Thứ Hai, 25/11/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 5/5/2012 21:52'(GMT+7)

Gắn chặt cắt giảm đầu tư công với thúc đẩy đầu tư tư nhân

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Do vậy, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế và thâm hụt ngân sách, tạo việc làm, chúng ta cần xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp lý giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Thực tiễn cắt giảm đầu tư công và thúc đẩy đầu tư tư nhân

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, việc gắn cắt giảm đầu tư công với thúc đẩy đầu tư tư nhân đã đạt những kết quả nhất định.

Thứ nhất, đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân đã được Nhà nước coi trọng thúc đẩy, kể cả đầu tư nước ngoài và đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài. Các thủ tục về đăng ký, thành lập, sáp nhập, mua bán doanh nghiệp, thủ tục giải thể…đều đơn giản, đã tạo khả năng tiếp cận thuận lợi đến mức cao nhất nhu cầu kinh doanh và đầu tư của các hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã, Việt kiều, các nhà đầu tư nước ngoài…Các thủ tục liên quan đến miễn giảm tiền thuê đất, mặt bằng sản xuất…đều có xu hướng thuận lợi và dễ dàng hơn. Nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đầu tư về nước với lượng vốn lớn trong điều kiện nền kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài được chào đón bằng các chương trình xúc tiến đầu tư hấp dẫn của các địa phương, các bộ và các ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất…Các đoàn xúc tiến đầu tư đã tiếp cận đến các tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chẳng hạn, các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội để tiếp cận với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đang có nhu cầu đầu tư rất lớn vào công nghiệp hỗ trợ Việt Nam- một lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam đang cần.

Bên cạnh những kết quả đạt được trên đây trong nhận thức và hành động của việc gắn đầu tư công với đầu tư tư nhân trong điều kiện áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và cắt giảm đầu tư công, mối quan hệ giữa cắt giảm đầu tư công và thúc đẩy đầu tư tư nhân bộc lộ những khía cạnh đáng quan tâm.

Chẳng hạn, sự gắn kết giữa cắt giảm đầu tư công với thúc đẩy đầu tư tư nhân chưa được xem xét và đặt trong mối quan hệ tương tác biện chứng, trong đó cắt giảm đầu tư công là quá trình thực hiện trong ngắn hạn, trực tiếp và trực diện, còn thúc đẩy đầu tư tư nhân cần xem xét trong một thời gian dài với các biện pháp tác động gián tiếp cùng với cơ chế, chính sách đồng bộ.

Một số đề xuất gắn chặt việc cắt giảm đầu tư công với thúc đẩy đầu tư tư nhân

Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế và thâm hụt ngân sách, tạo việc làm, thậm chí bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chúng ta cần xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp lý giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Trong điều kiện cắt giảm đầu tư công càng cần chú ý đầu tư tư nhân. Xu hướng tăng đầu tư tư nhân và giảm thiểu đầu tư của nhà nước là xu hướng phù hợp của nền kinh tế thị trường phát triển, với sự thu hẹp vai trò can thiệp của chính phủ vào các quan hệ thị trường. Nguyên tắc của việc gắn cắt giảm đầu tư công với thúc đẩy đầu tư tư nhân là dựa trên cơ sở bù trừ hoặc dôi dư, nghĩa là cắt giảm tương đối hay tuyệt đối đầu tư công bao nhiêu phải được bù đắp lại bằng thúc đẩy đầu tư tư nhân, ít nhất bằng mức cắt giảm, nhằm bảo đảm lượng vốn hợp lý để tăng trưởng kinh tế theo đúng mục tiêu đặt ra trong cả thời kỳ chiến lược.

Việc gắn chặt “cắt giảm” đầu tư công với “thúc đẩy” đầu tư tư nhân trong năm 2012 và giai đoạn tiếp theo là cần thiết và cần thực hiện “ăn khớp” với nhau.

Có thể triển khai việc “gắn chặt” đó theo một số bước sau.

Thứ nhất, tính toán cụ thể việc cắt giảm đầu tư công trên cơ sở rà soát lại danh mục các dự án kinh doanh không có hiệu quả, đầu tư tràn lan và phân tán khó thu hồi vốn, gây ra tình trạng nợ xấu. Việc tính toán cần đưa ra con số cụ thể cũng với những tác động về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và các tác động khác để cân nhắc sẽ phải cắt giảm toàn bộ hay cắt giảm một phần để giảm thiểu những tác động tiêu cực. Những dự án đầu tư công đang triển khai cần xác định cụ thể tỷ lệ đầu tư công và đầu tư từ các nguồn vốn khác để các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân hiểu rõ tình hình để có thể tham gia đầu tư có hiệu quả.

Thứ hai, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư tư nhân, nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách thích hợp nhằm huy động triệt để nguồn đầu tư này vào các dự án đầu tư công theo nguyên tắc xã hội hoá, với phương châm đẩy mạnh hợp tác giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân. Cần tính toán và ước lượng khả năng huy động đầu tư tư nhân trong một thời kỳ dài có thể đến năm 2020 hoặc xa hơn cả trong và ngoài nước để làm căn cứ bổ sung và thậm chí thay thế đầu tư công phù hợp. Có chính sách huy động đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào phát triển hạ tầng cơ sở, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư vào các dự án công nghệ cao.

Thứ ba, công bố rộng rãi thông tin về danh mục các dự án đầu tư công đang cần huy động vốn đầu tư tư nhân cũng như phương thức huy động, lợi ích của các đối tượng hữu quan, cơ chế bảo lãnh đầu tư, bảo hiểm rủi ro, các khoản lợi ích, bộ máy quản lý…để biến các dự án đầu tư công thành những dự án thực sự là “của công” dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, công chúng và đối tượng hữu quan. Chẳng hạn, thành lập một cổng thông tin điện tử hoặc thậm chí một sàn giao dịch dự án đầu tư công để thuận tiện trong việc công khai thông tin và kêu gọi đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước.

Thứ tư, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước sáp nhập hoặc mua lại các dự án đầu tư công bị thua lỗ hoặc dở dang đang thiêu vốn, hoặc mua lại các khoản nợ công để giảm bớt gánh nặng nợ của chính phủ. Việc khuyến khích tư nhân mua lại các khoản nợ cần được thông báo công khai và rộng rãi và tiến hành mua bán theo một quy trình phù hợp với các giao dịch mang bản chất thương mại để tránh thất thoát tài sản và vốn của nhà nước.

Thứ năm, thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để khai thác triệt để nguồn lực về thị trường, vốn, lao động bằng chính sách lãi suất hợp lý và những ưu đãi về tài chính, đất đai, thủ tục phù hợp để tạo thêm nhiều sản phảm mới, cải tiến công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh nội địa và quốc tế, triệt để tận dụng mọi cơ hội thị trường trong và ngoài nước giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đề cao việc hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia vào mạng sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu để chiếm lĩnh được những khâu có giá trị gia tăng cao, thâm nhập sâu vào thị trường thế giới thu lợi nhuận cao hơn thị trường trong nước, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới quản lý và phát triển thương hiệu có tính cạnh tranh cao.

Ở mức độ cao hơn, nên phát động một chiến dịch thậm chí là tạo ra một làn sóng đầu tư tư nhân có quy mô lớn để bù đắp vào khoản đầu tư công bị cắt giảm đáng kể trong thời gian tới và công việc này cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Điều này cũng thể hiện việc khuyến khích đầu tư tư nhân kịp thời và phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với tỷ trọng không nhất thiết phải lớn nhất trong cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng
Đại học Kinh tế quốc dân 

(Nguồn: VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất