Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 23/9/2008 20:25'(GMT+7)

Nguy cơ mất một chiếng chèo cổ xứ Đoài

Các cụ nghệ nhân và diễn viên đoàn chèo Cổ Phong (tiền thân của Nhà hát chèo Hà Tây)

Các cụ nghệ nhân và diễn viên đoàn chèo Cổ Phong (tiền thân của Nhà hát chèo Hà Tây)

 Sau khi có thông tin Nhà hát Chèo Hà Tây (tiền thân là đội chèo Cổ Phong) sẽ sáp nhập với Nhà hát Chèo Hà Nội, ngày 6/9/2008, một số nhà hoạt động văn hoá, văn nghệ, khoa học vốn yêu nghệ thuật Chèo đã có thư ngỏ gửi các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội và Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội, với mong muốn giữ lại Nhà hát Chèo Hà Tây như một đơn vị nghệ thuật độc lập, để giữ gìn nghệ thuật đặc sắc Chèo xứ Đoài.

Thủ đô nên có 2 Nhà hát Chèo

Thư ngỏ nói trên đã được các nhà hoạt động văn hoá, văn nghệ như PGS. Hà Văn Cầu (thành viên sáng lập đoàn chèo Cổ Phong), GS.NSND Trần Bảng (nguyên Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT cũ), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Hội viên Hội nhà Văn VN), nhà văn Hoàng Minh Tường (Ban Sáng tác Hội nhà Văn VN), TS Nguyễn Xuân Diện (Hội viên Hội Văn nghệ dân gian VN), soạn giả Chèo Xuân Cung, nhà văn Trần Nhương (Hội viên Hội nhà Văn VN), nhà nghiên cứu Yên Giang (Hội viên Hội Văn nghệ dân gian VN), TS Đoàn Trần Lâm (GĐ kiêm TBT Nhà xuất bản Thế giới mới) cùng ký tên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì Nhà hát Chèo Hà Tây, tiền thân là đội chèo Cổ Phong, được thành lập từ năm 1957 bởi các tên tuổi như Lộng Chương, Hà Văn Cầu, Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm, với mục đích khôi phục nghệ thuật chèo Việt Nam. Theo “Hán Việt từ điển” của học giả Đào Duy Anh thì “Cổ Phong” có nghĩa là “Nét đẹp xưa”. Như vậy, giữa khi ảnh hưởng của Chèo văn minh và Chèo cải lương từ thời Pháp thuộc vẫn chưa phôi pha, các cụ đặt ra Đội Chèo “Cổ Phong” để khẳng định nét đẹp cổ truyền, mong những nét đẹp đó được chấn hưng.

Cảnh trong vở chèo cổ "Trương Viên"

PGS Hà Văn Cầu kể lại: “Tháng 7 năm 1954, khi cuộc họp hai bên Pháp - Việt ở Tân Giã bắt đầu thì ở Liên khu III, Sở Văn hoá – Thông tin giao cho chúng tôi đi tập hợp các nghệ nhân chèo ở 11 tỉnh thuộc Liên khu về liên hoan mừng chiến thắng, tổ chức ở Đồng Văn (Hà Nam). Do triệu tập quá gấp, nên các nghệ nhân có vốn gì diễn vốn ấy. Sau ba ngày biểu diễn, chúng tôi kinh ngạc trước tài năng kỳ lạ và vốn liếng phong phú của các cụ, các bác.

Tháng 12 năm đó, lại có Đại hội Văn công toàn quốc. Các cụ nghệ nhân Liên khu III lại thêm một lần nữa, làm kinh ngạc toàn thể giới văn nghệ sĩ có mặt ở Thủ đô. Sau đó, một số anh chị em tự tập hợp nhau thành một tổ nghiên cứu học tập vốn cũ. Hàng tuần, chúng tôi gặp nhau vào tối Thứ bảy tại nhà anh Lộng Chương, số 47 phố Hàm Long, Hà Nội để thảo luận, trao đổi. Đến tháng 7/1957, chúng tôi lập ra đoàn Cổ Phong. 5 anh em chúng tôi có gì bán nấy, kể cả phương tiện đi lại duy nhất là chiếc xe đạp, góp lại được 2.500 đồng”.

Chủ trương này được các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, các nhạc sĩ, hoạ sĩ... như Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Kim Lân, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... ủng hộ hết lòng. Các văn nghệ sĩ đã nghiên cứu và chỉnh lý những vở chèo cổ, các nghệ nhân Năm Ngũ, Minh Lý, Nguyễn Đức Chiêu, Nguyễn Văn Thống, Phạm Hồng Lô... đã miệt mài truyền nghề cho lớp diễn viên trẻ tài năng mong đem lại luồng sinh khí mới cho chiếu chèo dân tộc.

Trải qua hơn 50 năm hoạt động, đội chèo Cổ Phong, giờ là Nhà hát Chèo Hà Tây, đã khẳng định được một bản sắc riêng, tiêu biểu cho chiếng chèo Xứ Đoài. Không sa đà vào làm chèo cải biên, Đoàn đã tập trung dàn dựng và nghiên cứu hầu hết các tác phẩm chèo cổ Việt Nam như Vân dại, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ... Những vở diễn đó không chỉ làm xôn xao giới nghệ thuật Việt Nam mà còn chinh phục được các nghệ sĩ nước ngoài như đạo diễn Liên Xô Vaxiliép. Ông đã phải thốt lên “Chèo - nghĩa là tuyệt vời” sau khi xem Đoàn diễn.

“Khi có thông tin sẽ sáp nhập Nhà hát Chèo Hà Tây vào Nhà hát Chèo Hà Nội, chúng tôi đã có đề xuất với lãnh đạo Sở VH, TT & DL Hà Nội là nên giữ nguyên Nhà hát Chèo Hà Tây và xin lấy lại tên cũ là Nhà hát Chèo Cổ Phong, trực thuộc Sở VH, TT & DL Hà Nội. Một Thủ đô Mátxcơva có đến 3 - 4 nhà hát cùng một loại hình, vì mỗi nhà hát đó đại diện cho văn hoá bản địa từng vùng” . Đạo diễn Trần Quang- Giám đốc Nhà hát chèo Hà Tây – đã tâm sự như vậy.

(Theo Gia đình.net)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất