Thứ Năm, 10/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 17/9/2010 21:34'(GMT+7)

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ở chung mặt bằng giá với gạo của Thái Lan

So với cùng kỳ năm 2009, về số lượng tăng 5,86%, về trị giá FOB tăng 10,19%, trị giá CIF tăng 9,07%, giá xuất khẩu bình quân tăng 16,64 USD/tấn. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ở chung mặt bằng giá với gạo các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, dịch bệnh liên tục xảy ra nhưng sản xuất lúa năm 2010 dự kiến đảm bảo kế hoạch với sản lượng dự kiến khoảng 39-39,1 triệu tấn. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt sản lượng 21,3 triệu tấn, tăng khoảng 400.000 tấn so với năm 2009. Về tình hình thị trường, kể từ cuối tháng 7, giá gạo nội địa tại Việt Nam bắt đầu tăng mạnh, một phần do việc triển khai chủ trương thu mua tạm trữ đã phát huy hiệu quả, một phần do yếu tố tâm lý trước hiện tượng xuất khẩu gạo qua đường biên mậu và tình hình thiên tai dồn dập tại một số nước sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lương thực. Giá gạo bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 8/2010, việc duy trì giá sàn xuất khẩu được thực hiện để giãn bớt tiến độ đăng ký hợp đồng phù hợp với năng lực cung ứng lúa gạo hàng hoá xuất khẩu.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, công tác điều hành xuất khẩu gạo năm nay được thực hiện tốt, Việt Nam không những duy trì được các thị trường truyền thống mà còn khai thông được một số thị trường mới, tăng cường giao dịch thương mại. Hiện tại, nhu cầu đối với gạo Việt Nam trên thị trường rất lớn. Gạo Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đối tác truyền thống như: Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Cu Ba và sau nhiều năm gián đoạn, đã có mặt với số lượng đáng kể tại thị trường Băng-la-đét . Gạo thơm và gạo 5% tấm của Việt Nam khẳng định được chỗ đứng tại Châu Phi là thị trường tiêu thụ gạo thương mại lớn nhất Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên và ông Trương Thanh Phong đều cho biết: Tình hình cung-cầu lương thực thế giới từ nay đến cuối năm 2010, đầu năm 2011 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp của Hiệp hội đã triển khai thu mua tạm trữ, nhập kho được 966.488 tấn gạo, đạt 96,64% kế hoạch dự kiến. Các cơ quan liên quan đang tính toán lượng gạo tồn kho, dự trữ gối đầu cho năm tới và nhu cầu tiêu dùng trong nước cân đối với lượng lúa gạo được sản xuất trong nước để điều hành xuất khẩu. Trong nửa cuối tháng 9, Việt Nam sẽ xuất khẩu thêm khoảng 300.000 – 400.000 tấn gạo. Nhưng trong quý IV/2010 chưa thể đưa ra được số lượng gạo xuất khẩu tuyệt đối và cũng không đưa ra chỉ tiêu “cứng” mà sẽ tùy tình hình cụ thể để điều hành. Các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã thống nhất về định hướng: phải giữ giá lúa tốt theo hướng có lợi cho người trồng lúa, tiêu thụ hết gạo hàng hóa trên thị trường; bảo đảm kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu quả; chủ động can thiệp bình ổn thị trường khi có biến động giá. Việc điều hành xuất khẩu được thực hiện linh hoạt, theo sát giá cả thế giới, giá trong nước và cân đối nhu cầu thị trường trong nước, bảo đảm an ninh lương thực, không để giá gạo tăng đột biến, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân./.


Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất