Chủ Nhật, 22/9/2024
Chính sách
Thứ Năm, 3/5/2012 0:23'(GMT+7)

Loại bỏ dần tham nhũng ngay từ hoạch định chính sách

 

Đa số người dân hài lòng

Cuộc khảo sát năm 2011 lấy ý kiến người dân về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh trên phạm vi 63 tỉnh thành với 13.600 người dân.

Kết quả, người dân khá lạc quan về điều kiện kinh tế và tỷ lệ người dân hiểu biết về dân chủ cơ sở cao hơn so với năm 2010. Tỷ lệ người dân biết về luật phòng chống tham nhũng cao hơn, khoảng trên dưới 50% mặc dù họ không nắm rõ về chi tiết, cụ thể nhiều điều khoản.

Rất nhiều người được hỏi cho hay họ không biết gì về quy hoạch của phường xã nơi họ sinh sống và tỷ lệ này còn thấp hơn so với năm 2010.

Ông Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (CECODES) cho biết: Đây là lần đầu tiên PAPI được điều tra rộng rãi trong phạm vi cả nước và được người dân hưởng ứng tích cực. Nhìn chung các câu trả lời của người dân đều đánh giá tương đối đúng thực trạng nền hành chính công tại địa phương.

Trong số 63 tỉnh thành tham gia khảo sát, Long An là tỉnh đạt tỷ lệ cao về mức độ hài lòng của người dân ở cả sáu lĩnh vực khảo sát. Hai địa phương luôn ở nhóm dưới là Trà Vinh và Hà Giang.

Cuộc khảo sát lần này cũng tập trung vào một số nội dung như: tính công khai, minh bạch về quy hoạch sử dụng đất, ngân sách xã phường, danh sách hộ nghèo. Bốn thủ tục hành chính gồm: bộ phận một cửa, chứng thực, xác nhận, quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhằm đánh giá mức độ cung ứng dịch vụ của địa phương và mức độ hài lòng của người dân.

Về vấn đề thủ tục hành chính, đối với các thủ tục đơn giản như: khai sinh, khai tử, kết hôn…. có đến 90% người dân hài lòng. Tuy nhiên vấn đề thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn là vấn đề nóng. Qua kết quả khảo sát, Hải Phòng là địa phương mà người dân đánh giá thấp về vấn đề kiểm soát tài nguyên, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Bên cạnh đó Hưng Yên cũng là tỉnh có chỉ số thấp trong lĩnh vực này.

Điều đặc biệt là vấn đề lót tay, phong bì ở các bệnh viện tuyến quận huyện còn cao như kết quả khảo sát năm 2010.

Địa phương chưa mặn mà với kết quả từ PAPI

Theo ông Dinh, tỷ lệ khảo sát lấy ý kiến của người dân tại các tỉnh thành cho thấy, nạn tham nhũng vặt đã và đang trở thành phổ biến. Rõ ràng đây là vấn đề xã hội. “Nguyên nhân của vấn đề này là do hệ thống chính sách, quản lý còn lỏng lẻo. Muốn chữa căn bệnh này, phải chữa dần chứ không thể thanh lọc tham nhũng trong một sớm một chiều nhưng nhất thiết, người làm chính sách phải tìm ra giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa, loại bỏ dần tham nhũng ra khỏi cộng đồng.”, ông Dinh nói.

Mục đích của cuộc khảo sát theo chỉ số PAPI là nhằm tìm ra những điểm còn yếu kém trong quản trị hành chính công của mỗi tỉnh đế giúp họ nhìn nhận lại và giải quyết vấn đề.

Kết quả khảo sát năm 2010 và năm 2011 không cách xa nhau là mấy, tỷ lệ tiêu cực trong lĩnh vực đất đai hay tham nhũng vẫn không mấy thay đổi. Vấn đề chính là cách nhìn nhận của chính các địa phương được khảo sát, đánh giá.

Ông Jairo thừa nhận, “Đúng là điều mà chúng tôi mong muốn nhận được không nhiều. Không có nhiều địa phương mặn mà với kết quả này, thậm chí là lờ đi, coi như không biết. Tuy nhiên có một số tỉnh thành như Hà Tĩnh đã chủ động mời nhóm nghiên cứu đến để chia sẻ nhằm giúp tỉnh tìm ra điểm mạnh, điểm yếu liên quan đến chỉ số PAPI. Và Hà Tĩnh trong năm 2011 vẫn là tỉnh xếp thứ hạng cao về mức độ hài lòng của người dân. Kon Tum cũng là một ví dụ. Là tỉnh nằm nhóm cuối bảng trong cuộc khảo sát năm 2010, chính Tỉnh ủy Kon Tum đã ra chỉ thị yêu cầu UBND tỉnh và Sở Nội vụ tìm hiểu về sự không hài lòng của người dân cũng như tìm ra giải pháp để cải thiện tình hình qua các chỉ số khảo sát của PAPI, từ đó, Kon Tum đã xây dựng một đề án cụ thể để thực hiện.

HƯƠNG NGUYÊN/Nhân Dân 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất