Thứ Hai, 7/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 13/3/2012 13:54'(GMT+7)

Eurozone thông qua lần cuối gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp

Đây là kết quả đạt được sau nhiều ngày vất vả đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ nhằm đạt được thỏa thuận hoán đổi nợ, theo đó Aten sẽ được xóa gần 100 tỷ ơrô trong khoản nợ ước tính 350 tỷ ơrô, cho phép giảm được gánh nặng nợ công từ mức 160% GDP hiện nay xuống 120% GDP vào năm 2020.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại Brúcxen (Bỉ), ông Giăngcơ cho biết theo thỏa thuận, gói cứu trợ thứ hai là khoản đóng góp chung của các nước Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tiến trình giải ngân sẽ kéo dài từ năm 2012 đến 2014 tùy thuộc vào hiệu quả của chương trình "thắt lưng buộc bụng" của Hy Lạp.

Cùng ngày, liên quan đến gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp, Tổng Giám đốc IMF Crítxtin Lagácđơ (Christine Lagarde) tuyên bố định chế tài lớn nhất thế giới này sẽ hỗ trợ 28 tỷ ơrô (36,7 tỷ USD) để giải cứu kinh tế Hy Lạp và hỗ trợ chương trình kinh tế của nước này trong 4 năm tới. Tuy nhiên, bà Lagácđơ nhấn mạnh để phục hồi năng lực cạnh tranh và vị thế tài chính bền vững, Hy Lạp cần thực hiện các cải cách cơ cấu sâu rộng và bền vững trong một thời gian dài. IMF sẽ tiếp tục trợ giúp Hy Lạp trong nỗ lực này thông qua cung cấp nguồn tài chính quan trọng trong thời gian cần thiết, phù hợp với tính chất dài hạn của những thách thức mà Hy Lạp đang phải đối mặt cũng như tương xứng với những đóng góp tài chính quan trọng của khu vực tư nhân và các nước thuộc Eurozone.

Tổng Giám đốc IMF cho rằng quy mô cũng như thời gian kéo dài các nguồn tài chính của IMF hỗ trợ Hy Lạp phản ánh quyết tâm của IMF tiếp tục tham gia vào quá trình giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng. Sự hỗ trợ tài chính của IMF nằm trong gói hỗ trợ chung của tất cả các bên bao gồm các đối tác châu Âu, Chính phủ Hy Lạp, khu vực tư nhân và IMF nhằm giúp nhân dân Hy Lạp vượt qua khủng hoảng hiện nay, phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định tài chính toàn cầu trên cơ sở rộng lớn hơn.

Các nước châu Âu và Chủ tịch Eurozone đã ngay lập tức hoan nghênh đề xuất trên của IMF, cho rằng đây là quyết định đúng đắn nhằm cứu nền kinh tế thành viên thoát khỏi khủng hoảng, tránh nguy cơ đẩy khu vực vào cơn suy thoái mới. Tuy nhiên, ông Giăngcơ cho rằng trong khi cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp phần nào được giải tỏa, Tây Ban Nha lại đang nổi lên như một điểm nóng mới khi chính phủ tiền nhiệm của nước này thông báo đã không thực hiện được mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm 2011 và chính quyền mới cũng tuyên bố có thể không thể đáp ứng được chỉ tiêu thâm hụt ngân sách theo thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay.

Theo kế hoạch, Tây Ban Nha phải cắt giảm mức thâm hụt ngân sách xuống còn 4,4% GDP trong năm nay, tuy nhiên, Mađrít cho biết chỉ có thể kiềm chế thâm hụt ở mức 5,8% GDP do nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái. Năm 2011, thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha đã lên tới 8,5% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 6% GDP./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất