Thứ Hai, 25/11/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 29/4/2012 15:59'(GMT+7)

Thực hiện đúng lộ trình Bảo hiểm y tê toàn dân sẽ tăng nguồn quỹ Bảo hiểm y tê

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam.

Phấn đấu duy trì ngưỡng an toàn

PV: Hiện nay có một số báo chí thông tin cho rằng, quỹ BHYT đang đối mặt với nguy cơ mất cân đối, xin ông cho biết thông tin này có chính xác không?

Ông Phạm Lương Sơn: Nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT luôn là vấn đề tiềm tàng trong suốt quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT ở tất cả mọi quốc gia và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt khi giá viện phí được sửa đổi, điều chỉnh tăng theo quy định của Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC trong thời gian tới.

Theo tính toán sơ bộ của BHXH Việt Nam, với tốc độ gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT từ 26-32% thì số lượng các tỉnh có khả năng bị bội chi “cục bộ” năm 2012 do tác động của giá viện phí mới sẽ lên tới 30 địa phương, bao gồm 11 tỉnh bị bội chi năm 2011 và 19 tỉnh có tỷ lệ sử dụng quỹ năm 2011 từ 90% trở lên, trong đó chủ yếu là các tỉnh, thành phố thuộc khu vực có điều kiện kinh tế xã hội tốt hơn, nguồn thu quỹ BHYT tương đối lớn.

Các địa phương còn lại tuy không có khả năng bội chi nhưng là những tỉnh thuộc vùng khó khăn, miền núi, nguồn thu nhỏ, khả năng “hỗ trợ bội chi cục bộ” không lớn.

Để đảm bảo khả năng cân đối quỹ năm 2012 khi thực hiện giá viện phí mới, chắc chắn BHXH Việt Nam sẽ phải sử dụng đến nguồn quỹ dự phòng từ năm 2010 đến nay.

PV: Theo báo chí phản ánh, hiện có khoảng 11 tỉnh đã mất cân đối quỹ và một số tỉnh khác đang trên đà “ngấp nghé” vỡ quỹ. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?

Ông Phạm Lương Sơn: Hiện tại, BHXH Việt Nam đang thực hiện thẩm định quyết toán toàn ngành năm 2011, số liệu chính xác về các tỉnh bội chi chỉ có được sau khi đã hoàn thành công việc này.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo để thẩm định quyết toán năm 2011 thì có 11 tỉnh có khả năng bị bội chi. Chúng tôi đang cho rà soát, kiểm tra lại chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các địa phương này.

Bên cạnh đó, cũng theo số liệu báo cáo của các địa phương thì hiện có 11 tỉnh, thành phố đã sử dụng đến trên 95% quỹ khám, chữa bệnh BHYT năm 2011, 8 địa phương có tỷ lệ sử dụng quỹ trên 90%. Các địa phương này đang nằm trong tình trạng “ngấp nghé” mất cân đối quỹ năm 2012 bởi tốc độ gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT sẽ vào khoảng từ 26-32%.

PV: Vậy xin ông cho biết cụ thể tỷ lệ sử dụng quỹ BHYT hiện nay như thế nào, liệu vẫn nằm trong “ngưỡng an toàn” không?

Ông Phạm Lương Sơn: BHXH Việt Nam đang rất cố gắng để đảm bảo khả năng cân đối quỹ BHYT năm 2012 song song với việc phải đảm bảo tốt hơn quyền lợi người tham gia BHYT.

Hy vọng rằng với sự hợp tác tốt hơn, trách nhiệm hơn của các cơ sở khám chữa bệnh, chúng ta sẽ duy trì được “ngưỡng an toàn” này.

PV:  Liệu cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, việc lạm dụng các dịch vụ y tế, các loại thuốc đắt tiền… có phải là những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT không, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Những vấn đề như cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, việc lạm dụng các dịch vụ y tế, các loại thuốc đắt tiền… là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ, kể cả có hay không việc tăng giá viện phí.

4 giải pháp khống chế nguy cơ mất cân đối quỹ

PV: Để khống chế nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, theo ông, chúng ta cần những giải pháp cấp bách gì hiện nay?

Ông Phạm Lương Sơn: Hiện nay, chúng tôi đã đề ra 4 giải pháp để khống chế nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT.

Thứ nhất, phối hợp với các Sở Y tế, các bệnh viện để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, cơ cấu giá và đề xuất mức giá phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương.

Thứ hai, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ trong công tác để kiểm soát chi phí, chống lãng phí, lạm dụng quỹ BHYT, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT.

Thứ ba, đổi mới phương pháp giám định theo phương thức tập trung và giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo tỷ lệ.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển BHYT toàn dân theo đúng lộ trình quy định tại Luật BHYT; tăng cường tính tuân thủ tham gia BHYT của các nhóm đối tượng, trong đó lưu ý đến hộ cận nghèo, hộ nông - lâm - ngư nghiệp và khu vực lao động phi chính thức.

PV: Vậy việc thực hiện đúng lộ trình BHYT toàn dân là một giải pháp quan trọng nhằm tăng nguồn quỹ BHYT phải không, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Đúng vậy, nếu thực hiện đúng lộ trình BHYT toàn dân, nguồn thu quỹ BHYT sẽ tăng lên và ổn định hơn. Đồng thời cũng đảm bảo hơn tính cộng đồng, chia sẻ rủi ro, một trong những nguyên lý cơ bản của bảo hiểm nói chung, BHYT nói riêng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo: Minh Diễm/VGP News) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất