Đó là nhận định của
các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) sau
khi kết thúc phiên thảo luận về nền kinh tế toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh
của nhóm đang diễn ra ở Bắc Ireland (Vương quốc Anh).
Thông báo của G8
nói rõ nguy cơ sụt giảm tăng trưởng kinh tế ở Khu vực đồng euro đã yếu đi, nhưng
khu vực này vẫn chưa thoát khỏi tình trạng suy thoái.
Tại Mỹ, kinh tế đã
lấy lại đà phục hồi, thâm hụt ngân sách nhà nước giảm nhanh, song Washington cần
duy trì các chính sách tài chính cân bằng trung hạn và tăng cường đầu tư để thúc
đẩy tăng trưởng.
Cũng theo G8, Nhật Bản cần định hình chính sách tài
chính trung hạn đáng tin cậy.
G8 cho rằng chính sách tài chính cần tạo ra
sự linh hoạt trong ngắn hạn cho phù hợp với các điều kiện kinh tế khác nhau và
tốc độ củng cố tài chính cần dựa trên các hoàn cảnh kinh tế của mỗi quốc
gia.
Khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Lough Erne ở Bắc Ireland (Vương quốc
Anh) ngày 17/6, với một chương trình nghị sự đầy tham vọng tập trung vào nỗ lực
vực dậy kinh tế thế giới, Hội nghị lần này được các nhà lãnh đạo xác định là cơ
hội lớn để thảo luận hàng loạt những vấn đề liên quan đến nền kinh tế toàn cầu
đang trong "thể trạng" yếu.
Đó là nỗ lực thúc đẩy hoạt động thương mại
tạo động lực khôi phục tăng trưởng cho kinh tế thế giới.
Để làm được
điều này, các nước G8 đặt mục tiêu phải hoàn thành các thỏa thuận thương mại,
đồng thời hướng tới việc khởi động đàm phán về khu vực mậu dịch tự do xuyên Đại
Tây Dương giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc khủng hoảng nợ công ở
Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và vai trò của các ngân hàng
trong nỗ lực duy trì sự ổn định của thị trường tài chính tiền tệ cũng được đề
cập đến.
Nước chủ nhà Anh còn muốn tranh thủ diễn đàn này để thúc đẩy
các biện pháp chống trốn thuế, và tăng cường sự minh bạch trong hoạt động thương
mại.
Ước tính, nạn trốn thuế mỗi năm gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn
cầu khoảng 3.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng các nhà
lãnh đạo G8 khó có thể đạt được sự đồng thuận đối với hàng loạt vấn đề nóng hiện
nay liên quan đến kinh tế toàn cầu. Ở mỗi khía cạnh, họ đều gặp phải những bất
đồng về lợi ích./.
Theo TTXVN