Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 26/11/2008 14:31'(GMT+7)

GD-ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Nhiều vấn đề cần điều chỉnh

Các Sở Giáo dục ký kết giao ước thi đua dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng cùng các Cục, Vụ, Viện ngành giáo dục.

Các Sở Giáo dục ký kết giao ước thi đua dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng cùng các Cục, Vụ, Viện ngành giáo dục.

Nhiều vấn đề của năm học 2008-2009 như: đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục và quản lý giáo dục, thực hiện cuộc vận động “hai không”, cuộc vận động và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giáo dục, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, tình hình xã hội hóa giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, chương trình phân ban... đã được các đại biểu đưa ra thảo luận, đóng góp.

Các Sở GD-ĐT triển khai các cuộc vận động và cụ thể hóa những nhiệm vụ của mỗi cấp học, bậc học thành những tiêu chí thi đua phù hợp với ngành nghề sư phạm và chủ đề của năm học như: Hà Nội đặt mục tiêu “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao”; Hải Phòng với mục tiêu “6 điểm tư cách và 6 lời thề của người làm nghề dạy học”; Đà Nẵng thực hiện “Trường thân thiện - Thầy tích cực - Trò sáng tạo - Nền nếp tốt - Chất lượng cao”; TP. HCM với mục tiêu “Sống có trách nhiệm, năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”; Vùng 7 “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới cơ chế quản lý tài chính và triển khai phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các cuộc vận động đã đi vào hoạt động thực tiễn của toàn ngành, được xã hội quan tâm và đồng tình, ủng hộ.

Các Sở cũng đã có những kiến nghị như cần tăng mức học phí và các khoản thu khác; có chính sách về phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý và cải các chế độ tiền lương; nghiên cứu đề xuất việc không trích 40% nguồn thu học phí cho cải cách tiền lương đối với ngành giáo dục; điều chỉnh thực hiện làm việc 40h/tuần đối với giáo viên các trường THPT; ban hành quy trình thực hiện chuyển đổi mô hình các trường Dân lập sang trường Tư thục; việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài khá phức tạp nên cần có sự thống nhất quản lý giữa các cấp, ban, ngành; cần có cơ chế quản lý phù hợp đảm bảo chất lượng đào tạo và cơ hội được học nghề, chuyển đổi nghề trong xã hội…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các Sở Giáo dục cần hình thành mạng liên kết để tạo kho tài nguyên, bài giảng điện tử tham khảo chung; cần đưa văn hóa đời sống vào nhà truờng; mỗi quận, huyện phải có ít nhất 1 trường đăng ký trường học thân thiện; cần có những buổi thảo luận sâu phương pháp giảng dạy 3 môn văn - sử - địa…

Xung quanh vấn đề học phí ở bậc phổ thông, Bộ GD-ĐT đã dành 1 năm để xây dựng đề án đổi mới cơ chế tài chính, trình Chính phủ và đã báo cáo với Bộ Chính trị. Sắp tới Bộ Chính trị cho ý kiến chung về cơ chế tài chính và tiến hành điều chỉnh.

Về vấn đề phân ban, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Chủ trương cho phân ban để giúp học sinh có thể lựa chọn ngành học chuyên sâu là hoàn toàn hợp lý. Nhưng con số thực tế cho thấy hiệu quả chưa cao, song chưa tới mức xóa phân ban. Vì sao chất lượng chưa được như mong muốn? Tới đây, Bộ GD-ĐT và ngành giáo dục các địa phương sẽ phải tìm hiểu để điều chỉnh cho phù hợp. Chế độ đối với giáo viên sẽ được xem xét sao cho hợp lý. Việc xây dựng nhà công vụ hỗ trợ nhà ở cho giáo viên phải thực hiện đúng chỗ và đúng đối tượng. 

Nhưng nhìn chung, học phí phổ thông vẫn tuân thủ nguyên tắc nhà nước đảm bảo chính; người học đóng góp học phí theo khả năng. Phó Thủ tướng yêu cầu việc thu học phí không gây quá tải cho người học vì nhiều nơi còn rất khó khăn; đối với các trường có yếu tố nước ngoài và học phí các trường ngoài công lập cần phải công khai chất lượng, tài chính để phụ huynh lựa chọn cho con em mình vào học.

 Về chương trình phân ban, nhiều đại biểu cho rằng, chương trình chưa phát huy hiệu quả - bởi tỷ lệ học sinh chọn Ban cơ bản vẫn rất lớn so với các ban chuyên sâu khác.

Theo báo cáo của ngành giáo dục TPHCM, chưa tới 1% học sinh chọn Ban xã hội, hơn 4% học sinh chọn Ban Tự nhiên và có đến 95% học sinh chọn Ban Cơ bản. Theo ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, con số trên cho thấy, chương trình phân ban vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Để giải quyết vấn đề trên, nên chăng điều chỉnh lại thời lượng các môn học cho phù hợp.

Đã chấp nhận phân ban thì phải chấp nhận môn chính và môn phụ. Cần tăng thời lượng các môn chính của ban và giảm nhẹ thời lượng các môn phụ, để tránh học sinh phải học quá nhiều dẫn đến tình trạng quá tải và kém hiệu quả.

Phó Thủ tướng còn yêu cầu 5 Sở Giáo dục cần xây dựng cơ chế tốt, tạo mọi điều kiện cho ngành giáo dục phát triển, làm bài học cho các địa phương khác.

TG - Theo Dân Trí, SGGP

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất