Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 26/9/2008 11:2'(GMT+7)

Bộ sưu tập sách cổ độc nhất vô nhị

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Những cuốn sách được khắc chữ cổ trên lá buông của người dân tộc Thái miền Tây Nghệ An, những cuốn sách nho học được ép cỏ vân, lành lặn và đẹp hơn bất kỳ một tài liệu nào được lưu trữ trong thư viện Viện Hán Nôm hay những cuốn sách hiếm mà nhiều người cả đời nghiên cứu không có cơ may sở hữu.

Từ việc sưu tầm sách công cụ phục vụ cho nghiên cứu, ông Hùng Vĩ bắt đầu sưu tầm thêm sách Hán - Nôm và sách của các dân tộc ít người. Dù nhiều cuốn chưa dùng đến nhưng thấy hay, thấy lạ là ông giữ lại. Khi rộ lên phong trào người nước ngoài đến sưu tầm sách ở Việt Nam thì ông Vĩ càng “tăng tốc” sưu tầm.

Có lần ông ngồi mấy tiếng đồng hồ chọn trong một hiệu sách cũ được khoảng 120 cuốn với giá 50.000/cuốn. Đang lúi húi chọn tiếp thì có một bà dắt 2 ông Tây vào. Họ trả 200.000/cuốn và mua tất. Ông ngậm ngùi: “Tôi có ông bạn làm nghiên cứu đi Mỹ về kể rằng ở thư viện của nước Mỹ có rất nhiều sách Hán - Nôm của Việt Nam. Khi ông ấy hỏi bà thủ thư ở đó vì sao lại sưu tầm được sách này thì bà ấy bảo: “Có tiền là có tất cả”. "Câu nói đấy đúng nhưng nghe rất đau !”.

Với tâm tư, suy nghĩ như thế, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ không quản ngại khó khăn, vất vả, tìm đến tất cả những vùng đất trên mọi miền Tổ quốc để ghi chép và sưu tầm những tư liệu, sách vở quý giá. Sau hàng chục năm sưu tầm, ông Vĩ đã có được một gia tài sách lên tới cả vạn cuốn. Riêng về sách Hán - Nôm, ông Vĩ sưu tầm được trên 4.000 cuốn. Cách đây một năm, Viện Hán Nôm đến mua lại của ông 2.300 cuốn.

Ông Vĩ cho biết: “Nhiều người nước ngoài vào nhà tôi hỏi mua số sách này với giá cao nhưng tôi nhất quyết không bán. Tôi bán lại cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ với giá 75.000 đồng/cuốn. Hiện trong nhà tôi còn lại khoảng 1.500 cuốn. Ngoài ra, những sách tham khảo tôi có khoảng hơn 5.000 cuốn. Để tiện cho việc lưu trữ và cho sinh viên khai thác, tôi đã phải mua máy về scan lại mấy ngàn cuốn sách của mình, mất hơn một năm trời. Đến thời điểm này tôi đã dùng hỏng một đời máy rồi mà vẫn chưa hết sách”.

Có lần, GS.TS Nguyễn Tài Cẩn về nhà ông Vĩ xem kho sách Hán - Nôm đã ngạc nhiên mà bảo: “Như thế là anh để trong nhà 100 năm đào tạo của ngành Hán Nôm”. Thầy Cẩn nói thế vì ngành Hán Nôm của trường ĐH Tổng hợp ngày xưa mỗi năm đào tạo 20 người. Mỗi cuốn Hán - Nôm có thể đủ để làm một đề tài khóa luận sinh viên. Nhân lên một năm mới sử dụng hết 20 cuốn, 100 năm sử dụng hết 2.000 cuốn.

Cách đây ít lâu, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cũng đã để lại cho Bảo tàng Nhân học của Trường ĐH KHXH & NV 13 cuốn sách cổ khắc trên lá cây của người Thái đường 7 miền Tây Nghệ An có niên đại trên 100 năm. Ông chỉ giữ lại 7 cuốn.

7 cuốn sách lá cổ quý giá của ông Vĩ

Những cuốn sách lá này thường là độc bản vì làm thủ công rất công phu và tỉ mỉ. Người dân tộc Thái lấy lá cây buông luộc lên rồi ép phẳng ra để viết sách. Một trang sách lá có chiều dài khoảng 50cm, chiều ngang khoảng 5cm, chứa được số lượng chữ bằng một trang sách Hán Nôm. Người ta lấy kim khắc chữ lên lá rồi trộn mực Tàu với mật một loài cá ở suối phết lên. Mật cá có tác dụng làm cho mực dẻo và mật cá có vị đắng nên mối mọt không ăn. Làm xong người ta đục lỗ ở hai đầu để xỏ dây. Ngoài cùng của sách là hai thanh gỗ được chạm trổ và sơn son thiếp vàng rất đẹp làm bìa. Khi không dùng đến người ta rút sợi dây buộc sang một bên để treo ở trên nhà sàn. Có nơi, người ta không dùng thanh gỗ mà dệt thổ cẩm, luồn nan tre vào trong để bó sách.

Theo như ông Vĩ thì loại sách này chỉ có duy nhất ở dân tộc Thái nơi miền Tây Nghệ An. Chữ của người Thái ở đây cổ hơn chữ của người Thái Tây Bắc. Người Thái ở vùng Tây Bắc trở xuống người ta dùng chữ Thái mới viết trên giấy dó như người Kinh. Còn người Thái ở góc phía Nam đẩy ngược lên Lào thì người ta vẫn dùng tiếng Thái cổ. Giờ đây chỉ còn mấy cụ cao tuổi là có thể đọc được loại chữ này.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, người ta không còn làm loại sách này nữa. Ông Vĩ khẳng định: “Tôi tìm hiểu và biết được rằng, cả dân tộc Thái ở đó chỉ có khoảng hơn 40 cuốn sách lá. Tôi đã sưu tầm được 20 cuốn nhưng không phải cuốn nào cũng mua được tận gốc ở nhà người Thái mà nhiều cuốn phải mua lại của những người sưu tập khác. Khi tôi mua thì những cuốn này chỉ bán có 500.000 đồng. Đó là các cuốn kinh Phật, truyện cổ tích. Tôi đã rất cố gắng để tìm những bài mo nhưng không có vì tục lệ của người Thái là chôn bài mo theo người chết. Tôi cũng muốn nhờ một số cụ cao tuổi còn đọc được tiếng Thái cổ giúp biên dịch lại những cuốn sách này nhưng không có thời gian ở cả năm trời với họ để thực hiện công việc được. Cũng là đáng tiếc vì những cuốn sách cổ độc đáo như thế này có thể giúp cho giới nghiên cứu tìm hiểu được về ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá, văn học của một tộc người”.


Sách cổ có thể treo gọn trên tường.


Sách lá cổ của người Thái


Đối với nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thì không chỉ những lần trèo đèo lội suối, vào tận các bản làng xa xôi để tìm mua sách mới là những kỷ niệm khó quên mà đáng nhớ hơn lại chính là những lần “quý vật tầm quý nhân” mà ông may mắn gặp được. Ông Vĩ kể: “Ngày trước, cuốn từ điển Genibrel được coi là một “bảo vật” trong giới nghiên cứu mà ai cũng mong được sở hữu. Cuốn từ điển đó rất quan trọng vì nó chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang chữ Nôm và Quốc ngữ.

Tôi và bạn bè đã từng đi rất nhiều nơi tìm nhưng cũng chưa thấy được tông tích vì cuốn sách này in từ năm 1898 và không tái bản lần nào nên rất hiếm. Một lần ra một hiệu sách cũ ở ngay Hà Nội, tôi thấy có cuốn từ điển Việt - Pháp của Nguyễn Hùng. Lật giở trang đầu thì thấy đề Genibrel. Tôi gấp lại để đấy rồi đi chọn mấy cuốn từ điển Việt - Pháp thật mới hỏi giá và kêu không đủ tiền mua. Rồi tôi mới cầm đến cuốn từ điển Genibrel và hỏi thế cuốn cũ này bao nhiêu. Người chủ hàng bảo 20.000 đồng, thế là tôi lấy luôn.

Sưu tầm sách vì thương sinh viên

“Công việc sưu tầm sách của tôi bắt đầu từ việc giảng dạy và nghiên cứu. Những người vừa giảng dạy vừa nghiên cứu như chúng tôi chỉ có thời gian đọc sách về đêm. Mà đêm thì thư viện không mở cửa. Vì thế tôi phải tự sắm lấy sách công cụ để làm việc. Tôi sắm sách cho mình và cho cả học trò nữa.

Sinh viên hầu hết là nghèo, lấy đâu ra tiền mua sách, đặc biệt là sách hiếm, sách cổ. Tôi từng chứng kiến một cậu sinh viên nghèo làm khoá luận tốt nghiệp phải ra thư viện Viện Hán Nôm phô tô tài liệu hết hơn 3 triệu đồng. Bây giờ ở các thư viện đó họ chụp 2.500 đồng/1 trang. Ngay cả thư viện Quốc gia người ta cũng chụp 2.000 đồng/1 trang đối với sách trước năm 1954. Nếu tôi có những cuốn đó cho sinh viên mượn mang ra ngoài phô tô với giá như những tài liệu bình thường khác thì rất rẻ. Vì thế, từ năm 93 - 94 tôi đã nảy ra ý tưởng lập thư viện tại nhà cho sinh viên giỏi đến đọc”. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ

Buộc cuốn sách quý vào sau xe đạp, tôi đạp thẳng về nhà ông Đào Thái Tôn để khoe. Ông Tôn thích lắm bảo tìm cả đời không thấy. Rồi ông Tôn bảo tôi lên tủ sách của ông lấy tất cả những cuốn quý nhất để đổi lấy cuốn từ điển này nhưng tôi không đổi. Về sau tôi cũng tặng cuốn đó cho ông Đào Thái Tôn vì tôi nhờ bạn bè trong Sài Gòn tìm được cho 2 cuốn nữa. Hay như cuốn từ điểm Việt - Chàm, tôi đã từng đi cả miền Nam, cả PhnômPênh (Campuchia) để tìm mà không thấy. Cuốn đó chỉ in tổng cộng 250 cuốn từ năm 1974. Thế rồi khi tưởng như không thể tìm được nữa thì một lần vô tình tôi nhìn thấy nó nằm trong một hàng sách cũ trên đường Nguyễn Trãi. Những lần tình cờ tìm được quý vật như thế tôi vui hơn bắt được vàng”.

Tuy nhiên, cũng có những bộ sách mà dù rất giá trị và rất mê nhưng ông Vĩ cũng chưa thể mua ngay được như bộ “Nam Phong tạp chí” gồm 212 cuốn nguyên bản, người ta đòi đến 75 triệu. “Số tiền khá lớn nên tôi vẫn phải đắn đo. Sau đó họ không bán nữa mà đòi tôi đổi bộ ván khắc 66 tấm dùng để in cuốn sách “Phương Đình dư địa chí” của Nguyễn Văn Siêu đã trên một trăm năm tuổi. Bộ ván khắc này vẫn còn nguyên, in ra đẹp vô cùng. Mỗi tấm ván khắc này có thể nói là một di vật văn hóa, vì thế nên tôi cũng không đổi. Bộ ván khắc tôi mua được cũng rất ngẫu nhiên.  Đó là, một lần tôi đi chơi có rẽ vào một quán nước ở Ba La - Bông Đỏ (Hà Tây cũ). Cùng lúc ấy có 2 thanh niên đèo nhau cũng dừng xe vào uống nước. Cái bao tải họ mang theo có chỗ rách và tôi thấy có bản ván khắc lộ ra. Lân la hỏi chuyện tôi mới biết 2 người này cũng là dân sưu tầm cổ vật. Tôi hỏi mua và cuối cùng có được bộ ván khắc quý giá này với giá 12 triệu”.

Nếu chỉ làm một phép tính cộng rất cơ học thì tổng số tiền trên nửa tỉ đồng nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ bỏ ra để mua kho sách của ông chẳng thấm tháp gì so với tiềm lực kinh tế của rất nhiều người khá giả trong xã hội. Thế nhưng, nếu cộng vào đó cả cuộc đời nghiên cứu, cả tâm huyết của một người sưu tầm và hàng trăm cuộc hành trình đi khắp mọi miền đất nước thì gần một vạn cuốn sách kia hẳn sẽ là vô giá.

Cách giữ sách độc đáo của một gia đình nhà nho

Ngoài những cuốn sách lá độc đáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ còn sưu tầm được 2 tủ sách của một gia đình Nho học ở Xuân Trường (Nam Định). Đây là 2 tủ sách của ông đồ Nho ngày xưa. Khi đi thi họ gánh 2 tủ sách này lai kinh ứng thí. Lạ lùng là dù đã hơn trăm năm tuổi nhưng cả tủ cả sách đều còn nguyên vẹn, không mối mọt.

Tủ sách của nhà nho xưa

“Cả Viện Hán Nôm cũng không có những cuốn sách lành lặn và đẹp thế này. Đây là một bộ sử Trung Quốc. Người ta giữ được như vậy là bởi người ta phải phết cậy, một thứ nhựa quả làm cho giấy không thấm nước. Thứ hai là ở giữa các trang họ ép cỏ vân (vân thảo), một loại rau răm dại, để mọt không ăn. Khi không dùng nữa họ treo lên cao chứ không để dưới đất để tránh ẩm và tránh chuột bọ. Tôi thấy người ta có một đôi trong nhà. Tôi hỏi thì họ bảo là 1 tủ giá 2 con trâu. Trâu lúc ấy 4 triệu một con. Thế là tôi trả 16 triệu rồi vác cả 2 tủ sách về”.

(Báo GĐ & XH)

                                          

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất