(TCTG)- Thảm kịch các cuộc khủng hoảng khí đốt hai năm vừa qua dường như vẫn còn in sâu tại châu Âu trong mùa đông này. Cuộc bầu cử tổng thống tại Ucraina sẽ diễn ra vào tháng 01/2010 lại một lần nữa đặt vấn đề trung chuyển khí đốt của Nga qua quốc gia này thành vấn đề thời sự nóng hổi giữa tập đoàn Gazprom và công ty Naftogaz của Ucraina.
Quan hệ với Nga luôn thất thường giữa tình trạng phụ thuộc và sự nghi ngờ bởi việc chính trị hoá đến cực đoan các vấn đề liên quan cung cấp khí đốt. Bà Madeleine Clivart, chuyên gia chính sách năng lượng của EU đánh giá sự việc trên là như vậy bởi Nga là một trong số các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên của EU, bên cạnh Algérie và Na Uy, và do vị trí địa lý cũng như quan hệ lịch sử hai bên.
Trong bối cảnh trên, các dự án xây dựng đường ống trên đất liền cung cấp khí đốt cho châu Âu, trong đó có dự án Nabucco cần phải cho phép tiếp cận Iran và đi qua các nước vùng Cápcadơ tới Trung Âu trong thập kỷ tới, sẽ là những được mất đặc biệt quan trọng. Sự có mặt của các dự án cạnh tranh, những thái độ mập mờ của một số nước châu Âu hay của một số công ty lớn như EDF hay GDF, sẽ đặt ra nhiều mối đe doạ nghiêm trọng cho dự án này.
Theo một số chuyên gia, từ nay đến năm 2030, EU sẽ tăng khối lượng khí đốt dự trữ lên 40%. Khí thiên nhiên dường như trở thành một nguồn nhiên liệu mà lượng khí thải gây ô nhiễm ít; có nhiều hình thức để dự trữ; các mỏ khí gần nhất và lớn nhất tập trung tại Nga và Trung Đông với các tuyến đường vận chuyển quá cảnh qua các nước cộng hoà thuộc khối Xô Viết cũ tại Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ucraina.
Những tuyến đường cung cấp khí đốt khác trên đất liền
Châu Âu đang tìm cách phát triển chính đáng các tuyến đường cung cấp khí đốt khác trên đất liền. Ba dự án xây dựng các cơ sở hạ tầng khí đốt mới tại châu Âu, có nguồn gốc khác nhau, đang được bàn thảo.
- Một mặt, hai dự án đường ống dẫn khí đi qua phía Nam của EU: Nabucco, được Uỷ ban châu Âu ủng hộ và Dòng chảy phương Nam (South Stream), dự án do Gazprom và công ty Eni của Italia khởi xướng;
- Mặt khác, dự án Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), đi qua phía Bắc của EU và biển Ban Tích, do Gazprom và các công ty E.ON, BASF và Gasunie khởi xướng.
Nabucco đã có bước tiến triển lớn vào tháng 7 vừa qua. Nhiều nước cho đường ống quá cảnh-Áo, Hungari, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ-đã ký kết một thoả thuận liên chính phủ cho phép phác thảo sơ đồ đường ống. Thoả thuận này diễn ra (mặc dù muộn) sau thông báo chính thức về việc xây dựng một “hành lang phía Nam” vào tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nguồn cung cấp khí đốt và kinh phí xây dựng đường ống còn lâu mới được giải quyết, đặc biệt là khi một nước như Áo đã đồng thời thông báo cũng chia sẻ lợi ích với dự án Dòng chảy phương Nam.
Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Pháp rõ ràng đã lựa chọn những dự án do Gazprom hỗ trợ, ngoài Nabucco-dự án quan trọng của Uỷ ban châu Âu liên quan đến an ninh năng lượng. Chuyến thăm Paris tháng 11/2009 của Thủ tướng Nga Vladimir Poutin đã đóng dấu cho bản hiệp ước này: EDF đã thông báo dự định thương lượng tham gia vào dự án Dòng chảy phương Nam-với tỷ lệ cổ phần ở mức cao từ 10 đến 20%-trong khi vào mùa thu vừa qua GDF đã xác nhận tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc.
Nabucco không thể che giấu những bất đồng sâu sắc liên quan đến việc phát triển một chính sách năng lượng của châu Âu; không thể trả lời cho những thách thức của một mối quan hệ mới với nước Nga liên quan tới khí đốt.
Dự án này buộc EU phải đối mặt với những được mất chính trị về năng lượng, hoặc buộc các nước chạy đua thầm lặng bên cạnh những tuyên bố chính trị, hoặc buộc các nước cam kết vào một giải pháp chính trị kiên quyết và đặc biệt tình nguyện mở cửa và đối thoại với các nước cung cấp khí đốt khác nhau của Trung Á, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo báo RUE.fr (Bài dịch)