Thứ Sáu, 3/10/2008 11:43'(GMT+7)
FPT xuyên tạc “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chủ Tịch
Sau hàng loạt những bê bối gây phẫn nộ dư luận thời gian qua bởi màn “đấu vật thoát y”, “sách đỏ” chứa các ca khúc cách mạng bị xuyên tạc... mới đây FPT lại gây “sốc” bằng một việc “động trời” khi chính thức xuyên tạc tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chủ tịch một cách chính thức trong cuốn “FPT - Sử ký 20 năm” vừa được in nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tập đoàn này.
Không những vậy, cuốn sách còn công bố những tác phẩm “cây nhà lá vườn” kinh hồn, khiến người đọc không khỏi giật mình bởi chính các “tài tử” của tập đoàn này sản xuất. Liệu có thể xem là giọt nước cuối cùng làm “tràn ly” như để công khai cho một lối sống văn hóa đã xuống cấp nghiêm trọng?
Hiện chúng tôi đang có trên tay cuốn FPT - Sử ký 20 năm, có độ dày 486 trang được in khá đẹp với giấy trắng tinh, bìa cứng. Đây là một cuốn sách nhằm giúp cho mọi người có cái nhìn đa diện về FPT, từ lịch sử hình thành, những thành tựu của FPT cho đến những yếu nhân của tập đoàn này. Nhưng xem ra, mục đích cao đẹp của cuốn sách đã bị những câu chuyện, bài thơ và đặc biệt là bài “tuyên ngôn” do chính các “hảo thủ” ở đây hủy hoại khi sự “kinh hãi” đã trở thành một điểm nhấn trong toàn bộ cuốn sách này. Và khiến cho những người đọc nó không khỏi thắc mắc, có nên xem đây là một tác phẩm sặc mùi xuyên tạc và phi văn hóa?
Ở phần FPT Thư, xem trang 479, có bài viết của tác giả Vũ BM - Thịnh HD với tiêu đề: “Tuyên ngôn của những con dân FHO” được mở đầu như sau:
“Hỡi đồng bào HO!
Tất cả mọi đội bóng đều có quyền bình đẳng, thể thao đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được đá bóng, quyền tự do mua bán cầu thủ và quyền được vô địch!
Lời bất hủ đó được quy định rõ ràng trong điều lệ số 1309 của FIFA. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các đội bóng ở FPT khi lập ra đều có quyền bình đẳng, quyền họp báo và quyền được sung sướng mỗi khi hạ đối thủ.
Thế mà mấy năm nay, các chi nhánh cậy thế người đông như quân Mông, tuyển chọn ra những cầu thủ với thể hình như những võ sĩ quyền anh để đàn áp, chèn ép HO ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo, chính nghĩa và tinh thần thể thao: Vui là chính!...”.
Rồi bài “tuyên ngôn” sặc mùi xuyên tạc này đi đến kết luận:
“Một đội bóng từng phải gom 6 bộ phận mới đủ quân, đã có lúc một cầu thủ U40 tuổi vẫn thi đấu hết mình trong trận khai mạc, một đội bóng dù chưa có trang phục đồng bộ nhưng vẫn có đội cổ vũ rất chuyên nghiệp. Đội bóng đã gan góc, anh hùng vượt qua tất cả các hạt giống, đội bóng ấy phải được vinh danh, đội bóng đó phải được hâm mộ!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, đội bóng của HO trịnh trọng tuyên bố rằng:
HO có quyền chiến thắng và đoạt chức vô địch, và sự thật là chúng ta đang là đương kim vô địch. Mùa giải 2008, toàn bộ nhân dân HO, từ cầu thủ cho tới người hâm mộ quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, chức vụ và tiền bạc để tiếp tục chiến thắng và giữ cho được chiếc cúp vô địch ấy.
Quyết tâm!!! Quyết tâm!!! Quyết tâm!!!”.
Chỉ cần đọc những phần lược trích trên, không ai là không nhận ra nó đã được “sao chép” và “chế” từ bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chủ tịch, một bản tuyên ngôn mà bất cứ người Việt Nam nào cũng luôn tôn thờ không chỉ bởi là một áng văn chương bất hủ mà còn mang một ý nghĩa lịch sử thiêng liêng với dân tộc Việt Nam. Mặc dù bản xuyên tạc này chỉ nói về bóng đá, nhưng chắc chắn những người sáng tác ra nó cũng biết rằng bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chủ tịch được sáng tác trong thời điểm nào và đã có bao nhiêu xương máu của cha ông đã đổ xuống cho ngày độc lập để tuyên ngôn được đọc trước triệu triệu đồng bào ta. Cho nên, dù là sự xúc phạm nhỏ nhất tới bản Tuyên ngôn độc lập cũng sẽ làm cho chúng ta cảm thấy đau lòng.
Điều 19 về quyền nhân thân quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Điều 20 về quyền tài sản cũng bao hàm cả quyền “làm tác phẩm phái sinh” (phóng tác, cải biên, chuyển thể...). Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Nhưng dường như FPT đã không thèm để ý, khi trong cuốn sách này (trang 462) còn bắt gặp một bài thơ có tiêu đề: “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” được trang trọng in dòng chữ đậm phía dưới thể hiện tác giả: Phạm Quang Thọ - FHR và dòng chữ in nghiêng nhạt hơn: “Nguyên tác: Phan Nhân”. Một tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Nhân đã bị biến thành:
“Rồi một hôm bỗng nghe kinh hoàng.
Nhà họ F ban ra C15
Đường lộng gió nhưng ta ra mồ hôi
Nghe tiếng cười tim ta luôn sầu đau...”.
Ai cũng biết, nhạc sĩ Phan Nhân đã sáng tác bài ca tuyệt vời “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” bằng tình yêu Hà Nội tha thiết, bằng tâm hồn Việt Nam trong những ngày mưa bom bão đạn của trận chiến 12 ngày đêm khói lửa. Ấy vậy mà nó đã được “chế” để giải tỏa cơn bức xúc trong một thời điểm khó khăn vì bị giảm lương, giảm biên chế của người xuyên tạc ra nó. Lúc này, ai dám đảm bảo, chục năm nữa, các ca khúc cách mạng bất hủ của Việt Nam sẽ trường thọ mà không bị chế tác theo tùy hứng rồi được in thành sách như việc làm của FPT?
Câu chuyện đã trở nên nghiêm trọng, bởi theo như những gì chúng tôi tìm hiểu thì cuốn sách này không chỉ để lưu hành nội bộ FPT mà đã được cấp giấy phép xuất bản số 429/QĐ-XB do Nhà xuất bản Hồng Đức cấp phép ngày 28-8-2008 và được in tới 4.000 bản. Với số lượng bản in lớn như vậy, cuốn sách này còn được đem tặng rộng rãi cả trong và ngoài nước. Không biết, đến lúc đó, các vị khách quốc tế sẽ nghĩ gì về chúng ta khi đọc cuốn sách này? Được biết, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ những sai trái của FPT về những vấn đề này, nhưng dư luận vẫn chưa nhận được sự hồi âm từ phía các cơ quan này. Một mối lo lớn lại xuất hiện khi có người đặt ra câu hỏi: Liệu có hay không sự chìm xuồng?
(Theo Báo CATP Hồ Chí Minh)