Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 28/9/2008 10:59'(GMT+7)

Phim tài liệu truyền hình đang đánh thức chính mình

Ông Phạm Xuân Ẩn (bìa trái) lúc làm báo ở Sài Gòn (ảnh trong phim “Huyền thoại cuộc đời vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn”).

Ông Phạm Xuân Ẩn (bìa trái) lúc làm báo ở Sài Gòn (ảnh trong phim “Huyền thoại cuộc đời vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn”).

Còn ai xem phim tài liệu?

Tại cuộc hội thảo chuyên môn về phim tài liệu ở TPHCM, các nhà làm phim nhấn mạnh vai trò “cần phải có” của thể loại này. Phim tài liệu truyền hình cho dù mật độ tiếp cận khán giả “không bằng chị, bằng em” như phim truyện, phim thời sự, phóng sự nhưng rất cần thiết. Phim cần đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục và phát hành hiệu quả đến khán giả. Tất nhiên, về mặt này, nếu so sánh với phim tài liệu nhựa, nó vẫn có cơ hội phát sóng thuận lợi gấp bao nhiêu lần thể loại phim “đàn anh” này.

 

Phim tài liệu truyền hình hiện nay có đủ sức thu hút khán giả hay không? Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc hãng phim TFS nhiều lần đã đánh giá lại bước đột phá thành công của bộ phim nhiều tập Mê-Kông ký sự. Cho đến giờ, sức lan tỏa của phim đã vươn ra khỏi Việt Nam.

Nhưng có lúc, từ sự “đắt hàng” này, hãng TFS rất lo lắng khi phim bị “luộc”, bị in đĩa lậu! Theo đà làm phim ký sự, cuối năm 2007, bộ phim về dòng sông Lan Thương - Mê-Kông, dài 20 tập của VTV cũng đã ra đời. Bộ phim khai thác sâu thêm những nét văn hóa, môi trường sống, phong cảnh thiên nhiên… các quốc gia khu vực Đông Nam Á, nơi có dòng sông Mekong chảy qua.

Về vai trò của phim tài liệu truyền hình hiện nay, một câu hỏi khác đặt ra: liệu thể loại phim này có “gánh nổi” nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, giáo dục trong đời sống xã hội đương đại? Thực ra, phim tài liệu truyền hình dễ mang lại hiệu quả tốt nếu các nhà làm phim phát hiện ra đề tài hay, nhân vật độc đáo, phản ánh được những vấn đề nhức nhối của xã hội và hoặc tìm thấy nét đẹp từ đời thường đến chiều sâu của tâm hồn con người với ý nghĩa tốt đẹp, nhân bản nhất. Khi bộ phim Huyền thoại cuộc đời vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn (đạo diễn Phong Lan, TFS sản xuất) được phát sóng trên Đài truyền hình TPHCM, nhiều khán giả đã gác lại một số chương trình khác để dõi theo bước đường hoạt động tình báo thật kỳ lạ ông Hai Trung-Phạm Xuân Ẩn là một ví dụ điển hình.

Kinh nghiệm của TFS

Đạo diễn Nguyễn Hoàng (Phó phòng phim tài liệu hãng TFS), người từng sát cánh bên cạnh ê-kíp làm phim quen thuộc: NSND Phạm Khắc, Trần Đức Tuấn, Nguyễn Hồ, Dư Kim Hoàng, Lý Quang Trung, Huỳnh Lâm… cho biết phim tài liệu TFS “đang tự đánh thức mình dậy”. Với “gia tài” 700 phim tài liệu sản xuất trong 17 năm, TFS có lợi thế đầu ra qua phát sóng phim vào giờ vàng trên kênh HTV9, từ 7 giờ 20 mỗi sáng liên tục trong tuần và trên kênh HTV7, vào 13 giờ 20 cùng ngày. Chương trình Tạp chí Văn nghệ của nhà đài phát sóng chủ nhật, thứ năm cũng là “cửa ra” cho các phim tài liệu mới của hãng. Các nhà làm phim cho rằng việc phát sóng đều đặn sẽ mang lại tính chuyên nghiệp cho phim tài liệu và thói quen xem phim thường xuyên của khán giả.

Nhưng, để đạt được sự thuyết phục này, chắc chắn phải có cách thể hiện mới, cách kể chuyện mới cho dòng phim truyền thống lịch sử. Hiện nay, bên cạnh bề dày kinh nghiệm của dòng phim tài liệu truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa, chân dung nhân vật lịch sử…, đạo diễn Nguyễn Hoàng cho rằng hướng đi mới của phim tài liệu TFS là gắn bó với thực tế diễn biến trong xã hội theo tiêu chí khám phá, truyền hình thực tế, truyền hình tương tác, giao lưu với khán giả…

Thành công từ hướng đi mới này đã được chứng minh và định hình qua dòng phim ký sự - khám phá, truyền hình thực tế. Không ít phim đã được đánh giá cao, đoạt giải thưởng qua các liên hoan phim trong nước hàng năm. Song song các dạng phim, một số phim tài liệu sau khi in đĩa DVD, tương đối bán chạy, có thể kể tên: Mê-Kông ký sự, Trường Sơn hùng tráng, Ký ức Điện Biên, Ký sự Tân Đảo, Ký sự Amazon, Ký sự hỏa xa, Huyền bí sông Hằng… Với dạng phim ký sự tài liệu, hãng TFS còn hợp tác sản xuất với một số hãng phim tư nhân, công ty kinh doanh, quảng cáo, du lịch, bưu điện…

Để tìm thêm hướng đi mới cho phim tài liệu cần có sự quan tâm nhiều hơn của những người quản lý và sự năng động của các nghệ sĩ. Một mặt, để có sự vận động đổi mới cách làm phim tài liệu, vấn đề kinh phí làm phim không chỉ chờ nhà nước “ban, rót” mà cần có sự khuyến khích tham gia đầu tư rộng mở từ phía các công ty, các hãng phim tư nhân một cách mạnh mẽ hơn./.

(SGGP) 

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất