(TG)- Sau khi hoàn thành chương trình “dồn điền đổi thửa”, ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) đã xuất hiện những cánh đồng thằng cánh cò bay, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, bà con nông dân có thể ra đồng bằng xe gắn máy nhờ đường nội đồng được bê tông hóa…
Từ năm 2010, huyện Hải Hậu được Chính phủ chọn là một trong năm huyện của cả nước làm điểm chương trình xây dựng nông thôn mới. Căn cứ vào bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và các văn bản hướng dẫn của tỉnh Nam Định, Ban Thường vụ huyện ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Hải Hậu đã vận dụng, cụ thể hóa ban hành bộ tiêu chí xây dựng xóm nông thôn mới sát với thực tế, cụ thể của địa phương. Sau khi phát động cấp huyện đã tổ chức đăng ký thi đua xây dựng xã, thị trấn, xóm và gia đình đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) theo từng năm để cơ sở phấn đấu thực hiện.
|
Đường nội đồng ở các xã đã được bê tông hóa. Ảnh: QT |
Quán triệt các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ, ngành, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, huyện đã chọn khâu đột phá trong các tiêu chí nông thôn mới, ban hành 03 nghị quyết, 06 đề án về phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2010 đến 2015. Căn cứ 5 nhóm tiêu chí và 19 tiêu chí của Chính phủ để vận dụng ban hành 12 tiêu chí xây dựng xóm, tổ dân phố nông thôn mới, 8 tiêu chí gia đình nông thôn mới. Đây là cách làm sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết và truyền thống văn hoá, anh hùng của mảnh đất, con người Hải Hậu. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã khơi dậy truyền thống văn hoá và cách mạng, truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, đổi mới và sáng tạo, tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, xóm và từng người, từng gia đình.
Phát huy tinh thần cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu hiến đất, góp công, góp của và là những người tuyên truyền, nêu gương để nhân dân có nhận thức đúng về xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện tới cơ sở thường xuyên bám sát thực tiễn. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng thôn xóm trong xây dựng nông thôn mới thực hiện đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”, từng cấp tự lo phần việc của mình: "Xã lo công trình của xã, xóm lo công trình của xóm, từng gia đình phấn đấu đạt tiêu chí gia đình nông thôn mới". Phát huy nguồn nội lực trong mỗi người dân Hải Hậu, trong mỗi gia đình, trong từng thôn xóm, tổ dân phố, từng hộ gia đình lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ, công trình vệ sinh, chủ động mở thêm nghề mới, phát triển kinh tế hộ, chăm lo đời sống vật chất tinh thần và sự phát triển của mỗi thành viên, xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu đạt tiêu chí gia đình nông thôn mới. Ban chỉ đạo Nông thôn mới xác định lấy xóm, tổ dân phố làm cơ sở hạt nhân để vận động nhân dân xây dựng gia đình NTM.
Để cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” đạt hiệu quả cao, các chức sắc tôn giáo trên địa bàn huyện cũng tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đại đức Thích Thanh Cần-Trụ trì chùa Quế Phương, xã Hải Tây cho biết: “Hưởng ứng chính sách vận động tín đồ, cũng như mọi người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nhà chùa cũng quyên góp một phần giúp xã làm đường liên thôn, động viên bà con đóng góp công sức để làm đường, nhà chùa cũng đóng góp 20 tấn xi măng để làm đường ra cánh đồng”.
Ông Lê Minh Vụ -Bí thư chi bộ xóm 8 xã Hải Hà cho biết: “Để thực hiện được các tiêu chí trong 19 tiêu chí được trung ương đưa ra, chúng tôi nghiêm túc thực hiện chủ trương dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, với những khoản kinh phí Nhà nước hỗ trợ làm đường nội đồng và những khoản đóng góp của bà con, tất cả những chi phí mua vật liệu, xi măng đều được tài chính công khai minh bạch, nên việc triển khai thực hiện hết sức trôi chảy, người dân tự kiểm soát các khoản chi phí đó, nên bà con hồ hởi, mãn nguyện với những đóng góp của mình. Bây giờ chúng tôi tự hào có thể đi ra đồng bằng xe gắn máy, thu hoạch cũng nhanh vì các phương tiện cơ giới có thể ra sát bờ ruộng”.
Ông Nguyễn Hồng Vương – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Hà cho biết: “Trong thực hiện NTM, chúng tôi chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nội đồng, giao thông xóm, hệ thống rãnh tiêu nước các xóm và các công trình điện, trường, trạm y tế được nhân dân đặc biệt quan tâm. Từ đó đã huy động được sức dân tham gia xây dựng bằng việc huy động nhân dân ủng hộ kinh phí, đóng góp công sức tự tháo dỡ tường bao để hiến đất đảm bảo mặt bằng làm đường. Qua đó khẳng định, chủ trường xây dựng NTM đã đúng và trúng vào lòng dân”.
Trao đổi với phóng viên, Bí thư huyện ủy Phạm Văn Chiến cho rằng: ‘Huyện đã xác định rõ thời kỳ nông nghiệp sản lượng đã qua, cần phải chuyển sang thời kỳ nông nghiệp giá trị, phải làm sao nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác. Ngoài ‘dồn điền đổi thửa”, huyện cũng đã quy hoạch chuyển đổi một số vùng trồng lúa năng suất thấp sang vùng nuôi trồng thủy sản. Song song với việc xác định trọng tâm, trọng điểm trong việc xây dựng NTN, huyện cũng bố trí, giao nhiệm vụ cho từng cán bộ đến các xã nhằm theo dõi, giúp đỡ các xã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao”.
Trong xây dựng NTM, huyện Hải Hậu chú trọng công tác xây dựng quy hoạch, chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá, với sự chỉ đạo chặt chẽ, kiên quyết, các bước đi phù hợp, vì vậy chỉ sau một thời gian tiến hành công tác dồn điền đổi thửa đến tháng 12 năm 2011 Hải Hậu đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, dành quỹ đất phục vụ kiên cố hóa hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Những cánh đồng mẫu lớn được hình thành thẳng cánh cò bay với trên 580 ha ở 10 xã và 11 mô hình sản xuất dần thay đổi tư duy tập quán canh tác cũ manh mún, việc đưa máy cày, máy gặt lớn vào sản xuất đã trở nên thuận lợi hơn. Có thể nói, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình huyện Hải Hậu đã tự ý thức về cung cách làm ăn mới, có hiệu quả ngay từ thửa ruộng gia đình.
Trong 2 năm (2011 - 2012) huyện Hải Hậu đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề mới tạo việc làm cho người lao động, kết quả các cơ sở dạy nghề đã đào tạo nghề cho 6.029 lao động, trong đó: Đào tạo nghề ngắn hạn cho 2.107 lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đã tổ chức truyền nghề cho trên 12.500 lao động. Tổ chức 235 lớp tập huấn cho 11.750 lao động. Trong 2 năm, huyện Hải Hậu đã công nhận danh hiệu làng nghề cấp huyện cho 27 làng và 22 nghệ nhân.
Bên cạnh việc nâng cao đào tạo nghề, huyện Hải Hậu còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà văn hóa. Hiếm ai biết được huyện Hải Hậu 34 năm liên tục là đơn vị điển hình toàn quốc về văn hoá cấp huyện của cả nước. Hiện nay, toàn huyện có 530/546 xóm nông thôn mới (TDP) có nhà văn hoá, các nhà văn hoá đã trang bị tủ sách, máy tính nối mạng Intenet để nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu đướng lối, chính sách của Đảng và nhà nước, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm của một số địa phương trong xây dựng NTM. Người dân có ngôi nhà chung để hội họp, sinh hoạt, tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao ở cộng đồng khu dân cư.
Sau 2 năm xây dựng gia đình NTM, xóm TDP, Hải Hậu đã tạo được bước chuyển quan trọng là người dân Hải Hậu đã chuyển biến nhận thức tư tưởng xây dựng NTM là xây dựng cuộc sống mới cho chính mình và con cháu mình, vì sự phồn vinh của xã hội, sự hưởng lợi của các thế hệ mai sau nên đã có sự đồng tình hưởng ứng. Đến nay toàn huyện có: 2 xã, thị trấn đạt 17 tiêu chí; 9 xã, thị trấn đạt 16 tiêu chí; 9 xã, thị trấn đạt 15 tiêu chí; 8 xã đạt 14 tiêu chí, 7 xã đạt 12-13 tiêu chí. Bình quân toàn huyện đạt 15/19 tiêu chí (tăng 8 tiêu chí so với năm 2010); qua thẩm định huyện đã công nhận 204 xóm, TDP đạt xóm NTM, trên 71% số hộ gia đình đạt NTM, đặc biệt xã Hải Hà 12/12 xóm đều được công nhận xóm NTM.
Đến Hải Hậu hôm nay, những con đường đất, cỏ mọc chen lối chỉ còn trong ký ức nhường chỗ cho đường bê tông, đường nhựa rộng 3-5m trải dài trên các thôn, xóm, các trục đường nội đồng tiện lợi cho sự đi lại và đưa giới hoá vào sản xuất. Máy gặt, máy cấy, máy cầy bừa lớn dần thay thế cho sức lao động thủ công. Nói như đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khi về thăm và làm việc tại Hải Hậu thì: “Hải Hậu đã cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương một cách sinh động, tôi rất vui mừng và phấn khởi về sự đổi thay của Nam Định; đến đâu cũng thấy làng quê trù phú, nhà cao tầng khang trang, đường liên thôn, liên xã đều được trải nhựa thoáng, rộng. Điều đó thể hiện truyền thống vượt khó, đoàn kết vươn lên của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt” và truyền thống của quê Hải Hậu là điển hình toàn quốc về văn hóa cấp huyện; được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới… ”.
Qua triển khai thực hiện, nhân dân huyện Hải Hậu đã góp hàng triệu ngày công, gần 400 ha đất làm đường giao thông nội đồng. Các xóm TDP hiến 15 ha đất và tháo dỡ, di chuyển hàng vạn công trình để làm mới, nâng cấp 373km đường dong xóm với tổng giá trị 150 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 116 tỷ đồng. Đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp 240/386 km đường trục chính giao thông nội đồng với tổng giá trị 96,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 47,6 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 168 km hệ thống thoát nước khu dân cư, tổng giá trị 28,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 17,2 tỷ đồng. Xây mới 42 nhà văn hóa xóm với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp 622 phòng học theo chương trình kiên cố hóa trường học của Chính phủ, 23 trường Mầm non, 16 trường tiểu học. |
Tuấn Đạt