà vào sự dông dài, dằng dai... Hơn thế, kịch bản gốc "Dù gió có thổi" mua của Hãng KBS - Hàn Quốc, bản sắc gia đình Việt trong phim sẽ ra sao? Biên kịch phim còn trẻ - Duy Linh cho biết: Gần 80% kịch bản đã được Việt hoá, đặc biệt chú trọng thoại.

Trong kịch bản gốc, tính cách các nhân vật người Hàn rất mạnh, lời thoại cũng mạnh, trong "Dù gió có thổi" phiên bản Việt thoại đã được mềm mại nhiều; phim cũng chú ý tới yếu tố vùng miền (mẹ chồng người Bắc, con dâu người Nam) trong ứng xử, tâm lý nhân vật... Phim làm theo lối cuốn chiếu, do vậy, sự Việt hoá kịch bản còn thể hiện ở chỗ cập nhật những chi tiết, một số chuyện diễn ra trong đời sống hiện nay...

Không nên đưa quá nhiều cảnh phản cảm

Với một số phim (trên dưới 30 tập), nếu thử so với một số phim truyền hình ngoại đã, đang chiếu, tỉ lệ những cảnh nghiện ngập ma tuý, nhảy nhót vũ trường... trong phim của ta đã và đang chiếu đều cao hơn. Đơn cử như phim "Chạy án" hấp dẫn, nhưng cảnh nhân vật Cao Thanh Lâm lên cơn nghiện khá lâu.

Gần nhất, phim "Cha dượng", cũng có cảnh nhân vật nữ trẻ hút ma tuý. Hay như "Âm tính" - rập rình mãi gần 2 năm chưa lên sóng, cũng vậy. Một đạo diễn cho rằng, phim có nhân vật là con nghiện thì cần đưa những cảnh vật vã nghiện ngập vào phim như sự cảnh báo, phim có nhân vật ăn chơi chốn vũ trường, chẳng lẽ lại không đưa cảnh vũ trường? Thế nhưng, thật là "lợi bất cập hại".

Một bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho biết, những hình ảnh nghiện ngập kiểu như trong phim như vậy đối với người cai nghiện tại gia ảnh hưởng không tốt, nếu xem phim họ dễ sa ngã lại, còn với khán giả (nhất là người trẻ) nếu không được định hướng đúng, họ dễ bị kích thích, tò mò; với người xem bình thường, "vững thần kinh" thì thấy những cảnh như vậy - phản cảm... Biên kịch Châu Thổ của phim "Cha dượng" khi nghe tới ý kiến này, với sự cầu thị, cho biết sẽ xem lại và nếu thấy cần thiết thì cũng sẽ biên tập lại.

Phim truyền hình kể chuyện trong nhà - không nhất thiết phải theo kiểu "đóng cửa bảo nhau" hay "xấu che, tốt khoe". Nhưng, phim hiện thường chiếu vào giờ vàng hay lúc chuẩn bị cơm chiều khi cả nhà cùng có thể xem phim, do đó tiêu chí làm "phim dành cho mọi đối tượng khán giả của mọi gia đình" không thể xem nhẹ...

Theo Thuỳ Ân-LaoĐộng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất